Con người của sự phi thường
Armstrong trở thành một biểu tượng của nghị lực đã vực dậy sau khi bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư tinh hoàn năm 1996. Cuốn tự truyện phát hành năm 2000 với tựa đề "Ý chí ngoài đường đua" dày 300 trang đã được cả thế giới săn lùng. Cuốn sách kể lại cuộc đấu tranh với bệnh tật để giành lại sự sống, khắc họa một hành trình chiến thắng tử thần bằng nghị lực phi thường.
Giữa lúc sự sống đối với anh chỉ còn 20% hy vọng bởi căn bệnh ung thư tinh hoàn đã lây lan đến phổi, bụng và não trước khi Lance Armstrong trải qua điều trị triệt để và giành được chiến thắng Tour đầu tiên vào năm 1999. Sau nhiều năm, tay đua này trở thành hình mẫu chuẩn mực về một vận động viên thể thao phi thường. Câu chuyện của anh đã truyền lửa hy vọng cho hàng triệu người trên thế giới.
Từ cuộc chiến với bệnh ung thư, chàng vận động viên người Texas thành lập Tổ chức Livestrong vào năm 1997 nhằm hỗ trợ những bệnh nhân cùng cảnh ngộ. Với những nỗ lực của Lance Armstrong, Livestrong đã quyên góp được gần 500 triệu USD trong công cuộc đẩy lùi căn bệnh chết người này.
Câu chuyện về nghị lực của Lance Armstrong đã thu hút được một đội quân người hâm mộ và kéo theo đó là một loạt các hợp đồng tài trợ béo bở với các tập đoàn lớn như Nike hay nhà máy bia Anheuser - Busch.
Người ta hay ví cuộc đời mỗi con người giống như một trang sách nhưng với Lance Armstrong, nên ví cuộc đời anh với một đồ thị hình sin. Từ trên đỉnh dương của đồ thị ấy, cua-rơ áo vàng xuống dốc không phanh khi Ủy ban chống doping Mỹ (USADA) cáo buộc Lance Armstrong. Anh đã chiến đấu chống lại những lời cáo buộc sử dụng doping, như trước đó anh đã chiến đấu với căn bệnh ung thư tinh hoàn.
Anh đã đâm đơn kiện USADA tại tòa án liên bang và cho rằng cơ quan này đã đi quá giới hạn, thời gian thực thi và phạm vi quyền lực của mình trong việc điều tra về cáo buộc sử dụng doping của anh.
Lance Armstrong từ chức chủ tịch Tổ chức Livestrong sau khi bị tước 7 giải vô địch Tour de France.
Vận động viên này đã từng tuyên bố: "Tôi rất lấy làm tiếc vì các bạn không thể mơ một giấc mơ đẹp. Tôi lấy làm tiếc nếu các bạn không tin vào những phép màu. Đây là một cuộc đua khó khăn, và không có bí mật nào hết, phải rất khó khăn mới giành được chiến thắng".
Những nghi ngờ và tin đồn xung quanh việc Lance Armstrong sử dụng doping trong thi đấu đã bắt đầu từ năm 1999, năm đầu tiên anh giành chức vô địch Tour de France. Xét nghiệm dương tính với chất cấm lần này được giải thích bằng toa thuốc cho một loại kem điều trị bệnh ngoài da. Ngay lập tức, USADA đưa Lance Armstrong vào "danh sách đen" và không ngừng điều tra để quyết phanh phui ra sự thật đằng sau người hùng.
Năm 2004, hai cây bút sành sỏi của làng báo là David Walsh và Pierre Ballester đã cho xuất bản cuốn sách "Những bí mật" nói về câu chuyện hậu trường của Lance Armstrong. Trong đó, các tác giả cáo buộc tay đua lừng danh này sử dụng chất kích thích bị cấm dùng trong thể thao. Cuốn sách viện dẫn lời của một nhân chứng quan trọng, Emma O'Reilly, cựu nhân viên xoa bóp, trợ lý cá nhân của Armstrong và đội đua xe đạp anh ở Bưu điện Mỹ.
Emma kể lại chuyến đi bí mật khi Armstrong và đồng đội lén lút sử dụng các sản phẩm kích thích. Sau đó những người trong đội còn bàn bạc kế hoạch về đơn thuốc để trốn tránh xét nghiệm dương tính steroid (chất kích thích bị cấm dùng trong thể thao) trong giải Tour de France năm 1999. "Emma, bây giờ cô đã biết quá đủ để hạ bệ tôi", Armstrong nói với cô sau cuộc họp bí mật. "Lịch sử đã cho thấy rằng tôi đã không đủ khả năng để hạ bệ Armstrong và tôi không bao giờ muốn hạ bệ anh ấy, chưa bao giờ tôi muốn Lance Armstrong sụp đổ".
“Tượng đài” sụp đổ
Doping đã trở nên phổ biến trong giới đua xe đạp trong những năm 90 của thế kỷ trước, Emma nói, nó tích hợp vào môn thể thao như một phương cách "chắp cánh" cho các vận động viên leo lên các sườn đồi đầy thách thức của nước Pháp. Emma cho biết, cô đã cố gắng tránh xa khỏi các hoạt động liên quan đến doping nhưng cô luôn cảm thấy có một số áp lực buộc cô phải hợp tác. Cô tiết lộ, lần đầu tiên doping vào đội Bưu điện Mỹ là năm 1998 khi một người đàn ông gửi tay đua George Hincapie một gói bưu kiện mà ông ta mô tả là thuốc tăng cường testosterone. Sau này, Hincapie đã thừa nhận mình sử dụng chất cấm trong bản khai và hợp tác với USADA để đưa vụ việc ra ánh sáng.
Emma cũng kể lại việc mua đồ trang điểm cho Armstrong để tay đua này che giấu những vết bầm tím từ một liều tiêm trong cuộc đua có cô tham gia. Tuy vậy, Emma cho biết, cô chưa bao giờ tận mắt nhìn thấy Armstrong sử dụng chất cấm mặc dù cô cảm nhận chắc chắn là cua-rơ này đã làm điều đó. Việc phát hành cuốn "Những bí mật" đã dẫn đến một loạt các vụ kiện tụng. Trong số đó phải kể đến vụ Armstrong kiện báo The Sunday Times tội phỉ báng vì đã xuất bản một bài viết tham khảo cuốn sách này. The Sunday Times buộc phải bồi thường Lance Armstrong 300.000 bảng (tương đương 485.000 USD) trong vụ kiện đó.
Tuy nhiên khi USADA đã tung một "đòn chí mạng" với bản cáo trạng dài 1000 trang liệt kê chi tiết từng người, từng hoạt động dính đến nghi án doping của Armstrong. Trong số đó có 26 người, gồm 11 đồng đội cũ của Armstrong tại đội Bưu điện Mỹ đã tình nguyện làm nhân chứng cung cấp những lời khai khẳng định cua-rơ này đã sử dụng doping một cách chuyên nghiệp, tinh vi và thành công nhất trong lịch sử thể thao thế giới. Liên đoàn xe đạp quốc tế (UCI) đã xác nhận thông tin này và ra quyết định cấm Lance Armstrong thi đấu suốt đời cũng như tước hết 7 chức vô địch Tour de France vì sử dụng doping.
Ngay lập tức, tờ The Sunday Times lên tiếng yêu cầu Amstrong bồi hoàn lại số tiền 300.000 bảng mà họ đã thanh toán năm 2004. Cộng với lãi suất và chi phí pháp lý, tổng số tiền mà tờ báo của Anh đòi Amstrong lên đến 1,5 triệu USD. Trước đó, sau khi bị USADA và Liên đoàn xe đạp thế giới (UCI) trừng phạt, Armstrong đã bị tước hết các danh hiệu đồng thời mất đi những khoản tiền rất lớn khi các nhà tài trợ bỏ chạy. Lần lượt Nike, Trek, Giro, FRS, Anheuser-Busch, Honey Stinger và RadioShack bỏ rơi Amstrong khi bê bối của anh bị phanh phui.
Sau sự việc này, Armstrong đã từ chức chủ tịch của Livestrong Foundation (do anh sáng lập). Sau một thời gian đối đầu với các thông tin của USADA, cuối cùng Lance Armstrong cũng đã chính thức thừa nhận sự thật trong cuộc phỏng phấn với Oprah Winfrey. Tờ New York Times bình luận, việc Lance Armstrong công khai thừa nhận việc sử dụng bất hợp pháp các loại thuốc kích thích như một hy vọng cuối cùng của anh để lấy lại những gì đã mất. Trước cuộc phỏng vấn này, tay đua cũng đã lên tiếng xin lỗi toàn thể nhân viên tại Livestrong. Trong cuộc gặp 15 phút với các nhân viên của mình, Armstrong đã khóc nhiều và không nói về vấn đề dùng steroid trong đua xe đạp nhưng anh nói với họ rằng, anh chân thành xin lỗi về những áp lực mà các nhân viên đã phải chịu đựng vì anh.
Nguồn tin của CNN cũng khẳng định, Armstrong có thể sẽ trả lại một phần tiền anh nhận từ nhà tài trợ U.S Postal Service trong thời gian anh đoạt chức vô địch Tour de France 6 lần và vấn đề này đang được thương thảo chi tiết. Năm 2011, kênh truyền hình ESPN đã phát bản tin rằng US Postal Service đã trả 31 triệu USD để tài trợ cho đội đua, trong đó có Armstrong trong 4 năm cuối của hợp đồng tài trợ.
Khi lên tiếng khẳng định mình là người ăn gian, Lance Armstrong cũng nhận thức được việc này sẽ kéo theo một loạt những rắc rối đi kèm. Armstrong đã thú nhận, khép lại những nghi ngờ xung quanh khả năng phi thường của tay đua từng được coi là cừ khôi nhất thế giới.
Những lần "nhất" thế giới Từ năm 2002 đến năm 2005 Liên minh báo chí Hoa Kỳ đã bầu chọn Lance Armstrong là nam vận động viên xuất sắc nhất của năm. Năm 2003, hãng BBC bầu chọn anh là "Người nước ngoài nổi tiếng nhất". Vụ việc Lance Armstrong bị tước 7 chiếc cup Tour de France vì cáo buộc sử dụng doping cũng được kênh CNN khẳng định là sự kiện thể thao u buồn nhất trong năm. |
Thanh Xuân