Từ Bến Cảng Nhà Rồng, dẫu biết khó khăn chất chồng phía trước, thiền sư vẫn lênh đênh trên biển suốt tám ngày liền, để rồi cập bến Tây Trúc trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Hàng triệu tín đồ tôn giáo gột rửa tội lỗi trên dòng sông thiêng liêng nhất thế giới (Ảnh tư liệu).
Khởi hành đã gặp cơ duyên
Ngày 17/2/1937, tại chùa Tây Tạng diễn ra một sự kiện mà sau này trở thành một điển tích huyền thoại. Sư cô Diệu Hạnh thuộc chùa Tây Tạng cho biết: "Chuyện sư tổ đi Tây Trúc đến giờ như một sự tích, tăng ni trong chùa này không ai không biết và đều được kể lại tường tận. Hôm sư tổ ra đi, tại chùa, rất nhiều tăng, ni, phật tử và người mộ đạo đến tiễn chân. Thời buổi khó khăn nhưng chúng phật tử cũng tìm được một chiếc xe để đưa thầy xuống Sài Gòn. Sáng sớm khởi hành, tăng, ni cùng chúng phật tử đứng xếp hàng hai bên xe tiễn biệt. Đó là một sự kiện xưa nay hiếm ở chùa này".
"Sự tích Tây du Phật quốc" do chính thiền sư Minh Tịnh ghi lại: 8h xe đến Sài Gòn. Tại đây, thiền sư tìm cách đổi tiền Việt sang tiền Ấn Độ để khi sang nước bạn có tiền chi tiêu. Đương lúc bối rối, như cơ duyên tiền định, thiền sư gặp được một người Ấn Độ có lòng hảo tâm. Qua trò chuyện, người này cảm phục trước hành trình vĩ đại của người thầy tu đất Việt và cho biết một mình ra đất khách, lạ lẫm, khác biệt nhiều thứ sẽ có nhiều khó khăn, nên tình nguyện tìm cách giúp đỡ. Sau vài giây suy tính, người này đưa thiền sư đến gặp ông Ramasamy, Phó hội trưởng hội Chetty Madras (hội cho vay Madras - PV) gửi gắm. Một lần nữa, nguyện vọng xuất dương tìm đất Phật vì chúng sanh nước Việt lại chiếm được thịnh tình của Ramasamy.
Để hành trình của vị thiền sư bớt phần gian lao, Ramasamy viết hai bức thư gửi gắm ông cho những người tin cẩn của mình tại Singapore và Madras. Mọi việc lúc này đều được người thông ngôn thực hiện, tuyệt nhiên thiền sư Minh Tịnh chưa nghe, chưa biết một từ Ấn Độ nào. Đến lúc này, thiền sư mới nhận ra cần phải học tiếng Ấn. Tuy nhiên, ngày khởi hành đã điểm nên không thể dừng chân. Ông tạm biệt, tỏ lòng biết ơn người bạn mới quen rồi tìm ra bến cảng. Sau ít phút ngắm nhìn cảnh vật quê hương, thiền sư cố nén những lưu luyến, bước đến quầy bán vé mua vé đi Tây Trúc. Hành trình báo trước nhiều gian khó, nhiều bất ngờ bắt đầu.
Sau 3 ngày học tập, vận động liên tục bằng những hoạt động thường ngày để chống chọi với những cơn say sóng, đảm bảo sức khỏe, tự làm vui bản thân, ngày 20/4, thiền sư đến được Singapore. Tại đây, ông nhớ đến bức thư đầu tiên khi còn ở Sài Gòn ông Ramasamy viết cho mình. Bằng tiếng Ấn bập bẹ, người khách lạ ấp úng hỏi thăm địa chỉ Trưởng hội Chetty. Ông được dẫn đến gặp người này. Sau những ngỡ ngàng ban đầu, vẻ chân thành, gần gũi của thiền sư và nội dung bức thư nhanh chóng khiến người này ngỡ ngàng. Ông khẳng định: "Tốt quá, tới Madras, có tôi, sẽ không sao mà". Như vậy, ông như đã tìm được chốn nghỉ ngơi ngay khi đặt chân đến Madras.
Một góc thành Varanasi, Ấn Độ (Ảnh tư liệu).
Những ký ức không tên trên miền trời Tây Trúc
Người Việt đầu tiên chiêm ngưỡng sông Hằng Quá trình khám phá sông Hằng thiêng liêng của vị khách từ Việt Nam bắt đầu như một sự bất ngờ nhưng hữu duyên. "Sự tích Tây du Phật quốc" ghi lại, sau khi cúng dường tại chùa của Hin đu giáo, thiền sư lặng lẽ khám phá thành phố cổ. Đi mãi thấy nhiều người cầm hoa, bưng lễ vật, ông nghĩ hẳn nơi đó có chùa. Nơi nào có chùa, ông tất nhiên sẽ đến viếng thăm. Nghĩ vậy, thiền sư theo chân dòng người dẫn ra mé một con sông bao la. Đến đây, ông nhận thấy bên bờ sông đông nghịt người đủ mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp lên xuống không ngớt hỏi ra mới biết con sông vĩ đại của thế giới. Tại đây, thiền sư cố tâm quan sát, tìm hiểu về các tôn giáo khác nhau, tìm hiểu văn hóa của những con người đến từ khắp nơi trên thế giới. |
Đến ngày 25/4 tàu cập cảng Madras, một cảng chính thuộc Nam Ấn Độ. Niềm vui, hạnh phúc chưa trọn, những sự lạ lùng đã vội bao vây lấy ông. Như một người lạc vào thế giới khác, ông bị nhấn chìm trong sự nguy nga, tráng lệ, nhộn nhịp của phố phường Ấn Độ. Vốn tiếng Ấn sau 8 ngày khổ luyện dưới tàu cùng những người da đen không đủ để ông hiểu dân chúng ở đây nói gì. Thế nên, bao nhiêu sự lạ đều dồn cả vào ông, buộc ông phải thích nghi, phải tự tìm hiểu. Ví như nhất thiết phải tắm trước khi ăn cơm, nhưng tắm là phải tắm tập thể. Cả một đám đàn ông trần như nhộng, bao quanh một một cái hồ nhỏ, múc nước xối tắm, điều gần như không diễn ra ở Việt Nam. Ông viết: "Mình cũng chẳng nên ngại, chen chân với họ mà tắm cho họ vui lòng".
Những ngày lưu lại tại Madras, ông được người trong hội Chetty nơi đây lo chu tất, cho đi thăm thú, lễ bái các chùa chiền theo sự giới thiệu của Ramasamy trước đó. Đến ngày khởi hành vào thành phố được mệnh danh là kinh đô Ấn Độ Calcutta (TP. Kolkata), những người này cũng mua vé xe lửa cho vị khách mới quen. Sau 4 đêm vật vã trên xe lửa, ngày 31/4, thiền sư đặt chân lên mảnh đất huyền thoại, nơi vào khoảng thế kỷ thứ 7, Đường Huyền Trang ghi nhận trong hành trình thỉnh kinh của mình về sự đa tôn giáo cũng như nền văn minh, học thuật rực rỡ, cổ xưa vào bậc nhất thế giới: Thành Varanasi nằm trên bờ tây sông Hằng thiêng liêng.
Tuy nhiên, tại nơi phồn thịnh đạo Hin - đu, để có chỗ nghỉ chân, thiền sư phải tá túc tại một chùa của đạo. Nhập gia tùy tục, mặc dù là con nhà Phật, nhưng thân tá túc chùa ngoại đạo, để tôn trọng các tôn giáo khác, thiền sư cũng học theo quy luật nơi đây. Để không khác người, thiền sư cũng theo hành lễ và quệt 3 vạch ngang qua trán rồi chấm một chấm đỏ ngay giữa hai chân mày. Cũng chính tại chùa này, giữa lòng thành phố Varanasi thần thánh, vị khách lạ người Việt lần đầu khám phá sông Hằng thiêng liêng. Được biết, ông cũng là một trong người Việt đầu tiên đặt chân lên bờ con sông thiêng liêng nhất thế giới.
Tuy thân tá túc tại chùa của đạo Hin- đu, nhưng khi nghe có chùa Phật cách thành Xá Vệ (Savatthi) hơn 8km, thiền sư nhanh chóng khăn gói, mướn xe ngựa lên đường. Tại đây, ông gặp gỡ những Sa -di (người mới xuất gia) và được họ hướng dẫn đến làng Lộc - giả - viên (Sarnath) nơi được mệnh danh là thánh địa Phật giáo. Ông lưu lại đây 10 tháng để học tiếng Hin đu, tiếng Anh và thăm thú những công trình, chùa chiền gắn liền với đức Phật. Ngày 21/11/1935, thiền sư thăm Phật- đà - gia (Bodh Gaya, cội bồ đề tương truyền xưa kia đức Thích- ca tọa thiền) và lưu lại đây hơn một tháng để tu tập. Sau đó, ông viếng động Dunghasiri, nơi được biết đến như nơi khi chưa thành Phật ngài tu tại đây.
Sau khi đã viếng thăm hầu hết những thắng cảnh, chùa chiền gắn liền Phật tích, ngày 29/1/1936, thiền sư Minh Tịnh quyết tâm dấn thân vào một hành trình cam go mới: Chinh phục đỉnh Hymalaya tuyết phủ để viếng quốc gia Nepal và thỉnh Xá lợi Phật về nước...
Vượt qua mọi trở ngại Vừa đặt chân lên tàu, những điều mới lạ ầm ào bủa vây người khách lạ. Đầu tiên, ông phải thích nghi với cuộc sống trên tàu chao đảo, lắc lư khiến nhiều khi thiền sư nôn thốc nôn tháo. Hơn thế, ông cũng phải học cách ăn các món chay của người Ấn. Tuy nhiên, khó khăn hơn cả là việc tiếp xúc, trò chuyện với những người không cùng ngôn ngữ, tập quán. Để khắc phục trở ngại bậc nhất này, thiền sư kiên nhẫn giở sách học tiếng Pháp, tiếng Anh ra học những câu thông dụng. Sau đó, ông tìm ra bếp nơi có nhiều đầu bếp người Ấn để học thêm tiếng Ấn Độ. Ông học bằng cách hỏi bằng tiếng Anh để họ dịch sang tiếng Ấn và ông viết tất cả vào trong sổ tay. Đêm về sau giờ kinh kệ, ông lại lôi ra học. Ngày nào cũng vậy, trong khoang bếp của tàu viễn dương có một vị thầy tu người Việt ê a học tiếng Ấn Độ như trẻ con vừa tập nói. |
Hà Nguyễn - Ngọc Lài
Kỳ 3: Vị thiền sư Việt Nam đầu tiên khuất phục Hymalya thỉnh Xá lợi Phật