Ngày về vinh hạnh
Bốn tháng lưu lại Tây Tạng, thiền sư Minh Tịnh không chỉ sống trong những tháng ngày thỏa sở nguyện hành hương nơi Phật địa mà còn sống trong tình yêu thương mến mộ của người dân đất khách. Tại đây, sau khi vinh dự được Quốc vương ban Pháp danh, thiền sư vẫn giữ thói quen hành hương, lễ Phật tại các chùa địa phương. Những việc làm, lòng thành kính của vị sư già luôn chiếm được cảm tình của quan chức nước này. Không chỉ tạo mọi điều kiện để thiền sư thăm thú, lễ bái các chùa mà họ còn chú ý biệt đãi ngài bằng cách ban đặc ân có thể ra vào, lưu lại một cách tự do tại dinh thự của mình. Thế nhưng, tấm lòng mến mộ đó cũng không níu giữ được nỗi nhớ nhung quê nhà của vị thiền sư yêu nước.
Ảnh chụp khi thiền sư trở về Việt Nam sau chuyến Tây du Phật Quốc (Ảnh tư liệu).
Ngày 29/10/1936, thiền sư chính thức nói lời giã từ Tây Tạng, khăn gói lên đường trở về Bodhi Gaya, nơi đức Phật đã giác ngộ dưới cội Bồ Đề, khởi đầu cho chặng đường trở về Việt Nam trong vinh dự. Ngày trở về không quá khó như lần đầu vượt Hymalaya ngút trời. Nhưng thiên nhiên khắc nghiệt vẫn chực chờ xô ngã con người. Nhờ vinh dự được Quốc vương ban Pháp danh, viết giấy đi đường nên trên đường đi đoàn hành hương, trong đó có thiền sư Minh Thịnh có thể đổi ngựa ở bất kỳ làng nào. Hành trình kéo dài ròng rã gần một tháng trời.
Đến ngày 26/11/1936, thiền sư đến Bodhi Gaya. Sau lần ra đi từ thành phố đất Phật, hình ảnh vị thiền sư uyên thâm kinh kệ, văn hóa Đông phương vẫn hằn in trong tâm trí của đạo hữu nơi đây. Thế nên, lần trở lại mang theo mình những vinh hạnh này, thiền sư càng được đạo hữu kính trọng lưu luyến, giữ lại đàm đạo. Để thỏa lòng đạo hữu và tu tập, thiền sư lưu lại nơi đây lễ Phật, cúng dường và tiến hành các buổi thuyết pháp bằng những ngôn ngữ khác nhau. Có lẽ việc học tập, làm việc đã đi sâu vào tiềm thức thiền sư mộ đạo này. Những người biết ông, khẳng định cho dù đang trên hành trình hành hương gian khổ hay lưu lại chùa, người ta đều thấy ông học tập, lao động.
Chính sự nhiệt tâm lao động học tập không mệt mỏi trên, khi đến Sarnath, thiền sư lại được Sư trưởng tăng già ban Pháp danh chữ Pali (còn gọi là Nam Phạn). Ghi lại kỷ niệm trên, thiền sư viết: "Đoạn bần đạo lễ Phật và quỳ chính giữa lễ sư trưởng, kế sư hỏi ý cả đại chúng thì mỗi huynh dâng một tên. Rốt cuộc, sư nói: Xứng với tên An nam thì tên Pháp là Manhgiusshri (Văn - thù)". Nhận vinh dự trên, thiền sư lại lên đường tới Ceylong (Srilanka) để viếng chùa, làm công quả, lễ Phật. Tại đây, danh tiếng và hành trình khổ hạnh của thiền sư đã sớm được biết đến, thế nên các chùa đến đón tiếp vô cùng long trọng. Thiền sư được cao tăng các chùa mời đi thăm thú, lễ Phật các chùa lớn trong nước. Đó cũng là những chùa cuối cùng thiền sư viếng thăm trong hành trình vân du đất Phật trong hai năm của mình.
Tượng Đạt Ma Sư Tổ làm bằng tóc lớn nhất Việt Nam tại chùa Tây Tạng (Ảnh Hà Nguyễn).
Chùa Tây Tạng lưu giữ tích xưa
Hòa thượng Nhẫn Tế Chơn Phổ, tức Thiền sư Minh Tịnh sáng lập chùa Tây Tạng vào năm 1928 với tên gọi Bửu Hương Tự. Lúc bấy giờ, chùa chỉ có một am nhỏ để thiền sư tu tập và phổ độ chúng sanh. Chùa được xây trên một gò đồi cao, cây cổ thụ bao quanh, gió như tiếng suối, thanh âm tĩnh lặng, được xem như nơi có phong thủy giao hòa. Năm 1937, thiền sư vân du đất Phật trở về, quyết định đổi tên Bửu Hương thành Tây Tạng Tự. Chùa Tây Tạng, cũng giống như bao nhiêu ngôi chùa khác, trải qua thăng trầm của lịch sử, qua bao lần trùng tu nhưng vẫn giữ được dáng vẻ khiêm nhẫn, huyền diệu của Phật giáo.
Vẫn ẩn mình dưới hàng đại thụ già cỗi, chùa Tây Tạng đã được trùng tu và ngày càng thêm trang nghiêm theo lối kiến trúc kết tân. Chánh điện được thiết kế thờ phụng như một pháp hội khi Phật còn tại thế. Ở giữa điện, tượng Phật Thích - Ca uy linh sừng sững cao hơn 2m. Chung quanh tượng gồm chư Phật ở các vị trí, xếp tầng khác nhau như tầng dưới thờ Địa Tạng, Di Lặc; tầng kế thờ Phổ Hiền, Văn Thù; tầng trên thờ Quan Âm, Thế Chí... Đặc biệt, đích thân Hòa thượng trụ trì Thích Tịch Chiếu (hiện còn tại thế, tuổi đã ngoài 100) cũng góp phần tham gia tu bổ, chỉnh sửa trong quá trình tạo tác một số ảnh tượng Phật như tượng Đức Bổn Sư được hoàn mỹ hơn.
Sau lần đại trùng tu vào năm 1992, chùa Tây Tạng có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa ở xứ sở Tây Tạng. Chánh điện có cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp, tứ giác có chiều cao trên 15m. Bên cạnh kiến trúc, chùa Tây Tạng còn lưu giữ cuốn nhật ký lưu giữ hình ảnh và sự kiện hành trình về đất Phật một cách chi tiết, đầy đủ từng ngày từ Việt Nam qua Ấn Độ - Nêpan - Tây Tạng và ngược lại của thiền sư Minh Tịnh. Cuốn Nhật ký này được xem như tập "Tây Trúc-Tây Tạng ký" ghi rõ thời gian, địa danh và Phật sự suốt cuộc hành trình từ khi ngài xuất hành từ Thủ Dầu Một, Bình Dương.
Tượng gồm ba phần rời nhau, được gắn kết bằng keo dán. Ngoại trừ phần khung được làm bằng sắt, chất liệu còn lại làm nên bức tượng chủ yếu bằng tóc được thu nhận từ các Phật tử, kết dính với nhau bằng mật rỉ đường và vôi vữa. Tượng có chiều cao 2,83m, chiều ngang 1,74m, được hoàn thành trong vòng hai năm. Ông Nguyễn Khắc Bửu cùng các ông Nguyễn Chí Cơ và Tôn Ngọc An chuyên tâm, thành kính thực hiện từ năm 1982 - 1983. Trước khi vân du đất Phật, Ngài có nhận ba đồ đệ, hiện sư Thích Tịch Chiếu (102 tuổi, tịnh dưỡng tại chùa Tây Tạng) một trong ba đệ tử còn sống và ghi nhớ những chia sẻ cũng như lời truyền dạy của thiền sư.
Hiện nay, chùa Tây Tạng do Hòa thượng Thích Chơn Hạnh làm trụ trì, chăm lo sự phát triển chung của ngôi cổ tự có nhiều truyền tích hiển linh. Số xá lợi Phật do sư Minh Tịnh thỉnh về từ Phật quốc được chia làm hai phần, một mang về nghiêm thờ tại chùa Thiên Thai (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), phần được lưu lại thờ phụng ở chùa Tây Tạng. Công đức của thiền sư Minh Tịnh không giấy bút, ngôn từ nào có thể giảo định. Những cái nhất mà ông lưu lại hậu thế như để minh chứng cho nghị lực phi thường và lòng yêu nước vô biên của người Việt Nam. Sự hy sinh và nỗ lực theo đuổi ước mơ để hiểu biết đến căn nguyên nền Phật giáo của thiền sư Minh Tịnh...
Hà Nguyễn - Ngọc Lài