Con đường tha hóa của một hiệu trưởng
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo khó tỉnh Quảng Ngãi, cậu bé Huỳnh Đình Phúc từ lâu đã nuôi mộng ước trở thành một thầy giáo có kiến thức sâu rộng để cống hiến cho xã hội và trả ơn quê hương đã sinh ra mình. Vùng quê nghèo ấy đã nuôi lớn ước vọng của Phúc và ước mơ của chàng sinh viên năng động ngày nào đã nhanh chóng trở thành hiện thực.
Sau khi tốt nghiệp, chàng sinh viên đã thể hiện tâm huyết của mình và háo hức tình nguyện về công tác cho ngành giáo dục tại một nơi vùng sâu vùng xa của huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.
Sau hơn 10 năm cống hiến cho vùng đất nghèo khó ấy, năm 1995, thầy Phúc được đồng nghiệp tin cậy đề bạt và cấp trên bổ nhiệm làm hiệu trưởng trường Tiểu học Lộc An B (xã Lộc An, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng). Từ khi được bổ nhiệm, thầy Phúc đã tận tâm ra sức làm việc và có nhiều đóng góp tích cực đáng kể cho sự nghiệp giáo dục được Phòng Giáo dục huyện Bảo Lâm ghi nhận và trao tặng nhiều bằng khen.
Đến năm 2009, cuộc sống của thầy đã trở nên phóng túng và thoáng đãng hơn trước rất nhiều. Từ lối sống phóng túng như vậy nên thầy Phúc đã mau chóng đổi thay và có nhiều chểnh mảng trong công việc. Là Bí thư chi bộ nhà trường nhưng thầy đã bỏ họp làm chi bộ bị tê liệt trong ba tháng liên tiếp. Trên cương vị là một hiệu trưởng, thầy cũng không hoàn thành. Càng về sau, thầy càng bộc lộ là một hiệu trưởng thiếu năng lực và bản lĩnh lãnh đạo nhà trường, để xảy ra tình trạng chia phe phái trong nội bộ giáo viên.
Chưa hết, thời gian gần đây, thầy còn can thiệp quá sâu vào chuyên môn của các giáo viên trong trường bằng cách dùng video quay lại cảnh giáo viên gặp phụ huynh và học sinh, làm giáo viên mất tự tin và uy tín với phụ huynh học sinh. Thầy đã thường xuyên bỏ công sở để đi chơi và giải quyết việc riêng tư của mình. Các giáo viên trong trường cho biết có việc gì cần gặp thì cũng chẳng biết tìm thầy ở đâu.
Đến tháng 2/2011, không thể chấp nhận một hiệu trưởng tha hóa như vậy nên đa số giáo viên trong trường đã gửi đơn lên Phòng Giáo dục huyện Bảo Lâm tố cáo thầy Phúc với nhiều sai phạm như: Bỏ sinh hoạt Đảng 3 tháng liên tiếp; Quản lý nhà nước không chặt chẽ và khi giáo viên trong nhà trường khó khăn phải thế chấp sổ lương để vay tiền Ngân hàng thì phải bỏ phong bì cho thầy 100.000 đồng thầy mới ký duyệt. Ngoài ra, thầy Phúc còn bị giáo viên tố bỏ túi riêng số tiền chênh lệch khi giáo viên nghỉ sinh mà thầy vẫn kê đứng lớp để lấy phần trăm; tiền thu bảo hiểm thất nghiệp 1% của giáo viên trong năm 2010 thầy bỏ túi riêng hết.
Kết cục đau lòng
Sau khi bị tố cáo, thầy Phúc thực sự lo lắng và rất buồn vì cho rằng các đồng nghiệp làm như vậy là quá đáng với mình. Nhiều thầy cô trong nhà trường đã tỏ ra coi thường thầy, cho rằng thầy đã đi quá xa mà quên đi vai trò và trọng trách làm một hiệu trưởng của mình. Sự việc ngày càng trở nên tồi tệ hơn khi có nhiều giáo viên trong trường xúc phạm thầy.
Cho rằng bị chèn ép trong trời gian dài và vì quá phấn khích nên có lần khi thầy Phúc vừa đến cổng trường thì đã bị các giáo viên tập trung lại đòi đánh.
Sau khi biết được bản thân không thể tránh khỏi bị kỷ luật, tinh thần thầy Phúc đã bị suy sụp, sức khỏe giảm sút, một số bệnh như cao huyết áp, thần kinh trỗi dậy. Đến ngày 15/8/2011, thầy Phúc bị UBND huyện Bảo Lâm ra quyết định kỷ luật cảnh cáo vì đã vi phạm một số quy định về văn hóa công sở, gây mất đoàn kết nội bộ, vi phạm quy chế dân chủ cơ sở, thiếu tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị, không thực hiện thẩm quyền nhiệm vụ được giao.
Quá buồn rầu với quyết định trên và cho rằng bị oan, trong lúc bế tắc, thầy Phúc đã chọn giải pháp uống thuốc diệt cỏ tự tử ngay trong vườn nhà của mình. Trước khi nhắm mắt, thầy Phúc đã viết một bức thư ngắn gửi cho vợ con với những lời lẽ thống thiết: "Anh xin lỗi em, anh thương em và các con nhiều lắm. Anh lúc nào cũng ở bên em và các con".
Trong đêm định mệnh ấy, thầy đã gọi điện cho một người bạn và cả con gái thầy nữa, tâm sự rằng thầy đang rất buồn. Đến 5h30' ngày 23/8/2011, vợ thầy là cô Can ngủ dậy thì không thấy thầy trong nhà nên mới nghi ngờ đi tìm. Tìm mãi vẫn không thấy chồng đâu, một lúc sau cô Can đã sang nhờ hàng xóm tìm giúp.
Đến 8h30' cùng ngày, vợ thầy và hàng xóm phát hiện thầy nằm phía sau vườn nhà trong tư thế khỏa thân. Mọi người nhanh chóng đưa thầy vào nhà, sau đó đưa thầy đi bệnh viện cấp cứu. Tuy nhiên, do nồng độ thuốc quá cao và độc đã ngấm vào người nên thầy Phúc đã tử vong tại bệnh viện vào sáng ngày 24/8/2011.
Ngay trong buổi sáng hôm đó, xác thầy Phúc đã được đưa về nhà riêng và công an huyện Bảo Lâm và công an xã Lộc An đã đến để thực hiện việc khám nghiệm tử thi nhưng con gái thầy Phúc tên là Loan không đồng ý. Ngay cả khi Trưởng phòng giáo dục huyện Bảo Lâm đến để thắp hương cho thầy Phúc cũng bị Loan từ chối.
Từ cái chết của thầy Phúc, vấn đề được đặt ra đó là sự quản lí quá lỏng lẻo của lãnh đạo phòng Giáo dục huyện Bảo Lâm nên thầy Phúc đã lạm dụng chức vụ để vi phạm trong thời gian dài dẫn đến cá nhân bị tha hóa mà không có biện pháp khắc phục. Trong lúc thầy Phúc bế tắc không có người để chia sẻ, UBND huyện Bảo Lâm đã có quyết định kỷ luật thầy mà không có những biện pháp thuyết phục, để giáo viên trong trường có những hành động không đúng mực, làm nhục thầy.
Xe tang đã đưa thầy Phúc về an táng tại quê nhà. Thế nhưng cái chết và câu chuyện của thầy Phúc sẽ còn mãi trong dư luận về sau.
Nguyễn Tâm - Ngọc Anh