Hành trình thảm họa của Vicem Hải Phòng tại V-League 2012

Hành trình thảm họa của Vicem Hải Phòng tại V-League 2012

Thứ 5, 27/12/2012 23:47

Trên sân vận động Lạch Tray chiều 21/7, chỉ còn khoảng 5000 cổ động viên trung thành kéo đến dù ban tổ chức sân không hề bán vé.

Họ đã gây sốc, khi mang theo một cỗ quan tài, mang ý nghĩa tiễn đưa Vicem Hải Phòng (V.HP) xuống hạng sau 5 mùa giải đầy ắp thăng trầm. Nhưng phía sau cuộc ra đi được dự báo trước này là cả một câu chuyện dài về cuộc khủng hoảng, sự sai lầm trong cách làm của những người quản lý và hơn thế, là cả những dấu hỏi âu lo đến thắt ruột về tương lai ảm đạm của bóng đá đất Cảng.

Trận đấu cuối cùng đến sân chứng kiến V.HP xuống hạng, những fan hâm hâm mộ đội bóng đất Cảng thậm chí không bộc lộ một cảm xúc nào, như họ vẫn thường thể hiện một cách dữ dội (thậm chí quá khích) trong những mùa giải trước. Hơn bao giờ hết, sau cả một hành trình thảm họa kéo dài đến hơn 8 tháng vắt qua hai triều đại HLV Nguyễn Đình Hưng và Lê Thụy Hải, fan hâm mộ Vicem Hải Phòng hiểu rằng tấn bi kịch hôm nay chỉ là kết cục tất yếu.

Bóng đá Quốc tế - Hành trình thảm họa của Vicem Hải Phòng tại V-League 2012

Chiếc quan tài được CĐV đưa vào sân tiễn Vicem Hải Phòng xuống hạng (Ảnh: Minh Hoàng)

Từ chuyện ba nốt nhạc của ông Hưng

Ngay từ thời điểm mùa giải 2012 bắt đầu, những người hâm mộ bóng đá đất Cảng đã có dự cảm không lành về đội bóng của mình. Khoảng thời gian đó, chiến lược gia Nguyễn Đình Hưng, người góp công rất lớn giúp Hải Phòng trụ hạng thành công mùa giải trước tuyên bố sẽ làm cách mạng. Nhưng thực tế, thì khi tiến hành các thương vụ mua sắm bạc tỷ, vị HLV người Khánh Hòa hầu như chẳng được can thiệp hay lên danh sách một ngôi sao sáng giá nào.

Vào V-League được hai vòng đấu, hậu trường Vicem Hải Phòng đã rộ lên chuyện ông Đình Hưng bị một loạt công thần phản ứng dữ dội. Lúc đó, một vài nguồn tin rỏ rỉ trong hậu trường làng bóng nói rằng chiến lược gia này sẽ sớm phải khăn gói ra đi, khi cố tình kéo một số đệ tử về tạo vây cánh. Trên thực tế thì như HLV Đình Hưng sau này chua chát thừa nhận, ông không hề đưa một cầu thủ nào của mình về. Nhưng vì “non tay”, chiến lược gia này đã chẳng thể làm được gì để thay đổi tình hình và chứng minh sự trong sạch của mình. Liên tiếp ba trận đấu dưới quyền ông, các cầu thủ Vicem Hải Phòng đá như đi bộ và phải nhận những kết quả thua tan nát.

Bị cầu thủ chống đối, bị cổ động viên chửi rủa, thậm chí ném thẳng bịch nước vào người ngay trên sân Lạch Tray, HLV Đình Hưng cực chẳng đã phải nộp đơn xin từ chức. Cuộc ra đi tức tưởi biến ông trở thành chiến lược gia mất việc sớm nhất mùa giải này. Ở Vicem Hải Phòng, các cầu thủ vẫn bảo lãnh đạo đội chẳng để ông Hưng thiệt thòi về tài chính. Nhưng câu chuyện ba nốt nhạc đánh rụng ghế ông Hưng, sau đó trở thành giai thoại ở Vicem Hải Phòng để ám chỉ quyền lực của những ngôi sao nơi hậu trường. Cả mùa giải, kể cả thời điểm HLV Đình Hưng ra đi rồi, phòng thay đồ của Vicem Hải Phòng vẫn không bao giờ lấy lại được sự bình yên nữa.

Bóng đá Quốc tế - Hành trình thảm họa của Vicem Hải Phòng tại V-League 2012 (Hình 2).

HLV Lê Thụy Hải hoàn toàn bất lực với nhiệm vụ vực dậy V.HP

Đến thất bại cay đắng của ông Lê Thụy Hải

HLV Nguyễn Đình Hưng ra đi và chiến lược gia Lê Thụy Hải, người vẫn thường vỗ ngực tự xưng mình là số một Việt Nam được Vicem Hải Phòng trải thảm mời về. Hồi đó, ngoài khoản lót tay bạc tỉ, HLV gốc Hà Đông còn được lãnh đạo đội bóng đất Cảng đãi ngộ bằng mức lương tháng lên đến cả trăm triệu đồng. Có ông Hải “lơ”, những người làm bóng đá Hải Phòng lại mơ mộng. Họ không chỉ nghĩ về trụ hạng nữa (dù V.HP đang xếp bét bảng) mà dám đặt ra mục tiêu lọt vào Top 3 đội dẫn đầu vào cuối mùa.

Nhưng rồi sau đó, người Hải Phòng nhanh chóng bị vỡ mộng. HLV Lê Thụy Hải không phải là phù thủy để lập tức biến đội bóng yếu kém, bệ rạc thành một nhà vô địch. 19 trận dưới bàn tay chèo lái của chiến lược gia này, V.HP chỉ vỏn vẹn 2 lần ca khúc khải hoàn, trong khi hứng chịu đến 12 trận thua. Trong đó, trận đấu quyết định, thua Hà Nội T&T ngay trên sân nhà chiều thứ bảy vừa qua, chính là đỉnh điểm của chuỗi thành tích tồi tệ nhất của V.HP suốt mùa giải: 6 trận thua liên tiếp. Sau trận đấu đó, HLV Lê Thụy Hải thừa nhận ông đã thất bại và chính V.HP, cũng thua lấm lưng với canh bạc liều lĩnh của mình.

Gần 8 tháng dưới triều đại của ông Lê Thụy Hải chính là khoảng thời gian đen tối nhất của đội bóng đất Cảng. Vòng 12, khi V.HP thua Thanh Hóa, thì ngay trên sân, đội trưởng Minh Châu và người đồng đội Xuân Phú suýt chút nữa đã lao vào nói chuyện với nhau bằng nắm đấm. Đến vòng 17, Hải Phòng lại phải chứng kiến hình ảnh đáng xấu hổ khác khi thủ môn Đậu Ngọc Tân hùng hổ phản ứng và gạt tay vào mặt trọng tài Võ Minh Trí. Đáng nói là sau hành động này, cả HLV Lê Thụy Hải cũng làm lãnh đạo V.HP không còn biết giấu mặt vào đâu, khi lao thẳng vào sân quát nạt, phản ứng trọng tài một cách gay gắt.

Gần 8 tháng dưới triều đại của HLV Lê Thụy Hải, người ta chỉ thấy một hình ảnh V.HP bệ rạc. Cầu thủ nội thì mất đoàn kết, cầu thủ ngoại thì đá èo uột, giữ chân vì lúc nào cũng bị đe dọa bởi những tin đồn (không hề được lãnh đạo đội kiểm soát) sẽ bị thanh lý hợp đồng. Trước giới truyền thông, chiến lược gia gốc Hà Đông luôn lặp đi lặp lại điệp khúc “Quân tôi kém”. Nhưng người hâm mộ Hải Phòng tin rằng, ngoài lý do đó, thì chính bản thân ông Hải cũng là người phải chịu trách nhiệm về thất bại cay đắng hôm nay của bóng đá Hải Phòng. Cao hơn nữa, chính những nhà quản lý, với cách vung tiền quá trán, song lại thiếu định hướng cụ thể đã khiến cho V.HP phải hứng chịu kết cục xuống hạng sau 5 năm trở lại V-League.

Giữa mùa giải 2012, nhằm cứu vãn tình thế nguy ngập, lãnh đạo Vicem Hải Phòng đã tìm cách liên hệ với tiền vệ Leandro, ngôi sao từng có nhiều năm tỏa sáng trong màu áo CLB. Đáp lại thịnh tình ấy, Leandro bắn tin sẵn sàng về giúp đỡ Hải Phòng, thậm chí chỉ cần nhận 500 triệu tiền lót tay mỗi mùa giải. Nhưng anh cũng ra điều kiện buộc lãnh đạo V.HP phải sa thải ông Hải lơ. Lý do được hiểu là từ lúc còn dẫn dắt Bình Dương, chính HLV Lê Thụy Hải đã gạt bỏ Leandro, khiến tiền vệ này bị lãnh đạo đội bóng đất Thủ thanh lý.

Bảo Duy

Kỳ 2: Tiền tỷ lãng phí để mua thất bại


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.