Hành trình thâu tóm doanh nghiệp nghìn tỷ của em trai Thứ trưởng Kim Thoa

Hành trình thâu tóm doanh nghiệp nghìn tỷ của em trai Thứ trưởng Kim Thoa

Võ Tá Quỳnh

Võ Tá Quỳnh

Thứ 4, 09/08/2017 07:00

Sau khi Nhà nước thoái vốn, tỷ lệ sở hữu của ông Hồ Đức Lam tại Nhựa Rạng Đông nhanh chóng tăng lên mức chi phối.

Tiêu dùng & Dư luận - Hành trình thâu tóm doanh nghiệp nghìn tỷ của em trai Thứ trưởng Kim Thoa

Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Nhựa Rạng Đông ông Hồ Đức Lam

 Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa vừa qua đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị kỷ luật do những sai phạm trong quá trình điều hành CTCP Bóng đèn Điện Quang (Mã chứng khoán: DQC).

Trong một bài viết gần đây, Người Đưa Tin đã phân tích bà Kim Thoa và tổ chức, cá nhân liên quan đang sở hữu gần 60% cổ phần của DQC.

Tuy vậy, không nhiều người biết rằng ngoài Điện Quang, một doanh nghiệp nữa trong ngành công thương hiện nay cũng thuộc sở hữu của một trong số các em trai bà Kim Thoa. Đó là Công ty CP Nhựa Rạng Đông (Mã chứng khoán: RDP).

Nhựa Rạng Đông tiền thân là Liên hiệp các Xí nghiệp Cao su Viễn Đông Pháp được thành lập từ năm 1960. Giai đoạn 1996-2003, Nhựa Rạng Đông là thành viên của Tổng công ty Nhựa Việt Nam trước khi chuyển về trực thuộc Bộ Công nghiệp vào năm 2003. Nhựa Rạng Đông chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 5/2005 và lên sàn chứng khoán cuối năm 2009 với mã RDP.

Cho tới nay, sau gần 60 năm hình thành và phát triển, RDP đã trở thành một tên tuổi lớn trên thị trường. Tổng tài sản tới cuối tháng 6/2017 đạt 1.300 tỷ đồng, vốn điều lệ 320 tỷ đồng. Doanh thu năm 2016 đạt 1.200 tỷ đồng, lãi sau thuế 53 tỷ đồng.

Quá trình phát triển của RDP gắn liền với cái tên Hồ Đức Lam – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Ông Lam cũng là em trai của bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công thương.

Ông Hồ Đức Lam, sinh năm 1962, đã gắn bó với RDP từ những năm 80 của thế kỷ trước, dần thăng tiến từ công nhân điện lên Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc rồi Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Trước khi SCIC thoái vốn, ông Hồ Đức Lam là người đại diện phần vốn nhà nước tại RDP.

Ảnh hưởng gần như tuyệt đối giúp ông Hồ Đức Lam nhanh chóng gia tăng sở hữu RDP qua các lần tăng vốn hay thoái vốn nhà nước. Quá trình mua gom cổ phiếu RDP cũng trùng hợp với thời gian ngồi ghế Thứ trưởng của chị gái ông – bà Kim Thoa (2010-nay).

Cụ thể, năm 2012, ông Hồ Đức Lam bất ngờ mua vào 2,3 triệu cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%, dù trước đó ông Lam chỉ sở hữu vỏn vẹn 70.000 cổ phiếu RDP. Con số này nhanh chóng tăng lên 24,08% năm 2013.

Bước ngoặt diễn ra vào năm 2014 khi SCIC thoái toàn bộ 6,2 triệu cổ phiếu, tương ứng 43,36% vốn RDP. Số cổ phiếu trên được bán cho 3 cá nhân Nguyễn Thị Hương Giang, Nguyễn Hoàng Ngân và Huỳnh Minh Đoan. Sau giao dịch, 3 cổ đông này nắm tới 59,33% vốn RDP.

Tuy nhiên, vào ngày 7/7/2015, hai cổ đông lớn Huỳnh Minh Đoan và Nguyễn Thị Hương Giang đã thoái toàn bộ 5,3 triệu cổ phần RDP. Ở chiều ngược lại, ông Hồ Đức Lam mua thành công gần 5,8 triệu cổ phiếu theo phương thức khớp lệnh, nâng tỷ lệ sở hữu lên tới 64,15%. Tới đây, quá trình thâu tóm Nhựa Rạng Đông của ông Hồ Đức Lam đã hoàn thành khi tỷ lệ sở hữu đạt quá bán.

Song song với việc mua gom cổ phần RDP, những cái tên thân cận với ông Hồ Đức Lam cũng nhanh chóng nắm giữ các vị trí quan trọng. Tính tới cuối tháng 6/2017, trong danh sách 5 thành viên hội đồng quản trị Nhựa Rạng Đông, còn 2 cái tên mang họ Hồ là ông Hồ Đức Dũng (con trai ông Lam) và ông Hồ Phi Hải.

Ngoài ra có bà Trần Thị Lĩnh. Bà Lĩnh cùng ông Hồ Đức Dũng chính là hai nhà đầu tư đã mua thỏa thuận 3,9 triệu cổ phiếu Bóng đèn Điện Quang (17,74% vốn) trong đợt thoái vốn của SCIC hồi tháng 9/2014.

Hiện Thứ trưởng Kim Thoa cũng đang sở hữu gần 10.000 cổ phần tại Nhựa Rạng Đông.

Nghi Điền

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.