Mơ ước muôn đời về sự bất tử
Theo Ancient Origins, những vị thần được miêu tả trong truyền thuyết ở nhiều nền văn hóa, thường bất tử hoặc sống cuộc đời kéo dài hàng ngàn năm. Một số ghi chép cổ đại còn đề cập đến những loại thực phẩm cụ thể mà chỉ có các vị thần mới được phép ăn để duy trì sức mạnh và sự bất tử. Đơn cử như trong thần thoại Hy Lạp thức ăn và thức uống của các vị thần bất tử gồm có mật hoa và phấn ong. Còn ở thần thoại Ai Cập và truyền thuyết về Thoth và Hermes Trismegistus, có những ám chỉ cho thấy cả hai người đã uống “giọt trắng”, cũng được gọi là “vàng lỏng” đem đến cho họ sự bất tử.
Văn bản của người Sumer có nhắc đến “sữa của Ninhursag” và cho biết các vị thần và vị vua của Sumer cổ đại sẽ uống loại sữa này để trở nên mạnh mẽ và bất tử. Còn trong thần thoại Trung Hoa, “đào tiên” được coi là loại thức ăn trường sinh bất lão, giúp đảm bảo sự tồn tại vĩnh cửu của các vị thần. Nếu con người ăn trái cây này, họ cũng sẽ được bất tử.
Ở thời cổ đại, việc tìm kiếm thuốc trường sinh bất lão là nhiệm vụ tối quan trọng của nhiều người. Các nhà giả kim Trung Quốc đã thử dùng lửa luyện các khoáng chất như chì, thủy ngân trong các lò đặc biệt biến chúng thành đan dược, nuốt vào có thể thành tiên hay trường sinh bất lão. Thứ được ưa chuộng nhất lúc bấy giờ được gọi là đan sa, một hợp chất của chì với thủy ngân. Do có màu vàng đỏ rất đẹp mắt sau khi tinh luyện được trong lò nên các đạo sĩ tin rằng đan sa chính là thứ thuốc tiên cao quý mà họ cất công kiếm tìm bất lâu nay, con người khi uống thứ này vào có khả năng chữa khỏi bách bệnh. Đáng tiếc, họ không hề biết rằng cả thủy ngân và chì đều là những kim loại độc chết người.
Trong lịch sử, trường hợp theo đuổi giấc mơ bất tử nổi tiếng nhất có lẽ là Tần Thủy Hoàng – vị vua mải mê tìm mọi cách để "vĩnh viễn trị vì trên ngôi báu". Tương truyền, khi đang lang thang ở Quốc sử quán, Tần Thủy Hoàng bất ngờ tìm thấy một cuốn sách cổ về y học thời xưa. Cuốn sách này có đề cập đến một chất có thể ban cho con người một cuộc sống bất tử, trẻ mãi không già, đó chính là thủy ngân lỏng. Quá đỗi vui mừng, Tần Thủy Hoàng liền cho người đi khắp nơi, thu thập lượng lớn thủy ngân về cung; thậm chí ông còn cho xây một con sông thủy ngân lỏng vây quanh cung điện ngầm của mình. Tuy nhiên bất chấp những nỗ lực tìm kiếm thuốc trường sinh, vị hoàng đế bạo tàn đã qua đời ở tuổi 49.
Ngay cả trong thời hiện đại, các nhà khoa học vẫn dành nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu về phương thuốc giúp con người trẻ mãi không già. Năm ngoái, theo tờ Người lao động, một nhóm nghiên cứu đến từ trường đại học New South Wales (Úc) đang phát triển một loại thuốc đặc biệt, có thể sửa chữa ADN bị hư hại và đảo ngược quá trình lão hóa. Việc này diễn ra sau khi họ phát hiện ra một quy trình quan trọng trong việc sửa chữa ADN hư hỏng và tế bào lão hóa. Trong các thử nghiệm trên chuột, loại thuốc này đã có thể trực tiếp sửa lại các đoạn ADN bị tổn thương, kể cả do phóng xạ hay từ quá trình lão hóa.
Tuy nhiên, cuộc sống vĩnh hằng chất chứa nhiều rủi ro hơn ta tưởng...
Điều kỳ diệu hay thảm họa diệt vong?
Tờ Listverse đã dẫn ra một số nhược điểm đáng sợ liên quan đến các vấn đề đạo đức, tâm lý hoặc xã hội mà một loài bất tử có thể sẽ phải đối mặt. Đầu tiên, là sự phân rã toàn cầu khi cái chết - một thành tố thiết yếu của mọi hệ sinh thái lành mạnh không còn nữa. Lúc đó, Trái đất không còn đủ chỗ “che chở” cũng như đủ sức để phục vụ nhu cầu ngày càng lớn của chúng ta.
Thứ hai, bạn đã bao giờ để ý thời gian dường như trôi qua nhanh hơn khi bạn già đi? Đó là một hiện tượng được giải thích rõ ràng. Chẳng hạn, lúc 10 tuổi, một năm là 1/10 của toàn bộ cuộc đời bạn trong khi ở tuổi 100, một năm chỉ là 1% cuộc đời. Bởi vậy nếu chuyện bất tử khả thi, sẽ thật kinh khủng khi chuỗi ký ức bị biến thành một mớ hỗn độn phức tạp, và bạn sẽ không thể phân biệt những ký ức không đáng chú ý được tạo ra cách đây 10.000 năm so với những kỷ niệm từ 9.000 năm trước.
Tiếp theo, dù có được cuộc sống vĩnh cửu, bạn cũng không thể tránh khỏi tình trạng sa sút trí tuệ, bởi một cơ quan phức tạp như não bộ vốn không được “thiết kế” để tồn tại mãi mãi. Khi đó cảm xúc, trí nhớ và sự kiểm soát bản thân dần xói mòn theo thời gian và chúng ta có thể trở thành tù nhân trong tâm trí của chính mình.
Hãy thử tưởng tượng nếu tất cả mọi người từ thế kỷ XVIII và trước đó vẫn còn sống thì điều gì sẽ xảy ra. Liệu nạn phân biệt chủng tộc và những hành vi bị lên án ở thời nay có tiếp tục hoành hành? Lịch sử cho thấy, quá trình lão hóa cũng như cái chết đôi khi là phương tiện duy nhất mà qua đó xã hội có thể vĩnh viễn thoát khỏi sự bạo ngược, bất công và do đó đạt được sự tiến bộ về mặt đạo đức – Điều sẽ không xảy ra trong xã hội bất tử.
Ngoài ra bạn nên hy vọng vào niềm đam mê với công việc của mình nếu được quyết định trở thành bất tử, vì sẽ không tồn tại thứ gọi là “về hưu”, “lương hưu” hay các khoản phúc lợi tương đương. Chúng sẽ trở thành một gánh nặng khi Nhà nước phải cung cấp vĩnh viễn và do đó sẽ ngừng được cung cấp.
Sự biến mất của chế độ hưu trí và cái chết cũng sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ nghiêm trọng trong hầu hết các ngành công nghiệp, vì cá nhân phải mất hàng nghìn năm trong cùng một công việc, không có triển vọng thăng tiến khi cấp trên của họ không chịu rời đi. Và vấn đề nan giải bậc nhất mà loài người phải đối mặt trong cuộc sống vĩnh hằng là sự gia tăng của tội phạm. Bởi ba mươi năm tù giam hầu như không phải là một sự ngăn chặn đầy đủ đối với một người mong chờ tuổi thọ từ hàng chục ngàn năm trở lên.
Chúng ta có thể sử dụng hình phạt tử hình, nhưng điều này cũng không chắc rằng những vấn đề đạo đức mà nhiều người thấy trong ngày hôm nay sẽ nhân lên gấp mười lần với một cá nhân bất tử - có sự khác biệt lớn giữa việc lấy đi một người cuối cùng sẽ chết và lấy đi mạng sống của một người nào đó đã được định sẵn mãi mãi. Trong thực tế, chúng ta có thể sẽ phải phụ thuộc rất nhiều vào các kỹ thuật phục hồi và phòng ngừa để ngăn chặn sự hỗn loạn và giảm khả năng phạm tội của một cá nhân.
Nên nhớ rằng, ý niệm về cái chết vốn kích thích con người sớm hiện thực hóa ước mơ của họ. Kỳ nghỉ tới những điểm đến tráng lệ, thưởng thức buổi biểu diễn của một huyền thoại hay tham gia vào các sự kiện đổi đời đều là những trải nghiệm không thể nào quên, bởi chúng ta luôn nghĩ rằng sẽ không tồn tại cái gọi là cơ hội thứ hai. Nhưng nếu chúng ta đều trường sinh bất lão thì có lẽ những trải nghiệm đó sẽ dần mất đi giá trị và con người sẽ chẳng còn thiết tha với điều gì nữa.
Ngân Hà