"Nguyện sống đời trọn vẹn"
Gặp người trưởng nhóm, họa sĩ Nguyễn Việt Hòa khi nhóm đang có kế hoạch làm một chuyến hành trình triển lãm ở các tỉnh Tây Bắc, nghe anh kể về những "chiến tích" của chuyến đi trước và mơ ước cho chuyến đi sau, một niềm cảm phục le lói trong tôi. Nhóm của các anh chỉ có anh Việt Hòa là họa sĩ, còn lại là những người đến từ những ngành nghề khác nhau.
Vậy mà, họ đã đi cùng nhau để làm một hành trình đưa nghệ thuật đến với cộng đồng. Điều đáng nói là chi phí cho chuyến đi đều do các thành viên trong nhóm "tự thân vận động", trừ một khoản tiền nhỏ đến từ các mạnh thường quân, số tiền còn lại họ đã phải vay mượn bạn bè để đắp vào.
Họa sĩ Việt Hòa chia sẻ, hành trình triển lãm của các anh giống như trò lego của trẻ em, được tạo nên bởi nhiều hoạt động nhỏ, và là kết quả của 5 năm thu thập và trưng bày tranh tại địa điểm công cộng như các sân chơi, sân trường, khu dân cư, chợ và nhiều không gian khác biệt của nhóm.
Hàng trăm bức tranh của các em học sinh trong lớp vẽ Cốc, cốc, cốc được các anh gói ghém cẩn thận, đặt vào chiếc thùng được thửa riêng để mang đến mọi miền của Tổ quốc.
Chuyến hành trình có một cái tên khá ấn tượng: "Mắt thương". Họa sĩ Việt Hòa giải thích: "Mắt thương" được lấy cảm hứng từ câu thơ của thiền sư Thích Nhất Hạnh: Thức dậy miệng mỉm cười/ Hai bốn giờ tinh khôi/ Nguyện sống đời trọn vẹn/ Mắt thương nhìn cuộc đời. Khi đọc câu thơ này, chúng tôi mỉm cười khi nghĩ đến ước mơ của mình: Xây dựng được một không gian nghệ thuật cho trẻ em ở Việt Nam và để gió cuốn tranh của các em đi khắp mọi nẻo đường của Đất Mẹ. Và biết đâu một ngày, những linh ý ấy bay tới những vì sao xa nhất, đến tận người cha thân yêu Thái Dương - Mặt trời.
Có phải là một ý tưởng quá phiêu linh? Khi chúng tôi vẫn còn ở đây với bao ngổn ngang của cuộc sống, chúng tôi nguyện sẽ mỉm cười và yêu quý từng giây phút hiện tại. Hai bốn giờ tinh khôi, chúng tôi phải sống trọn vẹn và trân quý món quà của Đất Trời. Hãy dừng lại để nhìn cuộc đời và cảm ơn đời đã cho ta đôi mắt lành lặn để nhìn, để thực tập yêu thương, để biết rằng ta vẫn sống bên cạnh những người yêu mến!''.
Với ý nghĩa đó, "Mắt thương" lên đường sau 5 năm trăn trở và nỗ lực của từng thành viên Cốc, cốc, cốc. Vì "Mắt thương" là một cuộc triển lãm không chính thức nên không phải đi đâu đoàn cũng được tạo điều kiện. Rất nhiều khó khăn đã xảy đến nhưng nhìn lại hành trình của mình, các thành viên trong nhóm vẫn thấy mình may mắn, giống như một cánh cửa đóng lại thì sẽ có một cánh cửa khác mở ra.
Buổi triển làm ở xã Trung Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) nhân ngày thôn Đồng Kim đón nhận danh hiệu làng văn hóa là một buổi như vậy. Điều đặc biệt của cuộc trưng bày là cả đoàn quyết định sắp đặt toàn bộ tranh trên khắp cánh đồng và không ngờ điều đó mang lại kết quả ngoài mong đợi. Nhờ cuộc triển lãm mà buổi kỷ niệm của xã Trung Động như một ngày hội rực rỡ màu sắc.
Người già, trẻ nhỏ, các cô các mẹ đi chợ về lại tạt vào xem tranh, rất nhiều em nhỏ từ các xã xung quanh cũng đạp xe hàng chục cây số để đến xem triển lãm. Các em cùng tham gia dựng giá vẽ, xếp tranh và cùng vẽ những bức tranh theo ý thích. Nhìn nụ cười của các em, đoàn biết rằng họ đã đem đến cho làng quê một không khí nghệ thuật chưa từng có. Cuộc trưng bày kết thúc, nhưng tình cảm của các em gái nhỏ xã Trung Lộc vẫn còn vương vấn mãi các thành viên trên hành trình xuyên Việt...
Hành trình triển lãm "độc nhất vô nhị" "Mắt thương"
Những buổi triển lãm độc nhất vô nhị
Xem lại những bức ảnh thu hoạch trong chuyến đi của nhóm, anh Hòa rất tâm đắc với những bức ảnh chụp cuộc triển lãm trên đèo Hải Vân. Anh chia sẻ, khi vừa đặt chân đến đây, cả nhóm quyết định sẽ chiếm lĩnh không gian nơi có những chiếc lô cốt sừng sững, biến chúng thành một phần của nghệ thuật sắp đặt. Khó khăn đầu tiên là làm sao để có thể dựng giá vẽ trên địa hình nguy hiểm của đèo Hải Vân.
Nhưng dường như có "quý nhân phù trợ", trong lúc bắt đầu, đoàn gặp một nhóm thanh niên trẻ đi từ Đà Nẵng sang Huế, các bạn đã trèo lên giúp đỡ khiến cả đoàn thấy rất vui và thêm phấn chấn. Giá vẽ dựng nên, dân cư sống dưới đèo thấy lạ liền ngồi bàn luận to nhỏ. Hậu quả là một lúc sau, các chiến sĩ biên phòng xuất hiện để kiểm tra.
Khi đến nơi thấy những bức tranh ngộ nghĩnh của các em thiếu nhi, các chiến sĩ liền hòa mình vào không khí của buổi triển lãm. Sau 2h "bày binh bố trận", các "khán giả" bắt đầu mò lên ngày càng đông, tất cả khách du lịch đi qua đều tò mò dừng chân và không cưỡng nổi cám dỗ trước những tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ nhí. Không ít khán giả Tây còn leo cả lên đỉnh nóc lô cốt để xem tranh và chụp ảnh.
Rời đèo Hải Vân, các anh có mặt tại ngôi trường xưa kia nhà văn Võ Quảng đã từng học, trường Lê Thị Xuyến (xã Đại Hòa, tỉnh Quảng Nam).
Anh Việt Hòa nhớ lại, đoàn đến trường đúng ngày bế giảng năm học. Khi gặp thầy Hiệu trưởng Đỗ Xuân Thưởng trình bày lý do, ban đầu thầy cũng không tin nhóm vì đi từ rất xa đến để chỉ thực hiện việc giao lưu này. Nhưng sau khi được nghe đoàn giải thích cặn kẽ, thầy chấp thuận cho đoàn được làm cùng các em nhỏ. Cả nhóm lao vào trưng bày giữa trưa nắng để tranh thủ vì biết đây là cơ hội quý báu nhất không bao giờ xảy ra. Dù chỉ có một khoảng thời gian ít ỏi từ 2 đến 3h chiều, nhưng tất cả học sinh trong trường đều tham dự vẽ tranh một cách nhiệt tình.
"Bất ngờ lớn nhất và làm các thành viên cảm động nhất lại diễn ra sau cùng của cuộc triển lãm. Khi Cốc, cốc, cốc chuẩn bị chia tay, các em nhỏ lần lượt xin chữ ký và lưu bút của các thành viên trong đoàn và nhất định không chịu về mặc dù ba mẹ đợi ngoài cổng. Mất gần hơn 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi phải mỏi tay, mỏi cả mắt để ký tặng lưu bút cho các em", họa sĩ Việt Hòa chia sẻ.
Anh còn nhớ thầy Hiệu trưởng Đỗ Xuân Thưởng vô cùng xúc động và ngạc nhiên nói với anh rằng: "Một điều kỳ lạ chưa bao giờ xảy ra ở ngôi trường này và tôi không hiểu vì sao mà các em lại có một cử chỉ văn hóa đến vậy!". Trước toàn bộ Ban giám hiệu nhà trường và các em học sinh, thầy hứa sẽ cố gắng thực hiện một câu lạc bộ mỹ thuật đầu tiên ở Quảng Nam. Thầy đã giữ lời hứa, chừng khoảng 1 tháng sau khi nhóm Cốc, cốc, cốc về Hà Nội, một cuộc điện thoại bất ngờ gọi đến, anh Hòa quá xúc động khi biết lớp vẽ đã được triển khai và thầy nhờ sự giúp đỡ của Cốc, cốc, cốc.
Ngay tức khắc, CLB xin hỗ trợ câu lạc bộ vẽ trong đó phần lớn các giá vẽ gập trong hành trình xuyên Việt để bước đầu ươm những mầm xanh nghệ thuật nơi đây... Như vậy có nghĩa, hành trình "Mắt thương" với mong mỏi thành lập những câu lạc bộ nghệ thuật ở địa phương đã có ngay kết quả khi chưa kết thúc hành trình.
Chia sẻ về cảm nhận sâu sắc nhất của các anh sau chuyến đi, anh Hòa cho rằng đó là tình người và sự sống. Đi đến đâu, đoàn cũng được các em nhỏ, các em học sinh yêu mến và đón nhận, đi đến đâu cũng được bà con xóm làng, các thầy cô giáo giúp đỡ yêu thương đùm bọc và bản thân các thành viên trong đoàn may mắn thoát khỏi những tai nạn trong gang tấc trên cung đường xuyên Việt.
Vì lý do đó, sự sống vô cùng quan trọng, sống là hạnh phúc và đừng bỏ phí năm tháng tuổi trẻ để cống hiến cho xứng đáng với những niềm tin yêu của mọi người. Vẫn còn rất nhiều em nhỏ trên khắp đất nước này trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn... cần rất nhiều những tấm lòng sẻ chia và cần rất nhiều những lớp học nghệ thuật cho các em trên mọi miền đất nước...
Bị bắt vì... tưởng nhầm buôn lậu Anh Việt Hòa chia sẻ, khó khăn nhất của đoàn là kinh phí nhưng may mắn với đoàn là các anh vẫn có thể kết thúc được cuộc hành trình. Trong chuyến đi, không thể kể hết những khó khăn các anh gặp phải, người trưởng nhóm nhớ lại: "Chướng ngại lớn nhất và rắc rối nhất là khi đến Đắk Lắk, chúng tôi bị một xe quân sự chặn ngang đường và ép chúng tôi vào vỉa hè, yêu cầu kiểm tra hành lý và giấy tờ vì nghi ngờ buôn lậu. Mặc dù, chúng tôi cố gắng trình bày lý do nhưng kết quả vẫn phải tháo tung hành lý và tất cả các tranh vẽ trong thùng và cuối cùng cả nhóm thở phào nhẹ nhõm vì được cho đi vì đầy đủ thủ tục và không vi phạm luật pháp, may không bị thu tranh và mang xe về đồn, coi như là chấm dứt hành trình xuyên Việt". |
Thanh Xuân