Hành trình từ bỏ nghề y, khởi nghiệp với cà phê của chàng trai Ê Đê

Hành trình từ bỏ nghề y, khởi nghiệp với cà phê của chàng trai Ê Đê

Trịnh Thị Thơ

Trịnh Thị Thơ

Thứ 4, 29/06/2022 19:00

Từ bỏ nghề bác sĩ, Y Pốt Niê gặp không ít khó khăn trên hành trình khởi nghiệp với cà phê. Gian khó đã giúp cho chàng trai trẻ không ngừng nỗ lực, vươn lên.

Lối rẽ bất ngờ

Sau nhiều năm gắn bó với ngành y, anh Y Pốt Niê, SN 1988, trú tại buôn Kla, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk bất ngờ chọn cà phê – sản phẩm nông nghiệp gắn liền với đời sống của người Tây Nguyên nói chung và người Ê Đê nói riêng để khởi nghiệp. Bằng những nỗ lực, cố gắng của mình, Y Pốt mong muốn góp phần giúp cho người dân địa phương từng bước vươn lên thoát nghèo.

Đón chúng tôi bằng những ly cà phê đậm chất núi rừng, Y Pốt cho biết, năm 2014 anh tốt nghiệp Trường Cao đẳng Y tế Đà Nẵng, chuyên ngành y sĩ đa khoa. Sau khi tốt nghiệp, Y Pốt đã công tác tại một bệnh viện ở Đà Nẵng được 2 năm thì chuyển về Tp.HCM làm việc tại Bệnh viện 175 để thỏa mãn niềm đam mê y học. Năm 2017, sau một thời gian học liên thông tại Trường Đại học Y dược Huế, Y Pốt ra trường, cầm trên tay tấm bằng đại học bác sĩ chuyên tu và tiếp tục quay trở lại Tp.HCM làm việc.

Dân sinh - Hành trình từ bỏ nghề y, khởi nghiệp với cà phê của chàng trai Ê Đê

Y Pốt không ngừng nỗ lực để sản phẩm mang thương hiệu Ê Đê Café luôn đảm bảo chất lượng.

Trong thời gian này, Y Pốt thường xuyên được bố mẹ gửi những bịch cà phê bột rang, xay theo hình thức thủ công để uống mỗi ngày. Chàng trai trẻ đã mang những ly cà phê nóng hổi mời đồng nghiệp và nhận được nhiều phản hồi tích cực. Từ đó, ngoài thời gian làm việc chuyên môn, Y Pốt đã dùng sản phẩm cà phê rang, xay truyền thống mà gia đình mình tự làm để bán cho nhiều người.

Cho đến năm 2019, chàng trai Ê Đê quyết định trở về quê hương và tiếp tục theo đuổi nghề y được một năm thì bất ngờ rẽ sang một hướng đi mới. Với khát vọng của tuổi trẻ, Y Pốt không ngừng tìm hiểu và thực hành cách rang, xay cà phê truyền thống từ chính những người trồng cà phê theo cách dân dã của đồng bào Ê Đê.

Đồng thời, Y Pốt tự lựa những quả cà phê từ rẫy của gia đình chế biến thành cà phê bột bán trên mạng xã hội. Mỗi ngày trôi qua, sản phẩm cà phê thủ công của Y Pốt nhận được nhiều sự quan tâm, động viên và khích lệ của mọi người. Đây cũng chính là động lực khiến Y Pốt đi đến quyết định từ bỏ nghề y để khởi nghiệp với cà phê từ cuối năm 2019. Cũng từ đây, Công ty TNHH Ê Đê Café do Y Pốt làm Giám đốc có mặt trên thị trường. Đồng thời, Y Pốt đến Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội ký độc quyền nhãn hiệu kinh doanh dòng sản phẩm nông sản sạch mang nhãn hiệu “Ê Đê Café”.

Dân sinh - Hành trình từ bỏ nghề y, khởi nghiệp với cà phê của chàng trai Ê Đê (Hình 2).

Y Pốt đầu tư thêm máy móc để phục vụ chế biến cà phê.

Y Pốt chia sẻ: “Là người bản địa, tôi mong muốn làm được gì đó cho chính người Ê Đê của mình từ sản phẩm cà phê. Đó cũng là lý do, tôi đặt tên cho sản phẩm của mình là Ê Đê Café”.

Khát vọng vươn xa

Thế nhưng, con đường khởi nghiệp diễn ra không mấy dễ dàng đối với chàng trai trẻ. Y Pốt cho hay: “Thời ban đầu, khó khăn lớn nhất trong quá trình xây dựng thương hiệu Ê Đê Café của tôi là nguồn vốn quá hạn hẹp. Hơn thế nữa, việc sản xuất cà phê thủ công vốn không ổn định. Hôm nay, cà phê rất ngon nhưng ngày mai cà phê bị cháy.

Thời điểm đó, do không có không gian để sản xuất nên tôi phải rang, xay cà phê giữa một cánh đồng bát ngát. Nhiều hôm, trời mưa gió khiến cho việc rang cà phê không thể thực hiện được. Thậm chí, khách hàng liên tục phản ứng cà phê rang không đảm bảo chất lượng do không đều lửa. Đối diện với những khó khăn ấy đã không ít lần khiến cho tôi có ý định bỏ cuộc”.

Dân sinh - Hành trình từ bỏ nghề y, khởi nghiệp với cà phê của chàng trai Ê Đê (Hình 3).

Ngoài cà phê bột rang, xay, Y Pốt đã sáng tạo và cho ra thị trường sản phẩm cà phê sầu riêng và cà phê khoai môn.

Thế nhưng, những suy nghĩ tiêu cực ấy qua đi rất nhanh, chàng trai Ê Đê không ngừng tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất cà phê trên mạng và các sản phẩm cà phê có thương hiệu trên địa bàn. Bên cạnh đó, để lửa đều khi rang cà phê, Y Pốt đã dựng lán trại và che bạt xung quanh khu vực rang. Sau khi tiết kiệm được một khoản tiền vài chục triệu đồng, Y Pốt đã xây dựng căn nhà nhỏ đầu tiên cho mình để phục vụ sản xuất cà phê.

Sau đó, Y Pốt tiếp tục đối diện với thất bại khi khách hàng bỏ đi và không quay trở lại. Y Pốt giải thích: “Họ nói cà phê làm thủ công nên không đảm bảo được số lượng nhiều để phục vụ cho nhu cầu kinh doanh của họ. Chính vì vậy, họ quyết định dừng hợp tác với Công ty Ê Đê Café để lấy sản phẩm cà phê rang máy từ các doanh nghiệp khác”.

Không nản lòng, Y Pốt quyết định mở rộng không gian và đầu tư thêm máy móc để phục vụ chế biến cà phê. Mặt khác, Y Pốt vẫn giữ nguyên công thức thủ công trong quá trình sản xuất.

Đồng thời, chàng tranh trẻ cũng nỗ lực thực hiện “cuộc cách mạng” cho gia đình, người thân chuyển canh tác cà phê truyền thống, chủ yếu sử dụng phân hóa học sang sản xuất cà phê sạch. Theo đó, hạn chế sử dụng các loại phân hóa học, đặc biệt là các loại thuốc phun trực tiếp vào cây cà phê, thay vào đó sử dụng phân vi sinh.

“Hầu như mọi người trong gia đình phản ứng rất gay gắt. Họ cho rằng, nếu không có phân hóa học thì cây cà phê không sinh trưởng, phát triển được và không đạt sản lượng như mong muốn. Mặc cho ai nói gì, tôi luôn vững vàng tâm lý, từng bước tạo sự tin tưởng và chứng minh cho mọi người thấy giá trị từ những gì mình đang làm” – Y Pốt kể.

Dân sinh - Hành trình từ bỏ nghề y, khởi nghiệp với cà phê của chàng trai Ê Đê (Hình 4).

Y Pốt nói về những lợi ích của người nông dân khi tham gia liên kết sản xuất.

Để tìm đầu ra cho các sản phẩm của mình, Y Pốt đã tham gia các triển lãm, hội chợ và sự kiện về nông sản hữu cơ, giới thiệu sản phẩm trên các kênh trực tuyến, phân phối qua các đại lý, công ty rang xay cà phê... Đồng thời, sử dụng mạng xã hội Facebook để giới thiệu sản phẩm cà phê của mình và văn hóa của cộng đồng Ê Đê.

Đặc biệt, Y Pốt không ngừng tự học hỏi, trao dồi kiến thức tiếng Anh để tiếp cận các khách hàng nước ngoài. Nhờ sự chăm chỉ, kiên trì, chẳng mấy chốc chàng trai trẻ người Ê Đê đã nói tiếng Anh thông thạo như chính tiếng mẹ đẻ của mình. Với vốn tiếng Anh tự trao dồi, Y Pốt lên các diễn đàn kinh tế của người nước ngoài tìm đối tác.

Sự nỗ lực và không ngừng cố gắng đã giúp cho chàng trai trẻ nhanh chóng hái được “quả ngọt”. Năm 2020, Công ty Ê Đê Café được Viện Nghiên cứu doanh nghiệp vừa và nhỏ cấp giấy chứng nhận “Đạt top 10 – thương hiệu nhãn hiệu uy tín ban miền, sản phẩm dịch vụ chất lượng cao”.

Năm 2021, cà phê Robusta của Công ty Ê Đê Café đã được Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã trao giấy chứng nhận “Sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh”. Đặc biệt, tháng 12/2021, sản phẩm cà phê bột Robusta của Y Pốt đã được UBND tỉnh Đắk Lắk cấp giấy chứng nhận Ocop 4 sao – cái kết mà nhiều doanh nghiệp luôn hướng đến.

Đáng nói, các sản phẩm mang thương hiệu Ê Đê Café không chỉ được tiêu thụ trên toàn quốc mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới theo đường tiểu ngạch như: Đài Loan, Hồng Kông, Singapore, Hà Lan...

Dân sinh - Hành trình từ bỏ nghề y, khởi nghiệp với cà phê của chàng trai Ê Đê (Hình 5).

Y Pốt giới thiệu sản phẩm của mình đến mọi người tại một hội nghị xúc tiến đầu tư.

Thậm chí, không ít khách nước ngoài đã tìm đến tận nơi để tìm hiểu về quy trình sản xuất cà phê của Y Pốt và mua sản phẩm mang về nước sử dụng. Từ việc sản xuất, bán 2 tạ cà phê bột mỗi ngày, đến nay có những ngày công ty của Y Pốt sản xuất và bán lên đến 25 tấn cà phê nhân Robusta.

Không chỉ vậy, Y Pốt đã liên kết với bà con mở rộng vùng nguyên liệu với diện tích hơn hơn 35 ha cà phê Robusta của 25 hộ dân trong buôn. Để giúp người dân cải thiện cuộc sống yên tâm sản xuất, Y Pốt luôn thu mua cà phê của các hộ dân liên kết với giá cao hơn thị trường 5.000 đồng/kg. Đồng thời, Y Pốt còn đầu tư vốn không lấy lãi và hỗ trợ giống cây ăn quả như sầu riêng, xoài cho bà con xen canh trên diện tích cà phê...

Công ty Ê Đê Café còn nhận hàng chục lao động phổ thông đều là người Ê Đê vào làm việc với mức thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Y Pốt chia sẻ: “Ngoài việc tạo công ăn việc làm, việc sử dụng lao động người Ê Đê, tôi muốn tạo niềm tin cho bà con đối với những gì mình đang làm”.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát đã khiến cho không ít doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Thế nhưng, lượng cà phê xuất đi các nước của Công ty Ê Đê Café vẫn ổn định. Hiện nay, trung bình mỗi tháng công ty của Y Pốt xuất khẩu cà phê sang các nước với số lượng từ 6-25 tấn cà phê Robusta/năm.

Để có kết quả này, Y Pốt cho hay: “Thông qua các trang mạng xã hội, các sàn thương mại điện tử, tôi đã đăng tải, giới thiệu sản phẩm của mình. Trong đó, để tạo sự ấn tượng cho sản phẩm của mình với mọi người, trên các sàn thương mại điện tử, tôi luôn trình bày các mẫu sản phẩm cà phê của mình đi kèm theo các vật dụng mang bản sắc văn hóa Ê Đê như: Gùi, thổ cẩm... Nhờ vậy, lợi nhuận sau thuế từ việc xuất khẩu cà phê của Y Pốt đạt từ 150-450 triệu đồng/năm”.

Ngoài cà phê bột rang, xay, để đa dạng hóa sản phẩm và tạo sự khác biệt cho sản phẩm của mình, Y Pốt đã miệt mài nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm. Theo đó, chàng thanh niên trẻ sử dụng các loại trái cây, củ quả thân thuộc trong cuộc sống để kết hợp phục vụ sản xuất cà phê. Đến nay, sau hơn một năm thử nghiệm, thẩm định chất lượng, Y Pốt đã sáng tạo và cho ra thị trường sản phẩm cà phê sầu riêng và cà phê khoai môn được rất nhiều khách hàng ưa chuộng.

“Mong muốn lớn nhất của tôi là xuất khẩu cà phê ra nhiều nước trên thế giới để nâng cao giá trị cà phê và góp phần tăng thu nhập thêm cho người dân. Để đạt được mục tiêu này, chúng tôi đang nỗ lực tái canh lại cây cà phê để nâng cao chất lượng sản phẩm, ổn định sản lượng”, Y Pốt khẳng định.

Ông Y Jú Apuốt, Chủ tịch UBND xã Dray Sáp cho biết, địa phương rất tự hào, phấn khởi về sản phẩm Ocop của Y Pốt. Địa phương cũng rất vinh dự vì có một nơi sản xuất cà phê Ê Đê mang thương hiệu của người bản địa. Sản phẩm Ocop cũng là mục tiêu nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã. “Có thể nói, Y Pốt là một thanh niên có đam mê và sự nỗ lực rất lớn trong quá trình khởi nghiệp. Địa phương đang động viên Y Pốt tiếp tục phấn đấu phát triển sản phẩm của mình tốt hơn nữa trong thời gian tới. Đồng thời, mở rộng quy mô sản xuất, chế biến để nâng cao lợi nhuận, đồng thời giải quyết công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương. Mặt khác, cần mở rộng diện tích liên kết để doanh nghiệp có vùng nguyên liệu và người dân được bán sản phẩm với giá cao hơn so với cà phê truyền thống”, ông Y Jú Apuốt thông tin.

Khánh Ngọc

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.