Tháng 1/2019, tại ĐHĐCĐ bất thường của Tổng công ty Vinaconex sau sự kiện thoái vốn Nhà nước, ông Đào Ngọc Thanh được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022.
Ông Đào Ngọc Thanh được biết đến là cá nhân cùng với An Quý Hưng chi ra 7.367 tỷ đồng để ôm trọn 57,71% cổ phần tại tổng công ty Vinaconex.
Dù vậy, mới đây, sau khi tiếp nhận yêu cầu hủy bỏ nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường ngày 11/1/2019 của Vinaconex (đại hội bầu ra HĐQT, BKS cũng như bầu ông Đào Ngọc Thanh giữ chức Chủ tịch HĐQT Vinaconex nhiệm kỳ 2017-2022) từ một nhóm cổ đông, TAND quận Đống Đa đã quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời dừng thực hiện nghị quyết đại hội đồng cổ đông bất thường số 01/2019 về việc bầu cử HĐQT và BKS mới.
"Khai sinh" ra Ecopark - thành phố xanh lớn nhất miền Bắc
Ông Đào Ngọc Thanh sinh năm 1946, quê ở huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Trước khi tham gia vào lĩnh vực kinh doanh, ông Thanh từng làm giảng viên chính tại trường Đại học Xây dựng.
Nhắc đến ông Đào Ngọc Thanh người ta nhớ ngay đến cái tên Ecopark bởi lẽ ông là cha đẻ, CEO của dự án thành phố xanh lớn nhất miền Bắc.
Tân Chủ tịch Vinaconex có câu nói nổi tiếng: "Kinh doanh bất động sản không phải là bán được bao nhiêu cái nhà mà là có bao nhiêu ô cửa sổ sáng đèn".
Dự án Ecopark là một trong những dự án của Vihajico do ông Lương Xuân Hà và ông Đào Ngọc Thanh cùng nhau bắt tay gây dựng. Hiện ông Thanh cũng chính là Tổng Giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của Vihajico.
Tuy nhiên, sau khi tiếp quản "ghế nóng" ở Vinaconex, ông Đào Ngọc Thanh đã từ nhiệm chức Tổng giám đốc Ecopark.
Dự án Ecopark tại Văn Lâm, Hưng Yên là dự án của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico), nay đổi tên thành Công ty Cổ phần Tập đoàn Ecopark, làm chủ đầu tư.
Trong suốt hơn một thập kỷ qua, Vihajico chỉ phát triển một dự án duy nhất là Ecopark. Dự án được khởi công năm 2009 và bàn giao cho khách hàng đầu tiên vào năm 2012. Theo thông tin từ website Ecopark, khu đô thị này có quy mô gần 500 ha, trong đó 104 ha dành cho không gian cây xanh và nước. Tổng vốn đầu tư theo công bố là 800 triệu USD.
Về Vihajico, doanh nghiệp được thành lập ngày 19/8/2003, trụ sở chính tại Khu đô thị thương mại và du lịch Văn Giang, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Vihajico đăng ký 68 ngành nghề kinh doanh, trong đó các ngành nghề chính có thể kể tới như Tư vấn đầu tư phát triển đô thị; Thiết kế quy hoạch khu đô thị, khu công nghiệp, giao thông và cơ sở hạ tầng; Xây dựng các công trình dân dụng, môi giới kinh doanh bất động sản. Công ty có vốn điều lệ 644,26 tỷ đồng.
Về cơ cấu cổ đông, Vihajico do 9 cổ đông sáng lập nên. Trong đó, 2 cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Duy Nghĩa sở hữu 54% và Công ty TNHH TM Phụng Thiên nắm 20%. Tuy có 9 cổ đông sáng lập nhưng quyền lực tại Vihajico hầu như chỉ nằm trong tay 3 người: Chủ tịch Lương Xuân Hà, Tổng giám đốc Đào Ngọc Thanh và Phó Tổng giám đốc Đặng Thị Ngọc Bích. Công ty có vốn điều lệ hơn 644 tỷ đồng .
Tại Vihajico, bộ 3 công ty Nam Thành Đô, Nam Thanh và Thành Nam sở hữu tổng cộng 70,8 tỷ vốn tại Vihajico, tương ứng tỷ lệ 10%. 3 công ty này đều do ông Đào Ngọc Thanh quản lý, bởi ông Thanh đang làm Chủ tịch tại Công ty Thành Nam và công ty này nắm cổ phần chi phối tại 2 công ty còn lại (Nam Thành Đô và Nam Thanh).
Năm 2016, Vihajico được UBND thành phố Hà Nội giao nhiệm vụ lập quy hoạch và đầu tư xây dựng đô thị Hòa Lạc vào 2016.
Cụ thể, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội và các sở, ngành liên quan hướng dẫn Liên danh Công ty cổ phần đầu tư thương mại Thu Hà, công ty CFLD (Singapore) và Công ty cổ phần đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) nghiên cứu, đề xuất ý tưởng mới (nếu có) lồng ghép, bổ sung vào đồ án Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc.
Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có nhiều thông tin về việc triển khai dự án này.
Từ năm 2004 đến tháng 10/2004, ông Thanh là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam
Từ năm 2007, ông được bầu làm Chủ tịch HĐQT công ty CP Đầu tư và Xây dựng Thành Nam. Năm 2017, Thành Nam đổi tên thành Cotana Group, ông Thanh cũng giữ chức vụ cao nhất, Chủ tịch HĐQT.
Tại Cotana Group, ông Thanh hiện đang nắm giữ hơn 17% vốn điều lệ. Trong khi đó, con gái ông Thanh là Đào Thu Thủy - Phó Chủ tịch HĐQT nắm giữ 4,45% vốn. Như vậy, ông Thanh và con gái nắm giữ khoảng 22% vốn tại Cotana Group.
Cotana Group là cái tên khá nổi tiếng khi là đơn vị thi công khu nhà ở cao tầng đầu tiên của Thủ đô tại Định Công, cũng là cái tên gắn liền với nhiều dự án khu đô thị lớn như Linh Đàm, Trung Hòa – Nhân Chính, Văn Quán, Việt Hưng…
Không chỉ giữ vị trí quan trọng tại Vinaconex, Vihajico và Cotana Group, ông Thanh còn là Phó Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần đầu tư Châu Á – Thái Bình Dương (API) - doanh nghiệp phát triển bất động sản, xây dựng hạ tầng khu công nghiệp...
Năm 2018, API khai trương khách sạn 5 sao đầu tiên – Mandala Hotel & Spa Bắc Ninh, mắt dự án tổ hợp căn hộ, khách sạn 5 sao Apec Aqua Park tại thành phố Bắc Giang, đồng thời trúng đấu giá hàng loạt các dự án lớn: Apec Mandala Wyndham Mũi Né, Apec Mandala Wyndham Phú Yên, Apec Aqua Park Bắc Giang,…
Tác giả đề xuất lấp hồ Thành Công
Năm 2017, ý tưởng lấp hồ Thành Công để xây dựng nhà tái định cư từng gây xôn xao dư luận. Tác giả đề xuất ý tưởng này chính là Vihajico - chủ đầu tư dự án Ecopark khi ông Đào Ngọc Thanh vẫn còn giữ chức Tổng giám đốc.
Cụ thể tại hội thảo cải tạo chung cư cũ diễn ra tại Hà Nội ngày 4/4/2017, đại diện Vihajico, đơn vị được thành phố giao cải tạo chung cư cũ Thành Công, đã đưa ra đề xuất nâng tầng chung cư và lấy 1ha hồ Thành Công phục vụ tái định cư tại chỗ, đồng thời hoàn lại bằng cách đào bổ sung 1ha mặt nước về phía Bắc.
Theo công ty này, phương án cải tạo chung cư cũ trên “đất vàng” mà chỉ cho xây nhà 24 tầng thì chắc chắn chủ đầu tư không thể cân đối tài chính để thực hiện. Đơn vị này đề xuất 2 phương án: Thứ nhất chấp nhận tái định cư tại chỗ hiện hữu 100%. Diện tích căn hộ tối thiểu 45 m2, giữ lại các công trình tiện ích của khu chung cư, cải tạo khu đô thị xanh mật độ dân cư thấp.
Thứ hai là xây khối nhà tái định cư tối thiểu 24 tầng nhưng có điểm nhấn, cho nâng cao tối đa 45 tầng đối với khối nhà thương mại, cho phép mở rộng ranh giới quy hoạch để có biện pháp thi công tốt nhất, có quỹ đất sạch làm nhà tái định cư.
Đáng chú ý, ông Đào Ngọc Thanh có địa chỉ hộ khẩu thường trú và chỗ ở hiện tại tại tập thể B3 Giảng Võ, quận Ba Đình, khá gần hồ Thành Công.
Hiếu Nguyễn