Dự tính đi bộ nửa tháng sẽ về đến nhà
Ngày 11/10, 28 người dân tộc Đan Lai đang thực hiện việc cách ly tập trung tại huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Trải qua hành trình dài với nhiều khó khăn, vất vả, tất cả mọi người đang vô cùng hân hoan khi được ở trong ngôi nhà che mưa, che gió.
Tất cả họ đều là người dân tộc thiểu số chỉ có duy nhất tại tỉnh Nghệ An, sống trong vùng lõi vườn Quốc gia Pù Mát bao phủ chỉ có núi rừng, đường vào vô cùng hiểm trở. Có thời điểm, tộc người này nguy cơ bị tuyệt chủng khi dân số chỉ hơn 3.000 người. Nguyên nhân do nhiều phong tục tập quán lạc hậu như cũng như kết hôn cùng huyết thống.
Chị La Thị Lý cho biết, từ đầu năm, do cuộc sống khó khăn nên mọi người trong bản rủ nhau đón xe rời xã Môn Sơn, huyện Con Cuông vào tỉnh Bình Dương mưu sinh. Do nhiều người cùng đi nên chị và chồng là anh La Văn Sửu cũng tham gia. Tại đây, mọi người làm công nhân cho một nhà máy gỗ.
Thế nhưng, vào Bình Dương được vài tháng, chỗ ở vừa ổn định để bắt đầu công việc thì dịch tới. Thất nghiệp, mọi người mới rủ nhau trở về quê nhà tránh dịch.
“Lúc đầu, vợ chồng tôi định chờ hết dịch rồi đi kiếm việc khác để gửi tiền về nuôi con. Thế mà dịch đến giờ chưa kết thúc. Hơn 3 tháng rồi, công ty vẫn đóng cửa, chưa được đi làm nên chúng tôi hết tiền, trong người chỉ còn vài trăm nghìn. Tiền ăn cũng không đủ thì lấy đâu trả tiền trọ”, chị Lý kể.
Tiền sắp cạn, xe máy không, xe đạp cũng không, xe khách cũng không chạy, nhóm người Đan Lai quyết định đi bộ về quê. Họ biết rõ hành trình 1.400km không hề dễ dàng, có thể mất nhiều tuần ròng rã, nhưng rồi họ vẫn quyết lên đường.
Hành trang mang theo của mỗi người là những gói mì, những chai nước lọc, xoong nồi và vài bộ quần áo. Xuất phát từ sáng sớm ngày 4/10, nhưng đến chiều tối họ vẫn chưa thể ra khỏi địa phận tỉnh Bình Dương.
“Chúng tôi tính đi bộ nửa tháng là về đến nhà. Một gói mì tôm 3.000 đồng, mỗi ngày ăn 2 gói, 15 ngày 30 gói là hết 90.000 đồng. Thêm tiền nước và phát sinh nữa, tất cả hết khoảng 300.000 mỗi người”, Chị Lý nói.
Anh La Văn Năm, một người trong đoàn cho biết, sau khi đã đi đến địa phận tỉnh Bình Phước, cả đoàn không thể đi được nữa vì mệt. Vì vậy, mọi người quyết định gom ít tiền tích cóp được để mua xe máy cũ chạy về quê.
“Nhưng số tiền quá ít nên họ vừa đi bộ vừa hỏi dò tìm ai bán xe rẻ để mua. Nhiều người dân địa phương thấy thế liền góp thêm tiền giúp họ mua được 15 chiếc xe máy cũ với 2,5 - 3 triệu đồng mỗi xe. Sau khi có xe máy, chúng tôi chạy về quê. Đến đêm 8/10, cả đoàn về đến Tp.Vinh, tỉnh Nghệ An”, anh Năm nói.
Đảm bảo an sinh, ổn định xã hội
Trao đổi thêm về sự việc, ông Nguyễn Đình Hùng, Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết: “Sau khi nhận tin, chúng tôi đã bố trí xe ô tô xuống đón mọi người về quê, xét nghiệm Covid-19 và cách ly tập trung trước khi về nhà, đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh”.
Những ngày qua, sau khi Tp.Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành phía Nam nới lỏng giãn cách xã hội, hàng nghìn công dân Nghệ An và các tỉnh thành phía Bắc đã đi xe máy về quê nhà, trong đó có không ít công dân huyện Con Cuông. Nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập địa bàn huyện Con Cuông luôn hiện hữu, đến từ những người dân hồi hương ở các vùng dịch trở về địa phương và đi qua địa phương về các huyện Tương Dương và Kỳ Sơn.
Để hỗ trợ người dân và kiểm soát được công tác phòng, chống dịch, huyện Con Cuông đã thành lập tổ kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại điểm đầu của huyện, cắt cử lực lượng túc trực làm việc cả ngày lẫn đêm 24/24h.
Tổ kiểm soát đón, hỗ trợ y tế, hỗ trợ thức ăn, nước uống, xăng xe và bố trí xe cảnh sát giao thông dẫn đường để đưa người dân của hai huyện Tương Dương, Kỳ Sơn đi qua địa bàn Con Cuông. Đồng thời tiếp nhận thông tin đón công dân của huyện và hướng dẫn các quy định phòng dịch và cách ly y tế khi về trở về địa phương.
Ông Phạm Trọng Bình, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Con Cuông cho hay, những người dân hồi hương trên địa bàn đều là đối tượng khó khăn. Vì vậy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức, đoàn thể từ huyện đến các xã đã tích cực thực hiện các hoạt động tình nguyện để kịp thời hỗ trợ các nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân vùng phong tỏa, các hộ dân hoàn cảnh khó khăn.
“Nhiều xã đã chuẩn bị tốt cơ sở vật chất cho các khu cách ly tập trung. Khi các khu cách ly kín chỗ, các địa phương như Lạng Khê, Đôn Phục, Lục Dạ đã chủ động dựng nhà dã chiến làm nơi cách ly cho người về quê”, ông Bình nói.
Ông Hoàng Sỹ Kiện, Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho hay: “Ở thời điểm này, người dân và các tổ chức, đơn vị ở huyện Con Cuông đang thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; phát huy tinh thần truyền thống tương thân, tương ái giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn; tiếp tục chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách trong bối cảnh dịch”.