Hành trình xuyên rừng đi tìm kỷ vật chiến tranh

Hành trình xuyên rừng đi tìm kỷ vật chiến tranh

Thứ 6, 15/02/2013 17:01

Suốt 10 năm nay, ông Đỗ Lê Hồng (thị trấn Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) đã lặn lội đi khắp các tỉnh phía Bắc để sưu tầm những kỷ vật chiến tranh, các vật dụng gắn liền với người dân Việt Nam thế kỷ 20 và cả những món đồ cổ thời nguyên thủy. Dù điều kiện kinh tế khó khăn, ông đã dành dụm và làm riêng một căn nhà sàn để trưng bày những món đồ quý báu này. Nhiều người nói ông khùng, nói ông rỗi việc. Tuy nhiên, nói chuyện với lão nông này, chúng tôi mới biết được cái ý nghĩa sâu xa của việc làm ấy. Ông muốn tri ân những đồng đội của mình đã ngã xuống vì sự bình yên của đất nước.

Kỳ công sưu tầm ảnh Bác Hồ

Những thứ mà ông sưu tầm được hầu hết là những hiện vật còn sót lại trong chiến tranh thời chống Pháp và chống Mỹ.  Đó là những tấm áo mà các đồng đội của ông đã từng mặc, những chiếc chăn hay các loại vũ khí mà bộ đội ta dùng để tiêu diệt kẻ thù... Tất cả những chứng tích ấy được ông sưu tầm và trưng bày trang trọng trong căn nhà sàn đơn sơ của mình. Trong số các hiện vật này, chúng tôi ấn tượng nhất là cây súng khai hậu còn khá nguyên vẹn. Bên cạnh đó là một số bộ phận của chiếc súng lục và súng kíp. Ngoài ra, cũng phải kể đến vỏ của một quả bom dây, nhiều mảnh bom bi, bom tấn... Ông cũng sưu tầm và trưng bày một cây kiếm mà theo ông thì đó là của sĩ quan Pháp từng dùng. Nhiều loại quần áo, mũ sắt, hộp đựng đạn, dù của không quân Pháp và Mỹ cũng có mặt trong căn nhà của ông.

Xã hội - Hành trình xuyên rừng đi tìm kỷ vật chiến tranh

Hình ảnh cụ Hồ lúc còn làm việc ở Tân Trào (Tuyên Quang).

Không chỉ có quân tư trang và các loại vũ khí, ông Hồng còn sưu tầm được nhiều bức thư của các chiến sỹ cách mạng gửi cho người thân từ chiến trường. Những bức thư đó kể về ngày tháng chiến tranh ác liệt. Nhiều khi đến bây giờ đọc lại, lão nông này vẫn không thể cầm được nước mắt. Đó là những lá thư, những tâm tình cuối cùng của đồng đội đã ngã xuống. Dựa theo những thông tin trên chiếc phong bì đã rách, nhàu nát vì thời gian, ông Hồng tìm đến và gửi tận tay người nhà của các liệt sĩ. Mặc dù đến lúc này, những lá thư đã quá muộn nhưng nó vẫn là niềm an ủi của những bà mẹ đã tiễn con ra chiến trường mãi mãi không trở vềì.

Ngoài các hiện vật thời kháng chiến, ông Hồng cũng tìm kiếm được một số đồ cổ thời nguyên thủy. Đó là chiếc tù và, những chiếc búa đá, rìu đá và đạn đá... Đáng chú ý nhất là chiếc cào cỏ được người nông dân sử dụng hồi những năm 1964. Đó là thời kỳ Nhà nước phát động phong trào "cấy chăng dây thẳng hàng". Theo giải thích của ông Hồng thì ngày đó, với những hàng lúa thẳng tắp, nông dân ta chỉ cần đặt chiếc cào này vào giữa hai hàng lúa rồi cứ thế đẩy đi đẩy lại, đất sục lên và cỏ sẽ chết.

Xã hội - Hành trình xuyên rừng đi tìm kỷ vật chiến tranh (Hình 2).

Gian thờ Bác Hồ và các bà Mẹ Việt Nam anh hùng.

Trong số các hiện vật, ông Hồng rất tâm đắc với phương tiện truyền thông cổ sưu tầm được như đài Philip, đài VEF 10 do Liên Xô (cũ) sản xuất, đài ORIONTON hay chiếc  máy ảnh, máy phóng ảnh, hộp tráng phim được sử dụng những năm 1965... Trong "bảo tàng" cũng trưng bày chiếc xe đạp PƠGIO mà ông được cấp trên phân cho trong thời kỳ sau giải phóng. Nhìn chiếc xe đạp đã hoen gỉ, cũ kĩ, ông Hồng bảo: "Các anh trông vậy thôi chứ vào thời điểm đó (cuối những năm 1970 đầu những năm 1980 - PV), nó là một trong những chiếc xe đạp hiện đại nhất đấy. Nó là niềm ao ước của biết bao người".

Trong căn nhà sàn của mình, ông Hồng dành một vị trí trang trọng để trưng bày những tấm ảnh Bác Hồ với chủ đề "Đời thường của Bác". Đó là những bức ảnh đen trắng ghi lại cảnh sinh hoạt đời thường giản dị của Người. Để có được những tấm hình bình dị này, ông Hồng đã phải sưu tầm cả mấy năm trời. Thậm chí, ông phải cùng người cháu họ lặn lội khắp các tỉnh trên cả nước để sưu tầm. Ngày ấy, nghe trên đài nói có người ở Sài Gòn chụp rất nhiều ảnh Bác thời kì sống và làm việc ở chiến khu, ngay lập tức, ông Hồng lên đường đi gặp người đó. Vẫn biết những bức ảnh đó là tài sản quý giá không gì có thể mua được nhưng ông vẫn quyết tâm đi tìm. Bằng tấm lòng chân thật, bằng tình cảm của một người lính, ông đã được người kia trao tặng tất cả những bức hình có một không hai ấy. Trước khi về, chủ nhân những bức ảnh nhắn nhủ: "Tôi tin ông sẽ nâng niu và gìn giữ được những bức ảnh này cho thế hệ mai sau".

Thời gian đầu không có nơi để trưng bày các hiện vật tìm được, ông Hồng đành lấy gian phòng thờ tổ tiên làm nơi lưu trữ. Vậy là căn phòng thờ của dòng họ Đỗ bỗng dưng trở thành "phòng triển lãm đồ cổ" của ông. Về sau, khi số lượng các hiện vật sưu tầm được ngày càng nhiều, gian phòng thờ chật hẹp không còn đủ chỗ chứa nữa. Thêm vào đó, lúc này, những người trong gia đình ngày càng phản đối việc ông đem những "mảnh sắt vụn" để trong phòng thờ của dòng họ. Do vậy, năm 2007, ông đã dùng số tiền tiết kiệm ít ỏi bấy lâu nay của mình để thuê người dựng nên căn nhà sàn hai gác như hiện nay.

Xã hội - Hành trình xuyên rừng đi tìm kỷ vật chiến tranh (Hình 3).

Ông Đỗ Lê Hồng bên "bảo tàng" của chính mình.

Tâm tư của người... "rỗi việc"

Khi nói về ông Hồng "đồ cổ", nhiều người bảo, việc làm của ông là công việc của người rỗi việc. Vì thế, ông đã lặn lội sưu tầm những thứ chẳng còn giá trị sử dụng. Với họ, những thứ ông Hồng sưu tầm được chỉ là những thứ bỏ đi, những cục sắt vụn. Chúng tôi đem điều này nói với ông Hồng, ông cười và bảo rằng: "Đấy là họ chưa hiểu hết ý nghĩa của những hiện vật này. Họ cũng giống như vợ tôi vậy. Thời gian đầu, khi số lượng các hiện vật tôi sưu tầm được còn ít, bà ấy thường giấu tôi đem bán cho đồng nát để khỏi... chật nhà. Nhiều lần, bà ấy đem vứt xuống sông khiến tôi phải ngụp lặn cả ngày mới tìm lại được. Tôi phải mất khá nhiều thời gian phân tích, bà ấy mới đồng ý và ủng hộ việc làm của chồng".

Ý định sưu tầm một..."bảo tàng lịch sử" cho riêng mình đã có trong suy nghĩ của ông từ những năm 80 của thế kỷ trước. Vậy là, ông bắt đầu để ý và lưu giữ lại những món đồ cổ mà mình tình cờ bắt gặp trong mỗi dịp đi xa. Tuy nhiên, thời gian đó, vì điều kiện kinh tế quá khó khăn, ông lại là người gánh vác trọng trách kinh tế  trong gia đình nên không thể toàn tâm toàn ý thực hiện được ước mơ sưu tầm của mình. Đến sau năm 2000, mặc dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, vợ chồng ông vẫn phải sống trong ngôi nhà tranh đơn sơ nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện ý định ấy. Giờ đây, khắp nơi trong các tỉnh Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, hầu như nơi nào cũng có dấu chân ông để lại. Đối với ông Hồng, những thứ ông sưu tầm được có giá trị lịch sử và văn hóa rất lớn. Dù chỉ là những mảnh bom, vỏ đạn hay những chiếc mũ, tấm áo không còn giá trị sử dụng... nhưng, chúng là những bằng chứng sống ghi dấu lại sự ác liệt của chiến tranh. Ông muốn để thế hệ trẻ, mà trước hết là con cháu ông biết được ngày xưa, ông cha đã khó khăn vất vả như thế nào để đánh bại những kẻ thù. Rồi từ đó, ông mong con cháu mình sẽ luôn nhớ về cội nguồn và tự hào về dân tộc.           

Những lần hụt chết ở nơi rừng thiêng nước độc

Nói chuyện với chúng tôi, ông Hồng kể lại: "Trong những năm tháng đi sưu tầm đồ cổ, không ít lần tôi suýt chết vì gặp những tình huống bất ngờ. Có lần lặn lội cả tháng trời ở rừng núi Lạng Sơn, tôi suýt bỏ mạng vì cái lạnh như cắt da cắt thịt. Ngày ấy, tuyết rơi rất nhiều. Đang trong lúc kiệt sức thì may mắn được một lão tiều phu đi qua cứu giúp". Có những lần ông cheo leo trên vách núi, nhìn xuống phía dưới chỉ thấy những mái nhà sàn của người dân như những cây nấm nhỏ. Trượt chân, ông lộn nhào, rê mình hàng chục mét. Toàn thân đau ê ẩm, nhưng lão nông này vẫn cố gắng đi về phía những bản làng để tìm những kỷ vật chiến tranh, làm giàu thêm cho "bảo tàng" của mình.    

Phương Phương

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.