Nhạc sĩ Đỗ Lập bảo, tuy độc hành nhưng chưa bao giờ ông cảm thấy cô đơn. Ông luôn nhận được sự giúp đỡ của bà con ở khắp các tỉnh thành. Ông kể: “Lần tôi đi qua xã Trường Sơn (Minh Hóa, Quảng Bình), nằm trên tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Khi đó trời đã tối, xe tôi sắp hết xăng, con đường dài thăm thẳm chỉ toàn núi đồi nên tôi khá hoang mang. Đúng lúc ấy, tôi gặp được một anh bộ đội, anh dừng lại hỏi thăm rồi tình nguyện hút xăng từ bình xe mình đổ qua bình xe tôi để tôi vượt qua quãng đường đầy thử thách”.
Nhiều lúc chẳng may nhỡ nhàng, không tìm được nhà người dân xin ngủ nhờ, ông mắc võng ngủ lại giữa rừng hay ở những địa danh lịch sử như: Nghĩa trang đồi A1 (Điện Biên), nghĩa trang Trường Sơn, Thành cổ Quảng Trị, nghĩa trang Hàng Dương (Côn Đảo)...
Bà Đào Thị Thục, người bạn thân của nhạc sĩ Đỗ Lập, cho biết: “Đường sá xa xôi, ngủ rừng, ngủ núi, nắng mưa, bão bùng, vất vả khổ cực như thế mà ông Lập chẳng mấy khi ốm đau. Ông ấy ăn uống đơn giản lắm, bạn bè ủng hộ tiền, ông chỉ dành mua xăng dầu. May mắn, ông ấy đi đến đâu người dân đều đùm bọc, giúp đỡ.
Nhiều khi bạn bè cũng gàn vì thương, tuổi cao sức yếu sao chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt nhưng ông rất kiên định, tấm lòng nhiệt huyết với biển đảo quê hương không bao giờ nguội lạnh”.
Bà Thục bảo, bạn bè ai cũng thương ông Lập bởi hoàn cảnh gia đình của nhạc sĩ Đỗ Lập khá khó khăn. Hai vợ chồng ly hôn khi con còn bé, ông gà trống nuôi 4 người con khôn lớn. Đến nay, con cái đều đã trưởng thành, có gia đình riêng. 3 người con trai đang làm việc ở bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, người con gái lấy chồng Hậu Giang, còn người vợ thì không ai biết tung tích.
Hiện tại ông ở một mình, thỉnh thoảng ở với con một vài ngày. Hoàn cảnh khó khăn, bạn bè thường tập trung tiền bạc ủng hộ ông Lập nhưng được bao nhiêu ông gom góp tiền in đĩa để tặng bạn bè, khán giả.
Sáng 4/1/2018, kết thúc “Hành trình xuyên Việt – chung sức một lòng vì biển đảo quê hương”, điểm dừng chân cuối cùng tại bảo tàng Hà Nội, nhạc sĩ Đỗ Lập đã khép lại 12 cuốn bút tích với 100.000 chữ ký, thông điệp. Ông tâm sự: “Đêm 3/1, tôi không tài nào ngủ được, không phải vì trời miền Bắc mưa, gió rét mà vì tôi hồi hộp. Hành trình xuyên Việt, xin 100.000 chữ ký của tôi khép lại, cũng là lúc tôi quyết định trao những bút tích của bà con các tỉnh thành cho bảo tàng Hà Nội cất giữ, cùng với chiếc xe máy – người bạn đồng hành của tôi trên khắp các nẻo đường”.
Đó là vì năm 2015, tôi tình cờ gặp anh Giám đốc bảo tàng Hà Nội, trong chuyến đi thu thập chữ ký ở các tỉnh thành miền Bắc. Khi nghe câu chuyện của tôi, anh ấy bảo rằng: “Bác ơi, lúc nào chân bác mỏi, trái tim bác vẫn nóng, chiếc xe máy ấy bác nhớ để cho Bảo tàng Hà Nội”. Tôi vẫn nhớ như in, anh ấy nói rằng: “Chiếc xe máy không lớn về vật chất nhưng có giá trị về tinh thần. Đó là con ngựa sắt để chở một trái tim nóng hổi, trái tim luôn hướng về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.
Trong buổi lễ trao tặng lại 100.000 chữ ký cùng chiếc xe máy Honda cũ, nhạc sĩ Đỗ Lập đã khóc, hôn lên chiếc mũ bảo hiểm, chiếc xe. Có lẽ, với vị nhạc sĩ già, chiếc xe đó không chỉ là phương tiện giúp ông thực hiện hành trình thắp lên ngọn lửa tình yêu biển đảo quê hương mà nó đã trở thành một người bạn đồng hành cùng ông trải qua những ngày tháng gian khó, nắng mưa.