Xã Xuân Hòa huyện Lập Thạch (Vĩnh Phúc) có gần chục người hoạt động trong lĩnh vực tâm linh tín ngưỡng. Có thầy phong thủy chuyên chọn hướng nhà, giờ lành tháng tốt để dựng vợ gả chồng, động thổ, xuất hành...Có thầy cúng thì chuyên đi làm lễ cho các đám động thổ, cải táng. Có thầy thì bói toán theo "câu hỏi" của khách, chuyên làm lễ giải hạn...
“Có một thầy chuyên xem gia sự với cách thức bóc một cặp chân gà luộc của khách mang đến rồi phán. Những lời thầy bói nói cũng có cái đúng cái sai. Tuy nhiên, ai tin thì làm theo còn không thì thôi. Tuy nhiên, từ trước đến nay chưa có vụ việc nào mà người dân nghe lời thầy bói mà vi phạm pháp luật...”, bà Phượng một người dân trong xã chia sẻ.
Theo luật gia Nguyễn Huy Hoàng, cũng đã có một số vụ án liên quan đến những đối tượng hành nghề bói toán mà ra. Như vụ đôi nam nữ tử vong trong một phòng trọ ở Hà Nội. Nguyên nhân sau đó được xác định, do nghe lời thầy bói phán không hợp nhau, cô gái đòi chia tay. Vì quẫn trí nên chàng trai đã sát hại người yêu rồi tự tử. Hay như vụ đối tượng Thảo ở TP.HCM bị xử phạt 3 năm tù vì cùng một số đối tượng khác “trừ tà” cho chính con ruột dẫn đến cháu bé tử vong.
Theo nhìn nhận của luật gia Hoàng, ở các địa phương vẫn có nhiều người hoạt động bói toán phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc xem bói của họ không trục lợi, không gây hậu quả, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự nên không bị xử lý.
Theo luật gia Hoàng, pháp luật đã có quy định rất rõ ràng về hành vi lợi dụng bói toán để vi phạm pháp luật. Thứ nhất: Về xử phạt hành chính theo điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định 158/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo quy định phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.
Theo khoản 4, Điều 15, Nghị định 158, người vi phạm buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều này.
Thứ hai, Điều 247 BLHS quy định về Tội hành nghề mê tín, dị đoan. Người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội làm chết người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 30 triệu đồng.
Thứ ba, việc thầy bói lợi dụng tư cách của mình để thực hiện các hành vi phạm tội khác như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, hiếp dâm... sẽ bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành đúng với tội trạng mà những người đó gây ra.
Xuân Hòa