Đó là chia sẻ của TS. Đặng Hoàng Giang, Phó giám đốc trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng (CECODES), cũng chính là tác giả cuốn sách Thiện, Ác và Smartphone mới ra mắt vừa qua, bàn về vấn đề "văn hóa lăng nhục trên mạng".
Từ đâu hình thành những "cơn bão lăng nhục" khổng lồ trên mạng xã hội hiện nay? Liệu có cách nào để các "anh hùng bàn phím” thức tỉnh? Để rõ hơn, PV báo Người Đưa Tin đã có cuộc trò chuyện với TS. Đặng Hoàng Giang về câu chuyện này.
PV: Là một người theo dõi các sự kiện xã hội trong suốt thời gian qua, ông có nhận định gì về hội chứng đám đông, hay còn gọi là “cơn bão lăng nhục” trên mạng xã hội trước một vấn đề nào đó?
TS. Đặng Hoàng Giang: Mạng xã hội có khả năng kết hợp một cách tài tình sự chật chội của tỉnh lẻ, nơi người ta bị soi mói, theo dõi, xì xào, đặt chuyện, với sự ẩn danh của một siêu đô thị.
Chúng ta tưởng rằng bây giờ mình văn minh hơn, nhưng thực ra internet, mạng xã hội có xu hướng dễ dàng chạm vào và “kích hoạt” những cái xấu xí ở bên trong chúng ta. Với công nghệ, nhiều người còn nhẫn tâm hơn cả thời người ta lôi những cô gái chửa hoang ra chợ để đánh đòn.
Nhiều người rất hỉ hả, sung sướng trong chuyện cô bảo mẫu T.L. bị phạt tù, lôi đó ra làm trò đùa trên mạng, chế những tấm ảnh mà chúng ta không ý thức được, họ phải trả giá nhưng họ vẫn là con người. Đằng sau vẫn là số phận một cô gái 19 tuổi...
PV: Theo ông, đâu là căn nguyên hình thành “vấn nạn” này? Phải chăng căn bệnh này là do sự phát triển xã hội và công nghệ?
TS. Đặng Hoàng Giang: Từng có thời gian nghiên cứu về vấn đề "văn hóa lăng nhục công cộng”, tôi thấy rằng trong lịch sử, các xã hội khác nhau, lại có những kỹ thuật tương tự nhau để làm nhục những kẻ mà ta cho là phạm chuẩn: Từ diễu phố ở những nơi công cộng, cạo đầu, xăm mặt, đóng sắt nung lên mặt... Ở xã hội Hy Lạp hay châu Âu Trung cổ cũng vậy, từ thời bao cấp ở Việt Nam cho đến ngày nay đều tồn tại các biện pháp làm nhục giống nhau về bản chất.
Sự khác nhau giữa làm nhục công cộng giữa thời đó và bây giờ nằm ở phương tiện kỹ thuật. Trước đây sự làm nhục chỉ nằm trong một cộng đồng nhỏ, một cái chợ, một ngôi làng, còn bây giờ, nó rộng rãi và toàn cầu hơn, khi ta công khai nó trên mạng, hàng triệu người xem, các hình ảnh tồn tại vĩnh viễn. Smartphone (công nghệ) đã tạo ra một khoảng cách tách biệt giữa chúng ta, người xem, người lăng nhục, và nạn nhân. Sự ẩn danh làm chúng ta quên mất đối tượng kia là một con người, nó khiến cho chúng ta không kiềm chế được những cái xấu xí bên trong chúng ta.
PV: Từng là nạn nhân trong chính những vụ “ném đá” của cộng đồng mạng, ông có thể chia sẻ suy nghĩ của mình?
TS. Đặng Hoàng Giang: Là nạn nhân trong một cơn bão lăng nhục là một cảm giác rất tệ. Cảm giác nhục nhã khiến người ta muốn bỏ trốn, muốn che mặt, cảm thấy bị hắt hủi, bị dồn vào chân tường, thấy bản thân không còn giá trị.
Rất may mắn khi tôi nhận được nhiều hỗ trợ, chia sẻ từ bạn bè và các đồng nghiệp, nhưng tôi hoàn toàn có thể hình dung ra được sự tuyệt vọng của những nạn nhân thân cô thế cô, hoặc những người tuổi đời còn trẻ.
Họ phải sống nhiều năm sau trong trạng thái chui lủi, xấu hổ ê chề, hoặc tự kết liễu đời mình, trong khi đám đông cuồng nộ đã kéo nhau đi tìm... nạn nhân khác.
Rất nhiều người sau đó hạn chế phát ngôn, không dám lên tiếng. Những người khác cũng nhìn vào mà kinh hãi. Kết quả là không gian mạng bị chiếm hữu bởi những người hung hăng và tàn nhẫn. Nó trở thành một không gian độc tài.
Xem thêm >>> Nghệ nhân Việt cầu kỳ chuẩn bị tiệc trà cho Nhật Hoàng
PV: Vậy đâu là căn nguyên của vấn đề này, thưa ông?
TS. Đặng Hoàng Giang: Tại sao bây giờ chúng ta dễ dàng like, share và comment độc địa? Vì con người vốn hiếu kỳ và có vẻ như thích bình phẩm phán xét để giải khuây. Internet cho họ điều kiện tuyệt vời để làm điều đó: Vừa được ngồi hàng đầu để xem "hành hình" nhưng bản thân vẫn không "dính máu". Chiếc smartphone đã trở thành một vũ khí hoàn hảo để giải trí bằng bạo lực, để trả thù, chà đạp nhân phẩm người khác...
Đây không phải là điều gì mới mẻ bất ngờ, nó tới từ sự cuồng tín, sự thiếu vắng khả năng thấu cảm, sự cô đơn, chông chênh của cái tôi. Tuy vậy, trong thời đại công nghệ, khi người ta chỉ kết nối nhau qua những “avatar”, thì những điều này càng được khuếch đại lên hơn bao giờ hết.
PV: Có rất nhiều người trẻ không thể chịu nổi áp lực dư luận đã lựa chọn con đường tự tử để giải quyết. Tuy đó là thiểu số, nhưng dường như người trẻ đang bị bế tắc trong việc đối mặt với dư luận trái chiều. Theo ông, giới trẻ cần có “cơ chế phòng vệ” gì trước vấn đề này?
TS. Đặng Hoàng Giang: Chúng ta cần lên tiếng bảo vệ nạn nhân, bảo vệ nhân phẩm, quyền phát ngôn của họ, kể cả khi ta không đồng ý với quan điểm của họ. Chúng ta cần lên tiếng phản đối bạo lực trên mạng, nhưng không lăng nhục người lăng nhục. Giống như bạo lực trong gia đình, hay ở học đường, bạo lực trên mạng cũng chỉ có thể bị đẩy lùi khi nhiều người không chấp nhận nó, coi nó không phải là điều bình thường, mà là phi văn minh và phi nhân đạo.
Chúng ta cũng cần nuôi dưỡng một cuộc sống lành mạnh bên ngoài không gian mạng, không để mạng xã hội thống trị chúng ta, biến chúng ta thành nô lệ của nó. Chúng ta cần xây dựng những quan hệ người và người sâu sắc, có chất lượng hơn là những tương tác ngắn ngủi và vội vàng trên Facebook.
PV: Vậy “căn bệnh” văn hóa này có thuốc trị?
TS. Đặng Hoàng Giang: Tử tế không đắt đỏ, mặc dù có tiền cũng không mua được nó. Vậy nên tôi đề ra dự án Trắc ẩn và mong muốn dự án này sẽ tạo cho ta một sự nhạy bén để nhận ra những sai trái và thôi thúc ta hành động, trong lúc đó vẫn cảm nhận tính người của người kia, nhìn xuyên qua bề mặt của sự sợ hãi, cuồng nộ hay độc ác mà họ đang thể hiện để hiểu được cái gì đang thôi thúc họ.
Xin cảm ơn ông!
>> Lễ hội đường phố tại Đà Nẵng có gì đặc biệt?
>> Việt hoá phim rồi mang xuất khẩu có phải là việc nói cho sang miệng?
Phương Anh