Làm "cú đêm" để... chụp ảnh
21h, giữa dòng người xe nhộn nhịp quanh Bờ Hồ, bất chợt xuất hiện cặp đôi cô dâu chú rể váy áo xúng xính đứng giữa dòng người xe tấp nập. Bất chấp dòng xe nườm nượp, họ vẫn khá vô tư tạo dáng dưới ánh đèn đường. Nhiều người tự hỏi, họ (cô dâu, chú rể) đang làm gì giữa đường vào ban đêm như vậy? Xin thưa, họ đang chụp ảnh cưới! Chụp ảnh cưới ban đêm đang được nhiều đôi chọn lựa với mong muốn có những khoảnh khắc lạ, độc đáo để lưu giữ lâu dài.
Thời kỳ những bộ ảnh cưới dã ngoại tận Mộc Châu (Sơn La) giữa mênh mông bạt ngàn chè, hoa mơ hoa mận hay những bộ ảnh cưới được thực hiện tận bên nước ngoài có lẽ giờ cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nay với nhiều người thích mới lạ, độc đáo, ấn tượng cho khoảnh khắc bước đầu của một giai đoạn mới là phải chụp ảnh cưới đêm.
Tuy nhiên, dù là một trào lưu đang được nhiều cặp đôi lựa chọn nhưng nhiều cửa hàng chụp ảnh cưới lại không mặn mà lắm với trào lưu này. Bởi giá cả chụp ảnh ban đêm không chênh lệch nhiều so với ban ngày. Đa số các cửa hàng đều muốn hút khách nên không nâng giá. Đặc biệt đi chụp ảnh ban đêm lại đòi hỏi máy móc chất lượng và nguồn sáng nhiều hơn để có được một bộ ảnh đúng ý muốn của khách hàng.
Theo anh Trung (cửa hàng áo cưới MoZa), chi phí cho một bộ ảnh cưới ban đêm sẽ có thêm phần phụ phí khoảng 500.000 đồng/bộ ảnh. Mức chênh này áp dụng cho khoảng thời gian chụp ảnh cưới kết thúc vào lúc 8h tối. Khi chúng tôi hỏi mực giá chênh cho khoảng thời gian chụp muộn, kết thúc vào 2h sáng ở cầu Long Biên, anh Trung cho biết: "Theo mình, nếu các bạn muốn độc lạ, cửa hàng cũng sẵn sàng đáp ứng. Với bộ ảnh cưới ban đêm, các cặp đôi có thể tạo ra những bức ảnh với không gian và môi trường xung quanh đặc biệt và chỉ có vào ban đêm.
Tuy nhiên, giá phụ phí cho thời gian chụp kết thúc muộn với một bộ ảnh thường ít nhất là một triệu đồng. Các bạn cũng không nên chụp quá muộn như vậy vì không cần thiết và thời gian muộn khiến cô dâu chú rể sẽ mệt mỏi. Lúc đó, các bức ảnh chưa chắc đã có những khoảnh khắc đẹp và tự nhiên", anh Trung tư vấn.
Chụp ảnh cưới đêm đang được nhiều đôi tân lang, tân nương chọn lựa. (Ảnh Internet)
Khi PV liên lạc với một số ảnh viện áo cưới khác tại Hà Nội, đa số đại diện các cửa hàng đều đưa ra mức giá không quá cao so với ban ngày nhưng họ đều tư vấn khách hàng là nên chụp ảnh ban ngày để tránh phải "lọ mọ" và "hành xác" cô dâu, chú rể. Tham khảo nhiều của hàng ảnh viện áo cưới và từng nghe nhiều đôi nói đến những buổi chụp ảnh cưới xuyên đêm Hà Nội, tôi cũng xí xớn theo chân một đôi bạn làm "cú đêm" để thực hư về công cuộc "hành xác" tìm khoảnh khắc "độc, lạ" cho bộ ảnh cưới để đời của họ.
Theo đúng lịch trình của chú rể Thanh Tùng (nhân viên kinh doanh thang máy tại Hà Nội) thì buổi chụp hình bắt đầu từ 9h tối. Tuy nhiên công cuộc chuẩn bị cho buổi chụp hình này rục rịch từ cả tháng trước. Bởi theo chia sẻ của anh Tùng thay vì không có nhiều cửa hàng ảnh viện sẵn sàng "chịu" chụp đến khuya nên anh "tận dụng" bạn bè có "nghề" chụp ảnh để thực hiện ý tưởng chụp ảnh độc đáo này.
Sau khi nghe các nhiếp ảnh "vườn" phân trần về "độ" khó của bộ ảnh, chúng tôi khăn gói hành trình tìm ảnh lạ, đẹp cho chú rể Thanh Tùng ở Hà Nội bằng việc chịu cả tiếng tắc đường đến được vị trí chụp ảnh.
Gặp kẻ xấu vẫn phải... cười
Dù đã lường trước các khó khăn về máy móc và giao thông nhưng nhân tố quan trọng nhất là cô dâu, chú rể thì ít ai nghĩ đến việc chụp ảnh muộn khiến các nhân vật chính buồn ngủ rũ mắt. Thay vì việc "làm dáng" tay trong tay giữa phố phường lúc đêm khuya, cô dâu bất cứ lúc nào được nghỉ cũng tìm chỗ dựa để "chợp mắt".
Đến 12h đêm, theo các nhiếp ảnh "vườn" là lúc thời gian "chuẩn" cho những bức ảnh cưới ban đêm đẹp nhất với hình ảnh Hà Nội tĩnh lặng, ánh đèn đường thành những vệt dài không bị lẫn các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, lúc này cô dâu của anh Tùng quá mệt mỏi, ngủ gà gật... Đến lúc xem lại cả trăm bức ảnh cũng chỉ chọn được khoảng chục kiểu.
Để tránh lãng phí nguồn ảnh từ buổi "hành xác", anh Tùng đã làm clip với những bức ảnh đủ kiểu gà gật, mặt ngắn tũn của cả cô dâu chú rể và cả nhóm. Mỗi khi áp lực, mệt mỏi, stress, hai vợ chồng họ lại đem ra xem như là "món ăn" tinh thần.
Vẫn còn nguyên cảm giác "ớn lạnh", chị Hoàng Anh (nhân viên một công ty cổ phần truyền thông) chia sẻ: "Tôi thấy một số bộ ảnh cưới chụp vào ban đêm được tung lên diễn đàn otofun.net với ý tưởng khá hay và độc đáo. Hơn nữa, ước mơ được tận hưởng cảm giác 2h sáng đứng trên cầu Long Biên lộng gió, ngắm về trong thành phố cũng đủ khiến tôi và chồng chưa cưới sẵn sàng làm "cú đêm"”.
Theo chị Anh, mọi việc khá suôn sẻ khi cả nhóm chụp ảnh ở Bờ Hồ, Nhà hát Lớn. Tuy nhiên, đến đêm khuya, các thành viên "phụ tá" lần lượt về trước, đến lúc chụp ảnh trên cầu Long Biên chỉ còn lại bốn người. Một người chụp ảnh, hai vợ chồng và một đứa em của chị Anh.
"Giữa đêm khuya khoắt, lọ mọ lên cầu Long Biên chụp choẹt quả thực không "vui" như chúng tôi nghĩ. Run nhất là chúng tôi gặp phải hai người xin đểu. Họ chẳng cần "quảng cáo" là nghiện nhưng nhìn dáng vẻ "liêu xiêu" và chắc không ai "nhàn rỗi" lên cầu Long Biên "dật dờ" lúc 2h sáng ngoài những thành phần bất hảo.
Chồng tôi "cầu hòa" đưa cho họ 500.000 đồng để "mua" sự yên tâm chụp một vài kiểu rồi đi. Vừa chụp, vừa tạo dáng, vừa run mà hai vợ chồng vẫn phải... cười theo "chỉ đạo" của người chụp ảnh", chị Anh kể.
Dù vẫn có bộ ảnh cưới phụ tương đối lạ so với nhiều bạn bè, nhưng anh Tùng "thề" nếu được quay lại, anh sẽ không bao giờ nghe bạn bè xui đi chụp ảnh cưới đêm. "Lạ, độc chưa thấy đâu nhưng hôm sau, tôi, vợ và cả nhóm nằm bẹp vì mệt. Nhiều kiểu ảnh thiếu sáng, chúng tôi không ưng lắm.
Hậu quả là lại phải bố trí một buổi đi chụp ảnh cưới ban ngày để "vớt" cho bộ ảnh độc, lạ và “hành xác” kia. Tuy nhiên, cảm giác được "tạo dáng" giữa đêm khuya Hà Nội cũng khiến hai vợ chồng vui vui mỗi khi nhớ lại", anh Tùng chia sẻ.
Hoàng Mai