Nữ Thống đốc tai tiếng
Người ta vẫn thường bảo, nữ chính khách Jan Brewer là một người khờ khạo nên mới liên tục khiến nhiều người phản đối và không đồng tình với bà ở cả cánh tả lẫn cánh hữu. Trước đây, Brewer từng đắc cử Bộ trưởng tiểu bang Arizona năm 2002, sau đó đảm nhiệm ghế Thống đốc Arizona từ năm 2009 khi Thống đốc lúc đó là bà Janet Napolitano từ chức để làm Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ.
Bà Jan Brewer và những chuyên gia y tế trong một buổi nói chuyện về Medicaid
Sai lầm đáng trách nhất mà bà vấp phải là việc tự ý bịa đặt về cha mình. Trong nhiều cuộc vận động tranh cử, bà thường nhắc đến cha mình như một anh hùng chống phát xít Đức. Bà bác bỏ sự chỉ trích của đối thủ trong cuộc vận động tranh cử nhiệm kỳ mới bằng bài phát biểu đầy "xúc động": "Tôi đã mồ côi cha khi mới 11 tuổi. Người ta cứ gọi tôi là đứa con gái của Hitler trong khi cha tôi chết vì chiến đấu chống lại chế độ phát xít Đức. Đó là một sự xúc phạm ghê gớm, là điều vô cùng xấu xa!".
Thế nhưng, nhiều đồng nghiệp của bà Brewer đã tiết lộ, trước đây, nhiều lần bà nhắc đến cái chết của cha mình lại hoàn toàn khác khi tranh cử. Trong thế chiến thứ II, cha bà là công nhân chế tạo vũ khí tại Nevada, do nhiều năm hít khói hóa chất độc hại nên bị nhiễm bệnh phổi và chết vào giữa thập niên 50 của thế kỷ XX.
Người ta nghĩ rằng, bà cố tình phóng đại hoàn cảnh và cái chết của cha nhằm đề cao bản thân, tạo ra cơ hội cao hơn trong việc giành phiếu của cử tri. Trước chê trách của đồng nghiệp, bà không nói gì, chỉ thanh minh một câu: "Tôi hoàn toàn tự hào về cha mình, tôi không hề tô vẽ gì như người ta vẫn nói".
Tuy nhiên, người ta cho rằng, hành động thanh minh đó của bà là kết quả của sự ám ảnh sâu sắc trước phản đối của dư luận, sau khi bà ký một dự luật chống nhập cư của tiểu bang, mang tính chất kỳ thị chủng tộc và vi phạm nhân quyền. Theo đó, dự luật mới cho phép cảnh sát có quyền trục xuất di dân bất hợp pháp và những công dân Mỹ khi bề ngoài họ giống người Nam Mỹ, làm gia tăng tình trạng lạm quyền.
Trước hành động đó của bà, hàng ngàn người đã kéo nhau xuống đường phố của thủ đô tiểu bang Arizona để phản đối hành động "phản bội" những người tiền nhiệm và đáng bị lên án đó của bà.
Trong khi đó, bà Brewer lại cho rằng, các nhà đấu tranh dân quyền và người dân đã phản ứng thái quá mà chưa hiểu rõ dự luật này. Bà giải thích, dự luật này có tác dụng kiểm soát được tình trạng nhập cư bất hợp pháp ở Arizona, nơi có đường biên giới chung với Mexico, là cửa ngõ thâm nhập của di dân bất hợp pháp và ma túy lớn nhất ở Mỹ. Trước sức ép quá lớn từ người dân, nữ Thống đốc đã phải sửa đổi một số điều khoản không rõ ràng trong luật này. Tuy nhiên, động thái này của bà vẫn chưa đủ sức làm hạ nhiệt cơn bão "kỳ thị và tẩy chay" bà.
Mới đây, bà Brewer lại đưa ra kế hoạch tăng thuế nhằm giải quyết lỗ hổng ngân sách khổng lồ của tiểu bang. Đề xuất táo bạo này đã vi phạm cam kết không bao giờ bỏ phiếu tăng thuế của bà và vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của cơ quan lập pháp bang. Chủ tịch Hạ viện Kirk Adams mạnh mẽ chỉ trích rằng, đây là một ý tưởng tồi và sẽ không được thông qua. Nhưng rồi, sau vài lần bị phản đối, bà Brewer vẫn quyết tâm thực hiện kế hoạch này.
Nữ Thống đốc thú vị nhất chính trường Mỹ - bà Jan Brewer
Nữ chính khách... “đi trước nửa đời người”
Mặc dù cách nhìn nhận và đưa ra các dự luật gây ra nhiều tranh cãi và phản đối gay gắt nhưng bà là một người phụ nữ thực sự tài giỏi. Nữ chính khách này luôn biết cách làm cho những sáng kiến lẫn "tối kiến" của mình được ban hành, vượt qua sự chỉ trích của những người không đồng tình với mình ở cả cánh tả lẫn cánh hữu. Người ta còn gọi là bà Brewer "đa sắc màu", bà có khả năng giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, vừa mềm mỏng, vừa cương quyết và ít khi thay đổi. Và thấy rõ nhất là cuộc bỏ phiếu mở rộng chương trình y tế Medicaid của bà.
Báo giới đặc biệt quan tâm đến nữ Thống đốc Brewer sau khi bà táo bạo tuyên bố sẽ bỏ phiếu phủ quyết bất cứ ngân sách nào không mở rộng chương trình này và sau đó, bà đã không thông qua bất cứ một dự luật nào cho tới khi kế hoạch Medicaid được thông qua. Quả thật, bà đúng là một "người đàn bà thép" khi thực hiện đúng mọi thứ như bà đã nói, bác bỏ năm dự luật không liên quan vào hồi tháng 6 vừa qua.
Tất cả những gì bà làm đều là muốn thực hiện kế hoạch duy trì hiệu quả của các chương trình y tế cũ với người dân Arizona. Thậm chí, bà còn vinh danh những cá nhân đã tích cực bỏ phiếu kép để ủng hộ mở rộng chương trình Medicaid, giúp bà duy trì hoạt động quỹ từ thiện General Fund, tránh thất thoát tiền thuế của bang, đồng thời, thúc đẩy, nâng cao chất lượng hệ thống bệnh viện. Mặc dù chưa rõ mục đích của việc mở rộng Medicaid là gì nhưng bà Brewer đã tạo nên một hiệu ứng rất khả quan.
Dần dần, Brewer chiến thắng từng chút một khi liên minh Cộng hòa và Dân chủ thông qua nhiều kế hoạch nhỏ trong chương trình Medicaid. Hơn thế nữa, hàng ngàn người dân bang Arizona phản ứng rất tích cực trước động thái này của bà Brewer. Họ tin rằng, Thống đốc bang đã đặt cuộc sống của họ lên trên những lợi ích cá nhân mà chưa có vị Thống đốc nào từng thể hiện.
Riêng về chương trình y tế Medicaid, bà Brewer luôn giành chiến thắng trước mọi quyết định đưa ra. Nhiều người nhận xét, khả năng hoạt động chính trị của nữ Thống đốc đi trước nhiều nghị sĩ khác tới "nửa đời người". Điều này có nghĩa bà chỉ mất nửa thời gian để đưa ra giải pháp và chẳng cần tốn công sức nghe lời góp ý "vu vơ" từ bất cứ ai, ngoại trừ chính bản thân bà.
Ngoài chương trình y tế này, Brewer còn rất nhiều tham vọng lớn. Hiện tại, bà đang đấu tranh gay gắt để được tăng thời gian giữ chức Thống đốc tiểu bang Arizona và thay đổi các tiêu chí có lợi cho cá nhân trong cuộc tranh cử nhiệm kỳ 2014.
Luật SB 1070 gây biểu tình rầm rộ khắp nước Mỹ
Tháng 4/2010, nữ Thống đốc tiểu bang Arizona, bà Jan Brewer thông qua luật SB 1070, yêu cầu người dân luôn mang giấy tờ tùy thân và cảnh sát có quyền chặn hỏi những người nào có khuôn mặt "không giống người Mỹ". Một người không xuất trình đủ giấy tờ sẽ có thể bị bắt, phạt tù đến sáu tháng và nộp phạt 2.500 USD. Luật này gây ra phản đối dữ dội từ nhiều phía, kéo theo biểu tình rầm rộ trên khắp nước Mỹ.
An Mai (Theo Business Insider)