Được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần, Liên hoan phim (LHP) quốc tế Hà Nội lần thứ 4 năm 2016 đã trở lại với khán giả Thủ đô từ ngày 1 đến 5/11. Sau 5 ngày diễn ra LHP, nhiều đạo diễn trong nghề cho biết, đây thực sự là một sân chơi điện ảnh “có tầm” khi quy tụ được nhiều nhà sản xuất, diễn viên nổi tiếng thế giới về Việt Nam…
Theo thông tin chính thức từ Ban tổ chức LHP quốc tế Hà Nội 2016 thì lần tổ chức này đã có 550 bộ phim tham dự, gồm trên 300 phim dài và hơn 200 phim ngắn từ hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Anh, Ấn Độ, Ba Lan, Bỉ, Brasil, Colombia, Chile, Đài Loan, Đức, Ghana, Hàn Quốc... cùng các nước thành viên ASEAN. Liên hoan phim được ví như một màn “đại tiệc” điện ảnh dành cho các tín đồ của bộ môn nghệ thuật thứ 7 với nhiều điểm nhấn mới lạ hơn và đậm đặc bản sắc văn hóa các nước hơn.
Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng cục Điện ảnh (Bộ VH,TT&DL), trưởng ban Tổ chức cho biết: “LHP quốc tế Hà Nội 2016 được nâng tầm và có sức hút bằng chất lượng của các tác phẩm điện ảnh tuyển chọn vào từng chương trình của LHP. Đó là những bộ phim nổi trội, mới nhất hoặc các tác phẩm kinh điển của điện ảnh thế giới. Liên hoan phim cũng được đưa đến gần khán giả hơn khi không chỉ chiếu phim tại các rạp mà còn có các buổi chiếu phim ngoài trời ở quảng trường trung tâm thành phố. Bên cạnh đó, những hoạt động bên lề như Trại sáng tác, chợ dự án phim đã hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn khi đặt ra mục tiêu tìm kiếm không chỉ những dự án thể nghiệm nghệ thuật mà cả những bộ phim có tính khả thi, có khả năng phát hành…”.
Theo bà Ngô Phương Lan, tiêu điểm điện ảnh năm nay là Ấn Độ và Italia, đại diện xứng tầm của hai châu lục. Trả lời câu hỏi, vì sao có sự lựa chọn này, bà Ngô Phương Lan cho hay: “Nhắc đến Ấn Độ như nói đến nền điện ảnh có nội lực mạnh mẽ, trung tâm điện ảnh châu Á không nước nào khác ngoài Ấn Độ”. Còn với điện ảnh Italia, thì theo như lời dẫn của bà Đại sứ Italia Cecilia Piccioni: Nhắc tới niềm tự hào nền điện ảnh Italia có lịch sử lâu dài, phát triển và biểu hiện cho văn hóa và con người Italia.
LHP quốc tế Hà Nội năm nay còn hấp dẫn ở việc “cầm cân nảy mực” cho thể loại phim dài của LHP là những cái tên hết sức đình đám như: đạo diễn người Pháp – Régis Wargnier, nữ diễn viên Hollywood – Geraldine Chaplin, đạo diễn Ấn Độ – Adoor Gopalakrishnan… Ông Régis Wargnier, Chủ tịch BGK, đạo diễn Đông Dương (1992), nhà sản xuất, nhà biên kịch Pháp, tác phẩm đầu tay với vai trò đạo diễn là bộ phim La femme de ma vie (tạm dịch: “Bà vợ của đời tôi”) năm 1986 đã đạt giải thưởng Cesar cho tác phẩm đầu tay xuất sắc nhất. Tác phẩm kinh điển và để lại nhiều tiếng vang của vị đạo diễn này là phim Indochine (Đông Dương) , được sản xuất vào năm 1993 và vinh dự nhận được giải thưởng Phim nói tiếng nước ngoài xuất sắc nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 65… Ông Adoor Gopalakrishnan, thành viên BGK, đạo diễn, nhà sản xuất, nhà biên kịch Ấn Độ. Ông là một trong những nhà làm phim người Ấn Độ nổi tiếng nhất trên thế giới….
Trao đổi với pv báo Người Đưa Tin, đạo diễn Lê Quang Dũng cho biết: “Nhiều người vẫn còn lăn tăn việc LHP quốc tế Hà Nội lần này có nhiều giám khảo nổi tiếng thế giới về Việt Nam chấm giải nhưng vẫn còn nghi ngại việc người già “soi” người trẻ, bởi vì những vị giám khảo đình đám trên hầu hết là những người cao tuổi, vậy có sự đồng điệu trong cảm xúc, và họ có chấp nhận được những “vùng” đột phá mới của các nhà làm phim trẻ không? Tôi cho rằng, nghệ thuật là những cảm xúc không biên giới, càng có nhiều kinh nghiệm, càng “cầm cân nảy mực” tốt hơn chứ. Hơn nữa, những giám khảo trên đều đến từ những quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến nên họ sẽ có cái nhìn khách quan và chính xác hơn, đừng lăn tăn chuyện ban giám khảo già “soi” nhà làm phim trẻ, mà hãy nghĩ xem, sau LHP này thì nền điện ảnh của Việt Nam sẽ học hỏi được những gì ở điện ảnh thế giới…”.
Dù không tiết lộ kinh phí tổ chức LHP lần này nhưng bà Ngô Phương Lan cho biết, cơ bản phần xã hội hóa và nhà nước là 50-50. Bà cũng cho hay, năm nay, BTC sẽ phải trả chi phí bản quyền cao nhất từ trước tới nay cho những phim chiếu trong LHP. “Tất cả các hợp đồng ký hai bên đều yêu cầu phải giữ bí mật, nên tôi không thể tiết lộ con số cụ thể nhưng có thể nói những năm trước BTC chỉ phải trả khoảng 1/5 số lượng phim phải trả bản quyền, nhưng năm nay thì 2/3 số phim phải trả bản quyền. Mỗi phim chỉ được chiếu hai lần. Số tiền khá là đắt từ trước tới nay”, bà Lan nói.
Nhà sản xuất phim Đỗ Việt Phương chia sẻ: “Có lẽ mỗi năm nên tổ chức một LHP quốc tế tại Hà Nội như này thì các nhà làm phim Việ Nam mới “đã khát” được, vì nếu làm được thế, chúng ta sẽ có thêm cơ hội cọ xát và giao lưu quốc tế. Năm nay, tôi thấy rằng, cách thức tổ chức LHP đã chuyên nghiệp, có thể nói, LHP đã xứng tầm trong khu vực. Đây là cơ hội để các nhà làm phim trẻ học hỏi thêm, để làm nên những bộ phim có chất lượng…”.
Theo thông báo chính thức từ BTC Liên hoan phim quốc tế Hà Nội, ban giám khảo (BGK) đã công bố những tác phẩm và cá nhân xuất sắc nhất, gồm: Ở thể loại phim ngắn: Đạo diễn trẻ phim ngắn xuất sắc nhất thuộc về Phạm Ngọc Lân (phim Một thành phố khác - Việt Nam); Giải BGK dành cho phim ngắn Trái tim của đất (Phần Lan); Phim ngắn xuất sắc nhất thuộc về Ba thay đổi (Mêxicô); Giải Mạng lưới khuyến khích điện ảnh châu Á NETPAC dành cho phim Toa xe màu xanh (Nga). Giải BGK dành cho phim dài xuất sắc được trao cho hai phim Ngày tươi đẹp (Hàn Quốc) và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (Việt Nam).
Giải thưởng quan trọng nhất là Phim dài xuất sắc thuộc về Hồi ức, một bộ phim ly kỳ, kịch tính nhưng cũng đậm chất nhân văn của điện ảnh Canađa. LHP năm nay cũng dành hai giải thưởng mới để tôn vinh các phim được khán giả bình chọn nhiều nhất. Cả hai hạng mục này đều thuộc về phim Việt Nam, đó là phim Việt Nam được yêu thích nhất là Taxi, em tên gì? và phim dài dự thi hay nhất Trúng số.
NSƯT Thanh Loan cho biết: “LHP là nỗ lực của nhiều diễn viên, đoàn làm phim. Đây là cơ hội cọ xát của nền điện ảnh Việt Nam. Tôi cho rằng, ban giám khảo đã làm việc công tâm và độc lập để tìm ra những bộ phim hay nhất để trao giải. Chúng ta nên vui vì Việt Nam đã có một LHP quốc tế có chất lượng cao như vậy…”.
Lạc Thành