Hồi tháng 2, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, thời gian tới thành phố sẽ xây dựng nhà hát opera tiêu chuẩn thế giới ở Hồ Tây. Hoa sen Hà Nội sẽ có một nhà hát 2.000 chỗ ngồi, một trung tâm ươm tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ cao, một sân trượt băng, các rạp chiếu phim, hệ thống văn phòng và chuỗi nhà hàng, tạo ra một điểm công cộng sử dụng hỗn hợp cho hàng ngàn cư dân và du khách đến với Thủ đô của Việt Nam.
Bản thiết kế là tạo hình 5 bông hoa sen, nằm giữa Hồ Tây với những con đường gập ghềnh, chênh vênh từ mặt đường dẫn ra khu quần thể khiến người xem hoa mắt. Những con đường không có lan can, tay bám, xen lẫn với hồ nước gây cảm giác nguy hiểm với trẻ em, thậm chí là cả người lớn.
Ngoài thiết kế phần đường vào khu trung tâm có vẻ thiếu an toàn và rối mắt, thì việc giữ gìn và bảo vệ môi trường khi xây dựng một trung tâm lớn giữa Hồ Tây là việc điều được nhiều người quan tâm. Bao nhiêu % diện tích mặt nước Hồ Tây sẽ bị lấy để xây dựng nhà hát? Liệu Hà Nội Hoa sen có phải là tiền lệ để cho các đơn vị xây dựng khác được lấn hồ, hay sẽ chỉ có nó được “đặc quyền” xây dựng trên mặt hồ vì mang tính biểu tượng trong tương lai?!
Thiết kế kết hợp đông tây kim cổ, dưới có lúa có hoa sen, trên là quần thể phức hợp khiến công trình trở nên lổn ngổn. Với một thiết kế như thế thì việc kỳ vọng Hà Nội Hoa sen sẽ trở thành biểu tượng văn hoá của Việt Nam là điều khá xa vời.
Có khi nhà hát opera chỉ là một cách gọi như toà nhà Lotte ở Đào Tấn – Liễu Giai lấy cái cớ “thiết kế giống áo dài Việt Nam” để tiện cho việc truyền thông. Bởi, nếu muốn nhà hát này thực hiện sứ mệnh trở thành biểu tượng của Hà Nội thì cần có sự trưng cầu dân ý rộng rãi trước khi chốt bản thiết kế. Hãy nhớ rằng, Hồ Tây từ lâu đã trở thành biểu tượng của Hà Nội mà không cần bất cứ một toà nhà nào xây trên đó.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Xem thêm:
Hà Nội: Tranh cãi về thiết kế của nhà hát Opera tiêu chuẩn quốc tế
Châu Anh