Ngày 10/10, Hao Fan 6 đã bị cấm truy nhập vào các cảng biển trên toàn cầu. Tàu chở hàng dài 140m được cho là có liên quan đến Triều Tiên là một trong những đối tượng bị răn đe bởi lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc (LHQ).
Sau khi tin tức trên được công bố, con tàu vẫn hoạt động ở phía Nam Hàn Quốc cho đến 23h17 (giờ UTC) và bỗng nhiên biến mất bí ẩn.
Hao Fan 6 là một trong 4 tàu nằm trong lệnh cấm nhập cảng trên toàn cầu của LHQ.
Đây không phải là lần đầu tiên những con tàu được cho là của Triều Tiên gặp phải rắc rối. Trước đó, tàu Jie Shun nằm trong danh sách cấm từng bị bắt bởi chính quyền Ai Cập khi vận chuyển hàng ngàn súng phóng lựu hồi năm 2016.
Chính quyền Panama bắt giữ tàu Chon Chon Gang vào năm 2013 sau khi phát hiện linh kiện, hệ thống của máy bay chiến đấu MiG và chất nổ được giấu dưới các túi đường.
Giờ đây, LHQ vừa thông qua nghị quyết quy mô lớn hơn nhằm cản bước Triều Tiên xuất mở rộng hoạt động khẩu hàng hóa như than đá và kim loại quặng - cỗ máy kiếm tiền lớn của Bình Nhưỡng.
Phát biểu sau khi Triều Tiên thử nghiệm một tên lửa đạn đạo tầm xa vào cuối tháng 11, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có biện pháp "ngăn lại hoạt động vận chuyển hàng hóa đến và đi từ Triều Tiên”.
Bộ Tài chính Mỹ đã đi xa hơn so với LHQ, xử phạt 59 tàu có giao dịch với Triều Tiên. Nhưng các nhà quan sát độc lập đã xác định có khoảng 180 tàu vẫn kết nối với quốc gia ẩn dật này và đặt ra ra câu hỏi: Có bao nhiêu tàu như kiểu Hao Fan 6 vẫn đang cưỡi sóng biển, mang lợi nhuận về cho Bình Nhưỡng?
Những chuyến đi đến Triều Tiên
Dữ liệu hải trình của Hao Fan 6 cho thấy con tàu đã ba lần đến Triều Tiên vào năm 2016 và hoạt động trên các tuyến đường vận chuyển than truyền thống.
Hai lần vào mùa Thu vừa qua nó được ghi nhận có mặt gần thành phố cảng Nampo. Lần đầu tiên là ngày 27/9.
Hao Fan 6 được định vị vào ngày 17/10 gần cảng Lanshan – cảng than lớn của Trung Quốc. Định vị dữ liệu cho thấy con tàu quay trở lại Nampo, ngoài khơi bờ biển Triều Tiên một lần nữa vào ngày 20/10. Sau đó, nó im lặng trong nhiều ngày.
Nếu Hao Fan 6 chở than từ Triều Tiên sang Trung Quốc, nó đã vi phạm nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua tháng 3/2016.
Than là chủ lực kinh tế quan trọng đối với Bình Nhưỡng. Trong năm 2015, kim ngạch xuất khẩu than được ghi nhận gần 1 tỷ đô la, theo số liệu của LHQ. Các công ty Trung Quốc là những khách hàng lớn của Triều Tiên do than nước này có giá rẻ.
Lần theo dấu vết
Trên giấy tờ, Hao Fan 6 thuộc sở hữu của một công ty có trụ sở Hồng Kông mang tên Trendy Sunshine Hong Kong Limited. Địa chỉ của công ty nằm ở tầng 10 Hong Kong's Billion Centre, theo Equasis.
Khi phóng viên CNN đến thăm tòa nhà, công ty Trendy Sunshine không có ở đó. Thay vào đó, văn phòng với tiền sảnh bằng đá cẩm thạch lấp lánh nhìn ra cảng Victoria – biểu tượng của Hồng Kông, là trụ sở của SBC International và thư ký công ty (company secretary) của Trendy Sunshine, với vai trò đại diện.
Ở Hồng Kông, việc một công ty chia sẻ địa chỉ với thư ký công ty của họ không phải là bất hợp pháp. Hồng Kông đòi hỏi các công ty phải có cả Giám đốc và thư ký công ty, nhưng chỉ có Giám đốc mới là người điều hành thực tế.
Theo CNN, các công ty có trụ sở bên ngoài Hồng Kông thường làm điều đó để tránh phải gánh chịu chi phí của một văn phòng mới.
Một cuộc điều tra của CNN vào tháng 10 phát hiện ra rằng các công ty bị cáo buộc giúp đỡ Triều Tiên trốn tránh trừng phạt thường lập các vỏ bọc ở Hồng Kông do luật giám sát ở thành phố này tương đối lỏng lẻo.
Shen Zhong International Shipping, công ty vận hành Hao Fan 6 cũng chia sẻ một địa chỉ trong bốn văn phòng của SBC International tại Hồng Kông. Công ty này không sở hữu mà chỉ chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động hàng ngày và thuê thuyền trưởng, thủy thủ đoàn.
Hải trình bí hiểm của Hao Fan 6
Hành trình của con tàu Triều Tiên những tuần trước khi lệnh cấm được ban hành đã cho thấy nó có thể vận chuyển đến 8343 tấn hàng, đi qua lục địa Hàn Quốc nhiều lần.
Hầu hết các tàu hiện đại hiện nay đang được theo dõi bằng “Hệ thống nhận dạng tự động” (AIS). Tổ chức Hàng hải quốc tế quy định các tàu lớn phải có thiết bị này trên tàu.
Nếu tắt nó đi, con tàu có thể tránh ánh mắt tò mò hoặc các mối đe dọa tiềm năng. Khi bật trở lại, bộ theo dõi dữ liệu sẽ hiển thị một hành trình thay đổi bất thường.
Andrea Berger, một nhà nghiên cứu cấp cao chuyên về chương trình vũ khí của Triều Tiên tại viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury cho biết: “Không ai có thể ngăn cản thuyền trưởng tắt thiết bị này đi”.
Sau khi chìm vào im lặng từ ngày 10/10, Hao Fan 6 không bật lại thiết bị định vị của nó một thời gian sau đó.
Berger cho biết, rất có thể con tàu này tắt bộ định vị để tham gia vào một hoạt động nào đó có thể bị cấm. Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng cho rằng thiết bị này có thể bị tắt đi khi con tàu bị đe dọa hoặc gặp hải tặc.
Hơn một tháng sau khi biến mất, tín hiệu Hao Fan 6 xuất hiện trở lại ở Biển Hoa Đông, cách hàng trăm km từ lần cuối hoạt động. Sau đó, nó chạy quanh quẩn ở khu vực trong hơn hai tuần.
Đây có thể là một cách để Hao Fan 6 đánh lạc hướng điều tra khi phát hiện ra bản thân đang nằm trong tầm ngắm, theo chuyên gia Lopez. Ông nói rằng bản thân chưa nhìn thấy hải trình kỳ lạ như thế này trước đây.
Không còn nơi nào để đi, không có cảng nào để trở về và hải trình không có phương hướng rõ ràng, Hao Fan 6 giờ đây như một con tàu bị trôi dạt.