"Hao tiền tốn của", Thổ Nhĩ Kỳ hóa ra lại cho Nga "đi nhờ về đích"

"Hao tiền tốn của", Thổ Nhĩ Kỳ hóa ra lại cho Nga "đi nhờ về đích"

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 5, 04/02/2021 14:00

Thổ Nhĩ Kỳ tốn công tốn của để bước vào chiếm lĩnh vùng ảnh hưởng của Nga, nhưng sau cùng Moscow vẫn chứng tỏ mình là "thẩm phán" hàng đầu của khu vực.

Tiêu điểm - 'Hao tiền tốn của', Thổ Nhĩ Kỳ hóa ra lại cho Nga 'đi nhờ về đích'

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev.

Sự ra mắt của trung tâm giám sát lệnh ngừng bắn Nga-Thổ Nhĩ Kỳ ở Nagorno-Karabakh vừa qua đã đặt ra câu hỏi về kết quả cuộc đua tranh giành quyền lực ở Caucasus.

Có vẻ như sau những nỗ lực hậu thuẫn Azerbaijan để tiến vào khu vực ảnh hưởng của Nga ở Nam Caucasus, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã không đạt được mục đích. Trong khi Nga dù chậm chân hơn nhưng vẫn kiểm soát được tình hình, thậm chí còn tăng cường thêm quyền lực, theo Arab News.

Đòn bẩy hạn chế

Trung tâm giám sát chung Nga-Thổ bắt đầu hoạt động vào ngày 30/1, có nhiệm vụ giám sát lệnh ngừng bắn đạt được giữa Armenia và Azerbaijan vào tháng 11 năm ngoái sau sáu tuần giao tranh dữ dội.

Khoảng 120 quân nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga - không có chỉ huy chung - sẽ được triển khai tới làng Qiyamedinli ở quận Aghjabadi của Azerbaijan. Máy bay không người lái sẽ được sử dụng cho nhiệm vụ giám sát.

Nhận định với Arab News, Aydin Sezer, một chuyên gia về chính trị Nga tại Ankara, cho rằng việc đồng ý mở một trung tâm giám sát bên ngoài lãnh thổ Nagorno-Karabakh không đồng nghĩa với việc Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có đòn bẩy chính trị trong khu vực.

“Đó là một động thái khó hiểu. Ankara đã vô tình tạo cho Điện Kremlin một không gian mới để linh hoạt trong lãnh thổ Azerbaijan. Thổ Nhĩ Kỳ không được tham gia vào quá trình ra quyết định chính thức theo thỏa thuận ngừng bắn”, Sezer nêu quan điểm.

Chuyên gia này cho rằng, nếu muốn tăng cường hơn nữa ảnh hưởng, Ankara bất buộc phải bình thường hóa quan hệ với Armenia để trở thành một nhân tố tích cực trong địa chính trị ở Nam Caucasus.

Trong khi đó, các chuyên gia khác cho rằng trung tâm giám sát chung có thể là sự lặp lại các mô hình hợp tác trước đây giữa Ankara và Điện Kremlin, với những thách thức và khó khăn tương tự.

“Mặc dù có vẻ như trung tâm giám sát chung Thổ Nhĩ Kỳ-Nga sẽ không đóng vai trò trọng tâm ở Nagorno-Karabakh, nhưng nó tượng trưng cho thực tế rằng Nga cuối cùng đã chấp nhận Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác khu vực để giải quyết các xung đột ở Caucasus”, Emre Ersen, chuyên gia về quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ-Nga từ Đại học Marmara, nói với Arab News.

“Trong nhiều năm sau khi Liên Xô sụp đổ, Moscow đã rất miễn cưỡng chào đón vai trò tích cực hơn của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực”, ông nói thêm.

Tuy nhiên, Ersen cho biết đòn bẩy chính trị của Nga ở Caucasus đã tăng lên đáng kể sau thỏa thuận ngừng bắn, được chứng minh trong cuộc gặp mới nhất giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại Moscow.

“Việc nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không có mặt trong cuộc họp đó có thể được coi là một dấu hiệu cho thấy quyết tâm của Nga trong việc duy trì vị thế là tác nhân duy nhất thiết lập luật chơi ở Caucasus”, chuyên gia này nói thêm.

Nhưng Ersen lưu ý rằng Thổ Nhĩ Kỳ và Nga cũng có thể đang thực hiện mô hình đối thoại khu vực ở Caucasus sau khi khởi động các cơ chế tương tự ở Syria và Libya, nhằm hạn chế vai trò của phương Tây.

Ankara từ lâu đã chỉ trích Nhóm Minsk do Nga, Mỹ và Pháp dẫn đầu, vì đã không giải quyết được xung đột Nagorno-Karabakh thông qua hòa giải trong suốt hàng thập kỷ.

Nga vẫn chi phối

Tiêu điểm - 'Hao tiền tốn của', Thổ Nhĩ Kỳ hóa ra lại cho Nga 'đi nhờ về đích' (Hình 2).

Lính Nga ở Nagorno-Karabakh.

Rauf Mammadov, học giả thường trú tại Viện Trung Đông, nói rằng việc ra mắt trung tâm chung là một "thành công hạn chế" đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

“Bất chấp sự phản kháng của Moscow, Ankara đã cố gắng thiết lập sự hiện diện quân sự trong khu vực. Mặc dù trung tâm chung nằm bên ngoài Nagorno-Karabakh, nhưng Ankara đã đặt nền móng cho vai trò quyết đoán hơn trong tương lai bằng cách đụng độ đối thủ lịch sử là Moscow”, ông nói với Arab News.

Trung tâm chung này là một thỏa hiệp của Nga khi đối mặt với việc Thổ Nhĩ Kỳ đang giành được vai trò tích cực hơn trong giải quyết các vấn đề hậu chiến tranh ở khu vực.

“Bằng việc hợp tác với Ankara, Moscow thừa nhận ảnh hưởng ngày càng tăng của quốc gia này ở Nam Caucasus, đặc biệt là ở Azerbaijan. Nhưng đồng thời, bằng cách đặt trung tâm bên ngoài Nagorno-Karabakh, Điện Kremlin đang duy trì vai trò độc quyền như một thẩm phán hàng đầu trong giải quyết các vấn đề của các bên tham chiến ở Nagorno-Karabakh”, Mammadov nhận định.

Đồng tình với chuyên gia Sezer, Mammadov nói rằng điều cốt yếu là Thổ Nhĩ Kỳ cần bình thường hóa quan hệ với Armenia để đạt được vai trò nổi bật hơn trong khu vực.

Neil Hauer, một chuyên gia về xung đột Caucasus, nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ chỉ đạt được tiến bộ hạn chế trong các mục tiêu của mình, vì trung tâm giám sát ngừng bắn mới không liên quan đến thỏa thuận ba bên và không đưa ra quy định nào để Ankara tham gia vào các cuộc đàm phán trong tương lai.

“Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được một số tiến bộ trong các mục tiêu khu vực - giờ đây họ ít nhất cũng có một trung tâm chung với Nga để giám sát lệnh ngừng bắn - nhưng họ không đến gần hơn các cuộc đàm phán về Karabakh và quản lý tình trạng tại đây”, ông nói với Arab News.

Nhưng đối với Nga, trung tâm chung "chắc chắn là một thành công" của nước này.

“Thổ Nhĩ Kỳ luôn có thể mở một căn cứ ở Azerbaijan thông qua thỏa thuận song phương giữa Ankara và Baku, nhưng Nga hiện đã hiện diện quân sự ở cả hai bên đường liên lạc - cả ở phía Armenia và phía Azerbaijan”, Hauer nói.

“Điều này cho phép Nga kiểm soát cuộc xung đột thậm chí còn nhiều hơn cả khi 2.000 binh lính gìn giữ hòa bình tiến vào Karabakh. Kết quả là Nga hiện đang chi phối cuộc xung đột này hơn bao giờ hết”.

 
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.