Haqqani, cái gai trong mắt Mỹ

Haqqani, cái gai trong mắt Mỹ

Thứ 5, 27/12/2012 23:45

Trong chiến dịch mới truy quét al Qaeda tại biên giới Afganistan với sự hợp tác của Mỹ, chính phủ Pakistan không hề nhắc đến Haqqani, tổ chức dân quân bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố và muốn Pakistan hợp tác tiêu diệt nó.

Lý do, Haqqani là yếu tố gây bất ổn cho việc chuyển giao quyền lực của NATO tại Afghanistan, ngoài Taliban. Vậy Haqqani là ai?

Lời yêu cầu rơi vào... tai điếc

Tổng thống Mỹ B. Obama đã nhiều lần cảnh cáo Pakistan hãy chấm dứt các mối quan hệ với Haqqani (mạng lưới dân quân thân Taliban được huấn luyện tốt nhất đặt căn cứ tại khu vực bộ lạc dọc biên giới Afghanistan) và giúp tiêu diệt các thủ lĩnh của nó. Đô đốc Mike Mullen, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ trước khi về hưu khẳng định chính Cơ quan Tình báo Quân đội Pakistan (ISI) đã hậu thuẫn Haqqani tấn công sứ quán Mỹ tại Kabul (Afghanistan) vào tháng 9/2011. Nhưng Thủ tướng Yousuf Raza Gilani khẳng định Pakistan sẽ không đối đầu với Haqqani.

Thế giới - Haqqani, cái gai trong mắt Mỹ

Mỹ đã treo thưởng 200.000 USD cho ai bắt được Haqqani.

Trong cuộc thảo luận với người đồng cấp Pakistan, trung tướng Ahmed Shuja Pasha, giám đốc CIA David H. Petraeus cũng nêu ra vấn đề Haqqani. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Rodham Clinton nhấn mạnh sự nghiêm túc của phía Mỹ muốn có sự thay đổi tại Miranshah, trung tâm dân số chính của khu vực North Waziristan, nơi ban lãnh đạo Haqqani đặt căn cứ.

Khi các tư lệnh Mỹ tuyên bố đã đạt được tiến bộ trong cuộc chiến chống Taliban ở Afghanistan, tổ chức Haqqani đồng minh với chúng lập tức đánh đổ sự lạc quan này bằng cách quấy rối miền đông Afghanistan và đang trở thành mối đe dọa chính cho lực lượng Mỹ.

Tình báo Pakistan duy trì sự tiếp xúc chặt chẽ với Haqqani hiện do Sirajuddin Haqqani, con trai của Jalaluddin cầm đầu, bất chấp việc tổ chức này chống lại chính phủ Afghanistan.

Sự phát triển của mạng lưới Haqqani

Haqqani do Jalaluddin Haqqani thành lập để chống lại sự chiếm đóng của Liên Xô tại Afghanistan vào thập niên 1980 với sự trợ giúp của CIA và Pakistan. Từ căn cứ North Waziristan, ông ta đã tổ chức nhiều cuộc đột kích vào lực lượng Liên Xô khi Liên Xô còn chiếm đóng Afghanistan vào thập niên 1980.

Các quan chức Mỹ thừa nhận Haqqani là kho báu lúc đó của CIA. Đồng thời Jalaluddin cũng là một trong những chỉ huy được Cơ quan tình báo nội địa Pakistan (ISI) đánh giá cao. Lúc đó ISI có quyền quyết định chỉ huy nào sẽ nhận được bao nhiêu tiền và trang bị để chống Liên Xô.

Năm 2006, có thêm nhiều tổ chức dân quân địa phương được thành lập khắp South Waziristan và North Waziristan, biến cả một vùng lãnh thổ rộng lớn thành vô chính phủ. Hầu như không có quan chức chính phủ nào dám bén mảng đến đó. Một số nhóm xé rào ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ Pakistan. Số khác đối đầu và tổ chức nhiều cuộc tấn công vào cơ quan công quyền và dân thường tại các thành phố và thị trấn. Nhưng tất cả đều không có ảnh hưởng bằng Haqqani vì nó được ISI huấn luyện và nhận được nhiều trang bị, tiền bạc nhất của ISI.

Haqqani cũng biết cách xây dựng ảnh hưởng. Sirajuddin, con trai của Jalaluddin là nhà môi giới khôn ngoan trong việc thống nhất các thị tộc khác nhau của bộ lạc Ahmadzai Wazir ở Wana trong năm 2006. Rõ ràng Haqqani muốn mở rộng ảnh hưởng của mình và định hình một môi sinh dân quân mới tại Pakistan để chúng có thể thoải mái đi lại giữa các khu vực bộ lạc bán tự trị và những lãnh thổ khác ở Pakistan và Afghanistan.

Lê Tây Sơn

(Theo Foreign Policy, The Guardian, The Washington Post và India Times 8/2012)


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.