Người Bắc Giang đi đâu cũng tự hào vì không nơi nào có lối hát lạ tai này. Đặc biệt, đạo cụ duy nhất được sử dụng khi hát là chiếc ống tre mà người dân thôn Hậu, xã Liên Chun (Tân Yên, Bắc Giang) ưu ái gọi nó là chiếc máy đàm thoại cổ nhất thế giới.
Ông Nguyễn Vân Đài giới thiệu về hát ví ống với PV. Ảnh: Dương Thu
Từ quan niệm "nam nữ thụ thụ bất thân"
Cách TP. Bắc Giang chỉ chừng 15km theo hướng ngược Tân Yên, làng quê Liên Chung như tách biệt hẳn với nhịp sống ồn ào, náo nhiệt phố thị. Có lẽ, cuộc sống thuần nông cũng là cái nền căn bản để mảnh đất trung du này lưu giữ được hình thức hát giao duyên bằng ống tre rất độc đáo. Tiếp chuyện chúng tôi Phó chủ tịch UBND xã Dương Minh Hiểu đùa rằng: "Liên Chung chỉ có cuộc sống thuần nông và hát ví ống là đặc sắc. Cha ông xưa cũng vì gian khổ mà sáng tạo để động viên nhau vượt qua khó khăn trong cuộc sống".
Ở Bắc Giang, hỏi thăm về làn điệu giao duyên qua hình thức hát ống hầu như ai cũng biết. Về thôn Hậu hỏi đến cả các cụ cao niên trong làng cũng không nhớ được hát ví ống đã có tự bao giờ. Chỉ biết cha truyền con nối, bao thế hệ người làng lớn lên đã biết làm cái ống tre và giao duyên với nhau trong những ngày lễ hội đặc biệt của làng. Theo chân ông Ngô Văn Nguyên (SN 1966), cán bộ văn hóa xã, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Vân Đài (SN 1941), người được coi là "báu vật sống" của làng về nghệ thuật hát ví ống.
Ông Đài đón chúng tôi bằng ánh mắt biết nói và nụ cười hồn hậu đậm chất của một nông dân Bắc bộ. Ông cho biết: "Các cụ xưa cũng từ việc nông nhàn mà sáng tạo, hát ví von cho cuộc sống bớt phần tẻ nhạt. Con cháu sau này cứ truyền miệng nhau mà lưu giữ văn hóa dân gian trong mỗi nếp nhà". Hát ví là hình thức tiền thân của hát ống. Nét đặc sắc của hát ống so với hát ví nằm ở chiếc "máy đàm thoại" cổ nhất thế giới, đạo cụ duy nhất trong hình thức hát giao duyên này.
Ông Đài rất tự hào chia sẻ: "Nếu không có đôi bộ đàm bằng ống tre thì hát ví ống mất hẳn đi phần đặc sắc của nó. Người dân thôn Hậu vẫn ưu ái gọi đôi ống tre này là máy bộ đàm cổ nhất, vì nó được thiết kế khá đơn giản, thô sơ mà hiệu quả". Ông Đài mang từ trong buồng nhà ra đôi ống tre do ông tự tay thiết kế vào mùa hội cách đây một năm. Ông tỉ mỉ chỉ cho chúng tôi xem từng họa tiết nhỏ tạo nên bộ đàm thoại độc đáo này. Phần ống được chọn từ những cây tre già, thẳng. Ống dài chừng một gang tay người lớn, vừa tay cầm. Ống tre được bịt một đầu bằng lớp da ếch tươi. Ông Đài giải thích: "Da ếch làm mặt ống là tốt nhất, ngoài ra cũng có thể làm bằng chất liệu khác, nhưng giữ được âm thanh ấm và vang xa thì chỉ có da ếch. Sau khi mổ ếch, khéo léo lột lớp da và bọc kín một đầu ống, da ếch trong quá trình khô sẽ như một lớp keo tự dính chặt vào viền ống tre".
Khi hai chiếc ống đã được bọc xong một đầu, người ta sẽ xâu chỉ tơ vào hai đầu cây kim khâu và khéo léo xuyên một lỗ nhỏ chính giữa mặt ống. Lỗ chỉ phải được xuyên sao cho thẳng, vừa khít mặt của hai chiếc ống để giữ trọn vẹn âm thanh. Theo nguyên tắc truyền âm, khi người bên này cầm ống và hát vào trong ống, âm thanh sẽ đập vào mặt ống, mặt ống rung dẫn đến chiếc kim rung. Khi chiếc kim của ống bên này rung theo đường dây chỉ căng dài tác động lên cây kim ở ống đầu dây bên kia. Kim là thứ kim loại truyền âm thanh khá tốt sẽ tác động lại vào mặt ống và đẩy âm thanh đến tai người cầm ống bên kia. Cứ như vậy, người hát, người nghe, ống tre có thể truyền âm thanh cách xa hàng trăm mét. Bình thường, nếu giữ gìn cẩn thận thì chiếc "máy đàm thoại" thô sơ này có thể giữ được vài ba năm.
Ông Đài chia sẻ: "Hình thức hát ống như vậy, bản thân tôi cũng không biết tự bao giờ. Nhưng có lẽ theo quan niệm của các cụ xưa "nam nữ thụ thụ bất thân" nên các cụ sáng tạo ra chiếc ống để giữ khoảng cách giữa nam giới và nữ giới. Người ta làm quen nhau nhờ hát ví, chia sẻ với nhau những nhọc nhằn vất vả trong lao động bằng hát ví, giận nhau qua hát ví, và yêu nhau cũng từ hát ví mà nên".
Đến những mối lương duyên nhờ ví ống
Thường ở thôn Hậu, người dân vẫn giữ lối hát ví von trong cuộc sống lao động hàng ngày. Nhưng mỗi khi việc làng có lễ hội hay kỷ niệm, dân làng lại tấp nập sửa soạn quần áo, ống tre để cùng nhau hát giao duyên, nhất là những đôi nam thanh nữ tú. Bà Nguyễn Thị Vui (SN 1933) còn nhớ rất rõ: "Ngày tôi mười tám đôi mươi, vẫn hay theo đám trai gái trong làng ra đình cầm ống hát giao duyên. Ngày đó vui lắm! Nam một bên, nữ một bên, chúng tôi hát đối đáp thi với nhau theo cả nhóm. Rồi từ nhóm ấy, khi cảm thấy đối phương có phần thiện cảm thì hai người có thể tách nhau ra hát giao duyên từng cặp. Tôi và ông nhà tôi ngày đó cũng nhờ hát ống giao duyên mà nên vợ nên chồng".
Kể đến đây, ánh mắt bà Vui sáng lên như đang tự cho mình trở về cái thời xa xưa ấy. Bà Vui nhớ lại: "Nhà tôi và nhà ông ấy cách nhau một cái ao làng chừng mấy chục mét. Thường thì con gái như tôi ngày ấy không được đi ra đường chơi tự do vào buổi tối như bây giờ. Lệ làng rất khắt khe. Nam nữ thụ thụ bất thân mà nếu có ai đó nhìn thấy mình đi với một người trai làng, không cần biết lý do, sáng hôm sau tên mình và tên gia đình sẽ được nhắc từ đầu làng cho đến cuối làng với ngụ ý phê phán. Bởi thế, ông nhà tôi lúc đó khá tinh nghịch, đã nghĩ ra cách luồn ống tre bắc qua bờ ao. Ống được luồn qua cửa sổ bếp của hai nhà nhìn qua ao. Cứ như vậy, mỗi tối chúng tôi trò chuyện tâm sự với nhau.
Đến đúng cái hôm ông ấy hẹn: "Tối nay em ăn cơm sớm, xuống bếp cầm ống tre, anh có chuyện quan trọng muốn nói" thì trời đổ mưa rả rích kéo sang cả hai ngày hôm sau. Trời mưa, dây hỏng, hai ống rời nhau không còn sợi dây liên hệ. Chuyện quan trọng ngày ấy, tôi chẳng bao giờ được nghe nữa. Nhưng chừng nửa tháng sau thì cha mẹ ông ấy sang nhà tôi nói chuyện muốn xin hỏi cưới tôi cho con trai họ. Được cái gia đình hai bên đều không có hiềm khích gì với nhau nên sau đó thời gian không lâu chúng tôi đã thành vợ thành chồng".
Được biết, ở thời đại của bà Vui, ông Đài sinh sống, nhiều cặp vợ chồng đã được xe duyên nhờ hình thức hát ống giao duyên mỗi dịp hội làng. Nhiều năm chiến tranh sau đó, hình thức hát ví, hát ống nay đã có phần bị mai một.
Hát ví ống dần mai một Ông Dương Minh Hiểu, phó chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết: "Trong một thời gian dài do điều kiện kinh tế khó khăn, hình thức hát ví, hát ống đã bị mai một. Những người thông thạo như ông Đài, bà Vui không còn nhiều. Chính quyền địa phương luôn tạo mọi điều kiện và có các chính sách phù hợp để thúc đẩy khôi phục hình thức sinh hoạt văn hóa độc đáo này". |
Thu Dương