Dường như tâm lý "sính ngoại" đã ăn sâu vào nhiều người đến mức họ cho rằng, cái gì ở nước ngoài cũng là… nhất. Thế nên, nhiều người cứ mắc bệnh là phải sang các nước phát triển để chữa trị. Nhiều người chấp nhận chi phí cao khi "xuất ngoại" cũng một phần là sợ cảnh nằm điều trị chật chội, thủ tục rườm rà ở một số bệnh viện trong nước hiện nay...
Xuất ngoại chữa bệnh, ôm nợ
"Có bệnh thì vái tứ phương" và một trong những "phương thuốc" mà những người mắc bệnh hiểm nghèo tìm đến là các bệnh viện ở nước ngoài để mong chữa khỏi hoặc chí ít cũng kéo dài sự sống. Nhiều người cho biết, đi chữa bệnh ở các nước châu Á là chuyện "xưa như diễm", bây giờ, đi nước ngoài chữa bệnh phải đi Tây, tức là phải sang các nước châu Âu, đi Mỹ mới... sành điệu.
Chị Lê Mai (ngõ 23, Chiến Thắng, Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Năm vừa rồi, bố tôi bị đau ruột thừa, mấy anh em bàn với nhau là phải đưa bố sang Mỹ mổ cho đảm bảo, chứ ở các bệnh viện tại Việt Nam rất chật chội, thủ tục lại rườm rà. Tôi sợ nhất là cảnh đêm hôm phải ngồi ngoài hành lang bệnh viện, vừa nhiều muỗi, vừa lạnh, người nhà chiều bác sỹ như "chiều vong" mà vẫn thấy bực. Ở nước ngoài, khâu chăm sóc bệnh nhân hơn hẳn Việt Nam nên chúng tôi đã đồng ý đưa bố đi chữa bệnh, nếu khỏi ngay, thì cho bố đi du lịch luôn. Suốt thời gian mổ và hậu phẫu, gia đình không phải làm bất cứ chuyện gì, ngoài nộp tiền. Các khâu từ tắm, vệ sinh cho đến ăn uống..., họ phục vụ rất chu đáo, phòng bệnh rộng hơn phòng ở resort, trang thiết bị đầy đủ...".
Nhiều bệnh viện trong nước có đội ngũ y bác sỹ tay nghề cao và hệ thống trang thiết bị hiện đại không kém nước ngoài
Chị Mai cho biết thêm, tâm lý của gia đình khi đi chữa bệnh là tin tưởng hoàn toàn vào bác sỹ, họ nói chữa phương pháp nào, tốn kém bao nhiêu, anh em chị đều chấp nhận hết. Ca phẫu thuật đó, gia đình đã tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng cho hai tuần chữa trị ở Mỹ. Tuy con cái cũng là những người có điều kiện nhưng với số tiền quá lớn như vậy nên khi ông Nam (bố chị Mai) chưa thực sự "ổn", con cái đã đưa về nước ngay.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, một ca đau ruột thừa ở Việt Nam, gia đình bệnh nhân chỉ cần chi phí từ 5 - 10 triệu đồng là có thể an tâm cho sức khỏe người thân của mình. Tuy nhiên, tâm lý "sính ngoại" đã tiêu tốn của gia đình chị Mai quá nhiều, trong khi các bệnh viện ở Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được ca bệnh đó.
Với suy nghĩ, nếu chẳng may bị bệnh thì đưa người thân đến những nơi có nền y học phát triển là điều đáng làm. Tuy nhiên, nhiều gia đình tuy không khá giả gì, vẫn muốn đưa người thân đi Tây chữa bệnh là điều đáng phải bàn. Chị Hạnh (công ty cổ phần Đại Nam, Hà Nội) cho biết: "Gần nhà chị có gia đình anh Lân, hai vợ chồng là công chức bình thường. Khi cậu con trai bị viêm tiết niệu, hai vợ chồng đã "quyết tâm" đưa con sang Pháp để chữa bệnh, vì có cô em chồng đang làm công nhân bên đó. Trước khi đi, hai vợ chồng anh Lân phải vay họ hàng, anh em mới đủ tiền...". Chị Hạnh cho biết thêm, những bệnh hiểm nghèo không chữa được ở Việt Nam đã đành, đằng này, không ít người xuất cảnh chỉ để nhổ cái răng, cắt bao quy đầu cho con trai... là không cần thiết, lãng phí. Thậm chí, nhiều người đã sử dụng ngày nghỉ cuối tuần để sang Mỹ lấy… cao răng!?.
Nhiều người cho biết, sang Tây chữa bệnh, trở ngại lớn nhất của họ là ngôn ngữ. Vì thế, trước khi đưa người thân sang nước ngoài chữa bệnh, nhiều người đã phải "cõng" thêm một phiên dịch viên cho yên tâm, nên chi phí chữa bệnh càng tăng. Giá cả chữa bệnh cũng là một điều đáng bàn, bởi chi phí khám chữa bệnh ở nước ngoài cao hơn gấp nhiều lần so với ở Việt Nam. Chuyên gia của một công ty chuyên đưa bệnh nhân ra nước ngoài điều trị cho biết: "Nếu có người nhà biết tiếng Anh thì nên vào các website của bệnh viện mình muốn đến điều trị, xem kỹ bảng giá, lường trước khả năng chi trả để tránh bị sốc".
Theo chuyên gia này, giá dịch vụ y tế ở Việt Nam hiện quá rẻ, trong khi ở nước ngoài, chi phí điều trị cho một bệnh nhân (ung thư, ghép tạng...) có thể lên tới hàng tỉ đồng. Thậm chí, tại Pháp, một ca ghép tạng cho bệnh nhân người lớn có thể phải chi trả tới 2,5 tỷ đồng - một số tiền lớn không phải người Việt Nam nào cũng có điều kiện bỏ ra.
Bác sỹ cũng đưa người thân ra... nước ngoài chữa bệnh
Theo tìm hiểu của PV, không chỉ người dân bình thường mới đưa người nhà sang Tây chữa bệnh mà nhiều bác sỹ cũng đưa người thân của mình đi nước ngoài chữa bệnh. Nhiều người có điều kiện về kinh tế và họ muốn được phục vụ một cách tốt nhất chứ không chỉ đơn thuần cần kỹ thuật cao. Chính vì vậy, có rất nhiều kỹ thuật đơn giản trong nước làm tốt nhưng người ta vẫn ra nước ngoài.
Bác sỹ Mai Hà (bệnh viện Việt - Đức) cho biết, tuy làm việc ở một cơ sở y tế hàng đầu và khá tin tưởng ở tay nghề đồng nghiệp nhưng chị đã vài lần đưa người nhà ra nước ngoài chữa bệnh, đơn giản vì với cơ sở hạ tầng, thiết bị hiện đại, sang trọng, cách phục vụ tận tình, bệnh nhân cảm thấy mình đúng là "thượng đế". Mặt khác, do không quá tải như ở bệnh viện Việt Nam nên nguy cơ nhầm lẫn trong chẩn đoán và điều trị thấp hơn nhiều.
Nhiều người sợ cảnh "vật vờ" tại bệnh viện ở Việt Nam
Bác sỹ Nguyễn Hữu Mạnh (trung tâm Khám chữa bệnh Gia Đình, Hà Nội) cũng từng đưa người nhà sang nước Anh để phẫu thuật điều trị ung thư. Phòng khám của ông có dịch vụ giới thiệu bệnh nhân sang nước ngoài chữa bệnh. Ông Mạnh cho biết, ngoài ung thư, bệnh nhân tim mạch cũng hay ra nước ngoài điều trị. Phần lớn các kỹ thuật điều trị tim mạch hiện đại nhất đều đã có ở Việt Nam nhưng chuyên khoa này luôn quá tải. Nhiều bệnh nhân sẽ không thể sống cho đến khi được xếp lịch mổ nên xuất cảnh là phải pháp tốt nhất, nếu có đủ tiền.
Các chuyên gia y tế cũng cho rằng, xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh phản ánh sự phát triển về kinh tế ở Việt Nam; nó giúp cho những người mắc trọng bệnh có nhiều hy vọng được cứu sống và góp phần giảm tải cho những chuyên khoa chuyên sâu như ung thư, tim mạch... Tuy nhiên, xu hướng này đang "quá tải", nghĩa là nhiều trường hợp không cần thiết, bệnh nhẹ ở Việt Nam chữa khỏi cũng đi nước ngoài chữa trị dù phải vay mượn, gây lãng phí cho gia đình.
Điểm nổi bật tại các bệnh viện nước ngoài là mọi dịch vụ đều minh bạch. Anh Thanh Quang (phố Đặng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội) cho biết: "Năm ngoái, tôi đua vợ sang nước Đức chữa ung thư vú. Do có biết tiếng Đức nên tôi có thể giao tiếp được với các bác sỹ và nắm được bệnh tình của vợ rất chi tiết. Ở bên Đức, các thủ tục hành chính nhanh và chính xác nên dù chi phí đắt đỏ hơn nhưng gia đình tôi cũng rất hài lòng".
Tuy nhiên, Giáo sư Phạm Duy Hiển (Phó giám đốc bệnh viện K) cho rằng: "Với nhiều loại bệnh ung thư như dạ dày, vú, đại tràng và các bệnh thông thường… chất lượng điều trị của Việt Nam không thua kém gì các nước khác. Kỹ thuật chữa ung thư vú của Việt Nam thậm chí còn tốt hơn các nước Đông Nam Á khác, do đã có sự hợp tác chuyên môn rất sớm với Mỹ, cường quốc về điều trị bệnh này. Vì vậy, người dân không nên nghĩ rằng, cứ có bệnh là phải đi Tây chữa mới tốt. Khi mắc các bệnh vừa kể, nếu không dồi dào về kinh tế thì nên điều trị trong nước".
Mỗi năm, người Việt tiêu tốn 1 tỷ USD ra nước ngoài chữa bệnh Theo thống kê của bộ Y tế, mỗi năm nước ta có khoảng 30.000 người ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn khoảng 1 tỷ USD. Điều đáng bàn là, nhiều người mắc các bệnh thông thường, đội ngũ y bác sỹ và trang thiết bị ở Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhưng vẫn chấp nhận bỏ ra rất nhiều tiền để đi nước ngoài chữa trị… |
Lạc Thành
Với chiết xuất từ 9 loại thảo mộc quý: Kim ngân hoa giúp thanh can hóa, mát gan, tiêu độc – Hoa mộc miên tiết nhiệt, thanh mát – Sứ đỏ có vị ngọt tính bình – Sương sáo trong mát, ngọt lành – Cúc vàng thanh nhiệt giải độc – Bung lai giải trừ các tác nhân gây nhiệt – Kim ngân kháng khuẩn, giải độc, thanh sạch – Cam thảo ôn trung, hạ nhiệt – La hán quả giải khát sảng khoái, trà thảo mộc Dr Thanh mang đến giải pháp thanh lọc cơ thể, không lo bị nóng. |