"Hạt mầm" của văn hóa từ chức và nạn "ăn của dân không từ thứ gì"

"Hạt mầm" của văn hóa từ chức và nạn "ăn của dân không từ thứ gì"

Nguyễn Thị Hương Lan

Nguyễn Thị Hương Lan

Thứ 3, 21/11/2017 06:48

Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến văn hóa từ chức nhưng rất tiếc người vì trọng danh dự mà từ nhiệm để giao trọng trách cho người xứng đáng hơn mình vẫn còn hi hữu lắm và giờ đã có 2 "hạt mầm"...

Mấy ngày qua, chuyện ông Phạm Văn Tốt, Chủ tịch UBND xã Thắng Thủy (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) và ông Nguyễn Văn Khoa, 51 tuổi, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) làm đơn xin từ chức đã trở thành tâm điểm dư luận.

Trả lời báo chí, ông Khoa nói rằng: “Thấy mình làm không được, cọ xát với công việc thấy không phù hợp, không đáp ứng được sự kỳ vọng của dân nên thôi, xin nghỉ”. Ông Khoa xin từ chức vì muốn dành cơ hội cho những người có năng lực hơn mình chứ không có chuyện “hạ cánh an toàn” như nhiều người vẫn hồ nghi. 

Hành động của ông Khoa cũng như ông Tốt đã nhận được sự ủng hộ, trân trọng của dư luận và nhiều người gọi đó là “hạt mầm” của văn hóa từ chức. Bởi lâu nay, chúng ta nói nhiều đến văn hóa từ chức nhưng rất tiếc, người vì trọng danh dự mà từ nhiệm để giao trọng trách cho người xứng đáng hơn mình vẫn còn hi hữu lắm. Nói như TS.Nguyễn Sỹ Dũng: "Văn hóa từ chức- nếu có- sẽ tạo ra sự hợp lý tối đa trong xã hội. Nó giúp chúng ta đặt những người tài giỏi, có trình độ vào đúng vị trí dễ dàng hơn. Nó cũng giúp thay thế những người ngồi ''nhầm ghế'' nhẹ nhàng và nhân bản hơn". 

Xi nhan Trái Phải - 'Hạt mầm' của văn hóa từ chức và nạn 'ăn của dân không từ thứ gì'

Ảnh minh họa.

Việc ông Tốt, ông Khoa xin từ chức khiến nhiều người ngậm ngùi nghĩ đến thực tế nhức nhối nhiều người bị nói toạc ra là sử dụng bằng giả, thiếu năng lực trong công việc vẫn đang tại vị. Một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất bằng mọi cách dùng bằng giả để cố giữ "ghế', mưu lợi cá nhân. Thậm chí, ngay ở Hà Nội có vị cán bộ xã sử dụng bằng giả hàng chục năm ròng mà cơ quan quản lý cũng không hề hay biết.

Không có thực tài mà tham quyền, cố vị là điều đáng lên án. Không có thực tài mà sử dụng bằng giả để giữ "ghế” là mang tội với dân. Những con người đó sẽ khiến guồng máy bị lệch nhịp, trì trệ, không thể thúc đẩy xã hội phát triển.

Đâu chỉ có chuyện dùng bằng giả, một vấn đề nhức nhối hiện nay đó là việc nhiều cán bộ “ăn chặn của dân không từ thứ gì”. Điển hình, câu chuyện nhức nhối lại vừa xảy ra tại Thanh Hóa, sau mưa lũ, số tiền hàng cứu trợ lại “nhầm đường, lạc lối” vào nhà cán bộ. Điều đáng nói, trong khi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, neo đơn lại chỉ nhận được vài ba gói mì, ít cân gạo thì hàng loạt gia đình cán bộ có điều kiện kinh tế khá giả lại được nhận quà có giá trị cao.

Chuyện nhập nhèm trong việc nhận tiền, hàng cứu trợ hoặc hỗ trợ người nghèo thời gian qua không hiếm. Khi sự việc vỡ lở, lỗi không phải ở cán bộ thôn, cán bộ xã mà chỉ tại đàn gà u mê, đàn dê lạc lối và những gói mì tôm đi nhầm đường mà thôi…

Từ câu chuyện của ông Tốt, ông Khoa mới hay cần lên án mạnh mẽ, thanh lọc nhiều cán bộ địa phương, những người gần dân nhất nhưng lại “ăn của dân không từ thứ gì” và khởi xướng văn hóa từ chức để những ai thấy mình tài hèn, đức mọn tự nguyện nhường chỗ cho bậc hiền tài.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Ngân Giang

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.