Đừng dễ dài với nghề
Liên quan đến quy định “ca sĩ có thể sử dụng bản ghi âm thay giọng thật” có hiệu lực từ 1/2/2021, ca sĩ Lương Gia Huy bày tỏ quan điểm: “Nếu cho phép sử dụng bản ghi âm, tôi nghĩ, chỉ nên cho phép trong những chương trình thật sự cần hay bắt buộc phải dùng, như truyền hình cần sóng sạch hay truyền hình trực tiếp.
Còn đã là ca sĩ chuyên nghiệp, đi hát nhận lương từ khán giả nên cống hiến bằng hát thật chứ đừng hát nhép. Bởi, đây là hình thức lừa dối khán giả, chẳng khác gì bán hàng fake (hàng nhái), trong khi, khách hàng đến với mình là muốn mua hàng xịn, hàng thật. Vì “bảo chứng” tên tuổi của nghệ sĩ nên khán giả mới mua vé đến xem. Nên, nghệ sĩ cũng đừng dễ dãi với chính mình và với nghề”.
“Ông vua nhạc sàn” cũng nhìn nhận: “Tôi thấy, ngày nay, muốn trở thành ca sĩ, nó nhanh và dễ dàng quá. Ai cũng lên mạng cover hay thu âm một vài bài hát, rồi tự xưng tôi là ca sĩ, ngang bằng với những người học hành bài bản, đi hát bao năm. Thật không công bằng. Làm ca sĩ, nghệ sĩ dễ thế thì đơn giản quá”.
"Đất diễn" cho người thiếu ý thức, sống dễ dãi và lơ là với nghề
Bàn về vấn nóng này, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bày tỏ: “Tôi nghĩ, đúng là “không có ca sĩ nào suốt ngày thích hát nhép”. Thế nhưng, điều đó chỉ đúng với ca sĩ thật sự, có lòng đam mê, yêu nghề và lòng tự trọng với danh xưng của mình. Còn không đúng với những người nghĩ mình là nghệ sĩ biểu diễn”.
Tác giả “Nhật ký của mẹ” thẳng thắn cho rằng: “Việc bỏ đi quy định cấm sử dụng bản ghi âm để biểu diễn, không làm phát huy tính sáng tạo của văn nghệ sĩ, mà là tạo điều kiện để những người thiếu ý thức, sống dễ dãi và lơ là với nghề của mình. Bởi, không ít người sẽ có suy nghĩ: "Kệ! Họ hát nhép được, mình cũng hát nhép được, tội gì phải tập hát cho cực, tội gì phải hát thật cho tốn hơi, để sức nhận thêm nhiều show! Và, thực tế đã chứng minh, vẫn có khá nhiều ca sĩ hát nhép, nhưng vẫn được đông đảo khán giả yêu thích và có được nhiều show, thậm chí rất nhiều show”.
Cuối cùng, nam nhạc sĩ đặt câu hỏi: “Nếu hôm nay có thể "bỏ quy định cấm hát nhép" vì ca sĩ tự ý thức và chịu trách nhiệm trước công chúng, thì ngày mai có thể là "bỏ quy định ăn mặc trang phục lố lăng phản cảm" vì ca sĩ cũng tự ý thức và chịu trách nhiệm trước công chúng! Nếu những người quản lý nghệ thuật mà lại phó mặc mọi hành vi biểu diễn cho sự tự ý thức của nghệ sĩ và trông đợi vào sự tẩy chay của công chúng, thì vai trò của người quản lý nghệ thuật liệu có còn cần thiết hay không?”.
Lạm dụng hát nhép sớm muộn cũng bị “đào thải”
Là ca sĩ có nhiều năm gắn bó với nghiệp cầm ca, ca sĩ Đoan Trường cho rằng: “Lâu nay, hát nhép vẫn tồn tại với hai hình thức: chủ động và bị động. Bị động là ca sĩ chủ động xin hát nhép vì những lý do khách quan, bất khả kháng như: bị ốm, mất giọng hoặc không có thực lực nhưng vẫn muốn đi hát. Còn chủ động, với một số chương trình truyền hình trực tiếp, vẫn có thể áp dụng hình thức hát nhép để chất lượng âm thanh truyền tải tốt hơn.
Mấy chục năm gắn bó với nghiệp cầm ca, nhưng Đoan Trường khẳng định, anh chưa bao giờ hát nhép. “Tôi đi hát từ thập niên 80, khi ấy chưa có băng đĩa gì, buộc lòng phải hát với ban nhạc, hát live và phải tập rất kỹ trước khi lên sân khấu. Điều đó hình thành cho tôi thói quen, dù tham gia chương trình nào, tôi cũng đề nghị được hát live”, nam ca sĩ nói.
Theo giọng ca sinh năm 1979, việc bỏ quy định cấm hát nhép dễ nảy sinh tình trạng “vàng thau lẫn lộn”. Nhưng, suy cho cùng, ý thức làm nghề là điều kiện tiên quyết để ca sĩ có được “chỗ đứng” trong nghề và được khán giả yêu mến. “Với những ca sĩ có thực lực, hát live tốt, họ vẫn giữ thói quen đó. Còn với những người ham nổi, thiếu ý thức, không có bản lĩnh, họ chọn cách dễ dàng là hát nhép. Chúng ta cũng không thể trách họ được. Tuy nhiên, ý thức làm nghề sẽ quyết định sự thành bại của từng nghệ sĩ. Nếu không có thực lực, cứ lạm dụng hát nhép thì sớm muộn gì cũng bị “đào thải”.