Chạy đua khắc phục hậu quả
Những ngày này, lực lượng chức năng cùng người dân địa phương các phường Cửa Đại, Cẩm An, TP.Hội An, tỉnh Quảng Nam hối hả dọn dẹp đống đổ nát dọc bờ biển. Ai cũng cố gắng vớt vát lại những gì có thể sau bão số 13.
“Nhìn nhà cửa, hàng quán, của cải sạt lở trôi ra biển hết mà xót quá. Cứ chạy vội chạy vàng đặng được gì hay nấy vậy chứ còn gì nữa đâu”, ông Lý Văn Huê, trú phường Cẩm An buông tiếng thở dài.
Tình cảnh ông Huê là chung của cả trăm hàng quán, lều trại dọc theo bãi biển thuộc 2 phường Cửa Đại, Cẩm An. Mưa bão triền miên đã khiến bãi biển này bị xói lở, biển xâm thực ăn mòn đến trầm trọng.
Bất chấp mọi nỗ lực cứu biển, cứ mỗi độ mưa đến là sạt lở càng trầm trọng. Còn bão về thì chẳng thể nào diễn tả hết tai ương.
Đỡ hơn Quảng Nam, TP. Đà Nẵng sáng 17/11, người dân đã bắt tay vào sản xuất kinh doanh.
Trận bão vừa rồi khiến đoạn kè chắn sông Hàn bị sóng đánh vỡ tan tành. Nước sông Hàn lần đầu tiên trong lịch sử dâng cao tràn vào phố phường. Sau bão, nước rút nhanh, chính quyền và người dân dọn dẹp cát đá, gia cố vỉa hè.
Nặng nề hơn 2 địa phương láng giềng, tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị chịu nhiều thiệt hại do là tâm bão. Theo thống kê của UBND tỉnh Quảng Bình, bão số 13 đã khiến 8 người bị thương khi tham gia gia cố, chằng chống nhà cửa, cơ quan công sở.
Đặc biệt, sức gió rất mạnh của cơn bão đã khiến 231 ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng nặng. Tại các khu neo đậu tàu cá có 6.711 tàu cá trong và ngoài tỉnh cùng 8 tàu vận tải vào neo đậu, tránh trú.
Tuy vậy, cơn bão vẫn khiến 3 tàu cá có công suất lớn bị chìm, thủng mạn tàu và hư hỏng nặng. Ngoài ra, nhiều tuyến đê, kè chắn sóng tại các xã biển đều bị sóng biển đánh vỡ, thiệt hại nặng.
Sau bão, nhiều mối lo hơn
“Trước đây, cứ độ mưa bão tan là người ta dọn dẹp, khắc phục xong thì thôi. Nhưng nay, bão xong rồi còn chưa yên. Đủ thứ hệ lụy phía sau cần phải chú ý nếu không muốn phải trả giá”, KTS Hồ Duy Diệm, nguyên Chủ tịch hội Quy hoạch TP.Đà Nẵng trăn trở.
Theo ông Diệm, chẳng đâu xa đó là vấn đề lần đầu tiên trong lịch sử nước sông Hàn dâng cao tràn cả vào phố phường. Đây không chỉ là vấn đề mưa bão lớn, triều cường mạnh mà bản chất là vì sự tác động của con người đến tự nhiên quá lớn.
“Bờ Đông sông Hàn mọc lên dự án lấn sông lớn. Người ta đắp đất ra tạo thành mỏ neo ngay vịnh Đà Nẵng khiến dòng nước thay đổi hướng. Quy luật tự nhiên là dòng nước sẽ sang bờ Tây.
Đây chính là nguyên nhân gây nên hiện tượng tràn nước sông Hàn, xói lở vỉa hè, bong toác lan can. Lâu dần hậu quả còn khủng khiếp hơn. Cần phải trả lại cho sông Hàn dòng chảy tự nhiên, ngưng các dự án lấn sông”, vị chuyên gia đề nghị.
Mối lo mà KTS Hồ Duy Diệm nói có thể đến nhanh hoặc chậm tùy thuộc và biến thiên của thời tiết và cả các xử lý của con người. Còn với các huyện miền núi Quảng Nam những mối lo sau mưa bão đã hiện diện một cách đớn đau, tang thương. Nhưng chắc chắn, nó sẽ không dừng lại.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam sau bão số 9, 10 vừa qua, nhiều vụ sạt lở kinh hoàng đã xảy ra trên địa bàn các huyện miền núi Bắc Trà My, Nam Trà My, Phước Sơn khiến nhiều người chết, mất tích, bị thương.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, những sự việc xảy ra là bài học đau lòng mà địa phương cần khắc phục.
Trong bão số 13, chính quyền đã rà soát và di tản 93 vị trí thôn, bản, khu, cụm dân cư, điểm trường, trạm y tế… có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, tập trung ở các huyện miền núi như Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang…
Trong khoảng 24.000 hộ dân tương đương 72.000 người, để phòng tránh bão số 13 thì có đến 13.000 người thuộc diện sơ tán tránh sạt lở ở các huyện miền núi. Đặc biệt, huyện Nam Trà My sơ tán hơn 6.000 dân.
Trong khi đó, một lãnh đạo huyện Nam Trà My cho biết, sau bão số 13, địa phương tiếp tục khôi phục hoạt động tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở các vụ sạt lở đất trước đó. Cùng với đó, chuyện vực dậy sau bão của huyện miền núi cũng vô cùng gian nan.
Chính quyền phải vận động người dân không về lại các địa điểm sơ tán do nghi sạt lở và tìm chốn an cư mới cho người dân gặp nạn.
“Sau bão càng phải thận trọng hơn nữa. Hiện, chính quyền Nam Trà My bố trí cho người dân vùng sạt lở, nghi sạt lở ở lại trong các khu nhà quân đội kiên cố, vận động người dân chưa về nhà. Chính quyền cũng đang xây dựng khu nhà tạm mới cho người dân tá túc nay mai.
Về lâu dài, địa phương sẽ kiến nghị nguồn kinh phí và cả xã hội hóa trong việc xây dựng nhà ở cho người dân. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc mời chuyên gia địa chất khảo sát tìm vị trí an toàn”, ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói.