Tan hoang sau bão
Quảng Ninh, một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã ghi nhận thiệt hại lớn. Từ Hạ Long đến Vân Đồn, cảnh vật chìm trong đổ nát. Cung Quy hoạch hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh bị hư hại nặng. Tại Bảo tàng Quảng Ninh, cảnh tượng hoang tàn hiện rõ, những mảnh kính vỡ văng khắp nơi, cửa ra vào bị hư hại, còn hệ thống đèn LED không còn hoạt động. Ước tính thiệt hại của cả 2 địa điểm trên lên tới 70 tỷ đồng.
Đặc biệt, hàng loạt du thuyền tại Hạ Long bị hư hại, với chi phí sửa chữa ước tính lên tới hàng tỷ đồng.
Tại Ninh Bình, Ban quản lý Khu du lịch sinh thái Tràng An đã quyết định dừng bán vé tham quan từ ngày 6/9 để đảm bảo an toàn cho du khách. Những khách đã đặt vé online trong khoảng thời gian này sẽ được kéo dài hạn sử dụng. Khu du lịch sẽ mở cửa trở lại khi thời tiết thuận lợi.
Hải Phòng cũng đang khẩn trương khắc phục hậu quả từ cơn bão. Các tuyến phố trung tâm ngổn ngang cây xanh và cột điện đổ gãy.
Chia sẻ với Người Đưa Tin, đại diện Công ty TNHH VP Travel cho biết tình hình du lịch ở Hải Phòng hiện cũng đang khó khăn.
"Sau cơn bão Yagi, nhiều điểm du lịch và cơ sở hạ tầng ở Hải Phòng đã bị ảnh hưởng. Chúng tôi đã phải tạm dừng tất cả các tour du lịch ở khu vực miền Bắc để đảm bảo an toàn cho du khách và nhân viên.
Hiện chính quyền địa phương đang quyết tâm đồng hành cùng với các doanh nghiệp lữ hành tập trung khắc phục hậu quả bão Yagi, kích cầu hoạt động du lịch sớm trở lại bình thường", bà Vũ Thị Thùy Linh - Giám đốc Công ty TNHH VP Travel nói.
Tại quốc lộ 4D dẫn từ TP. Lào Cai đến thị xã Sa Pa bị ngập sâu và sạt lở, làm gián đoạn giao thông. Ngày 8/9, UBND thị xã Sa Pa đã thông báo dừng mọi hoạt động du lịch ngoài trời cho đến khi có thông báo mới. Khu du lịch Cát Cát cũng ghi nhận tình trạng sạt lở nghiêm trọng, và các hoạt động đã bị ngừng từ ngày 8/9.
Mù Cang Chải, nơi nổi tiếng với ruộng bậc thang, cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của bão. Mặc dù mưa lớn và sạt lở đã gây ách tắc giao thông, nhưng các thửa ruộng bậc thang hầu như không bị thiệt hại đáng kể. Các cơ quan chức năng đã nhanh chóng khắc phục các tuyến đường để đảm bảo giao thông cho người dân và du khách.
Tại Hà Giang, nhiều tuyến đường đến các điểm du lịch đã bị gián đoạn do sạt lở như đường đến cột cờ Lũng Cú (huyện Đồng Văn), ngập úng ở Lũng Hồ (huyện Yên Minh) hay xã Pả Vi (huyện Mèo Vạc).
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh khuyến cáo người dân và du khách không nên đi lại ở các khu vực có nguy cơ sạt lở và lũ quét. Đặc biệt, du khách được cảnh báo không tham gia các hoạt động không an toàn như tắm thác hay tham gia du thuyền lòng hồ thủy điện.
Tại thủ đô Hà Nội, bão mạnh đã làm nhiều cây xanh gãy đổ, trong đó có những cây cổ thụ nổi tiếng với khách du lịch. Một số con đường đẹp trở nên hoang tàn sau bão. Nhiều doanh nghiệp lữ hành đã phải thay đổi lịch trình tour cho hành khách.
Ông Nguyễn Văn Giáp - Giám đốc Công ty TNHH phát triển du lịch Johns Tours Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về việc các điểm du lịch nổi tiếng ở miền Bắc đang bị "tê liệt".
"Các điểm đến như Hạ Long và Sa Pa, Hà Giang,... và một số điểm du lịch khác tại miền Bắc đang gặp phải tình trạng tê liệt do lũ lụt và sạt lở. Tôi hiểu rằng việc tạm dừng hoạt động sẽ ảnh hưởng đến ngành du lịch và các doanh nghiệp lữ hành, nhưng trong tình huống khẩn cấp như thế này, sự an toàn phải được đặt lên hàng đầu.
Trước đó, được ngành chức năng thông tin cơn bão số 3 sẽ đổ bộ, chúng tôi đã nhanh chóng điều chỉnh lịch trình tour và thông báo cho khách hàng về tình hình hiện tại. Hy vọng rằng, khi miền Bắc khắc phục được hậu quả thiên tai, ngành du lịch sẽ trở lại và phát triển mạnh mẽ hơn", ông Giáp chia sẻ.
Tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian báo động lũ
Trước tình hình nghiêm trọng này, vừa qua Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ thông báo tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian báo động lũ.
Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục kiểm tra, rà soát, có phương án bảo vệ các thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch và cơ sở vật chất do đơn vị quản lý; tạm dừng các hoạt động vui chơi, giải trí, du lịch trong thời gian báo động lũ.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên thông tin kịp thời và báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tình hình ứng phó với lũ, thiệt hại xảy ra trên lĩnh vực quản lý của cơ quan, đơn vị.
Báo cáo tổng hợp bằng văn bản những công trình, hạng mục thiệt hại do bão số 3 và mưa lũ gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của cơ quan, đơn vị, kèm theo dự toán khắc phục thiệt hại về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (qua Văn phòng Bộ) xem xét, quyết định.
Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có trụ sở đóng trên địa bàn thành phố Hà Nội, đặc biệt tại các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm chủ động theo dõi sát diễn biến của lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng và các thông báo của chính quyền địa phương, bộ, ngành liên quan để có các biện pháp kịp thời đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, giáo viên, học sinh, sinh viên.
Phối hợp chặt chẽ với địa phương triển khai phương án đối phó với lũ; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn có để di dời hiện vật, tài liệu quan trọng đến nơi an toàn; tổ chức khắc phục hậu quả và hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.