Kết quả của các cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ đánh dấu một trở ngại đối với Tổng thống Donald Trump, nhưng mọi thứ có thể còn tồi tệ hơn đối với nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin, theo Foreign Policy.
Điều này xuất phát từ việc đảng Dân chủ đang nắm quyền kiểm soát Hạ viện cam kết thúc đẩy cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử ở Mỹ và tăng cường các lệnh trừng phạt chống lại Moscow.
Ủy ban tình báo Hạ viện mở lại cuộc điều tra Nga
Các đảng viên đảng Cộng hòa trong thời gian qua đã tỏ ra dè dặt trong việc thách thức chính quyền Trump đối với những cáo buộc liên quan đến Nga.
Trong số 5 cuộc điều tra của Quốc hội được đưa ra, chỉ có một cuộc điều tra được thực hiện bởi Ủy ban tình báo Thượng viện, do Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Richard Burr và Thượng nghị sĩ Dân chủ Mark Warner dẫn đầu.
Nhưng với việc đảng Dân chủ giờ đây đang nắm toàn quyền Hạ viện, cơ quan này có thể thúc đẩy quá trình điều tra một cách rốt ráo hơn.
Peter Harrell, người từng là trợ lý về tài chính và trừng phạt dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, cho biết: “Có một cơ hội tốt để chúng ta chuyển trọng tâm các lệnh trừng phạt Nga từ Thượng viện sang Hạ viện”.
Vào tháng 3, các đảng viên Cộng hòa của Ủy ban tình báo Hạ viện đã kết thúc cuộc điều tra của mình với kết luận rằng không có bằng chứng nào về sự thông đồng giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump và Nga.
Đáp lại, phía đảng Dân chủ đã xuất bản một tài liệu dài 21 trang để mô tả chi tiết hơn về các cuộc điều tra mà họ lập luận là chưa được tiến hành kỹ lưỡng. Trong danh sách này còn có khoảng 70 cá nhân và tổ chức mà đảng Dân chủ tin rằng có thể nắm giữ thêm thông tin về mối quan hệ giữa đội ngũ tranh cử của ông Trump với Nga.
Với việc đang cầm trịch trong Ủy ban tình báo Hạ viện, đảng Dân chủ dự kiến sẽ mở lại cuộc điều tra và sử dụng quyền hạn của mình để làm rõ hơn điều này.
Một trong những thách thức đối với đảng Dân chủ là theo đuổi một cuộc điều tra mà không cản trở công việc của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
"Tôi nghĩ rằng họ sẽ thể hiện sự tôn trọng đáng kể đối với Robert Mueller", Richard Nephew, cựu quan chức thuộc bộ Ngoại giao dưới thời chính quyền Obama cho biết.
Các biện pháp xử phạt tiếp theo
Các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga có thể sẽ vẫn được đưa ra, bất chấp việc kết quả của cuộc bầu cử giữa kỳ như thế nào. Trong khi câu hỏi về mối quan hệ giữa Nga và chính quyền Trump còn là một dấu hỏi, Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát đã đưa thêm các chế tài áp đặt mới với Moscow với sự ủng hộ ở cả hai viện.
Có những dấu hiệu cho thấy các thực thể của Nga đang phải chịu những tác động mới đến từ các lệnh trừng phạt mà Mỹ đưa ra.
Theo Reuters, công ty dầu mỏ quốc doanh Rosneft của Nga trong tuần này đã có thêm những ràng buộc trong hợp đồng với khách hàng phương Tây về việc họ sẽ chịu trách nhiệm bồi thường nếu thỏa thuận đứt gánh vì lệnh trừng phạt.
Một trong những khuôn khổ trừng phạt chống Nga có phạm vi lớn nhất mà Quốc hội dự định đưa ra là “Đạo luật Bảo vệ An ninh của Mỹ trước Các động thái gây hấn của Nga”. Đây được coi là khuôn khổ nhằm đáp trả các động thái Nga trong việc can thiệp vào bầu cử Mỹ và cản trở các hoạt động của nước này ở Ukraine và Syria.
Được soạn thảo bởi thượng nghị sĩ từ cả hai viện, dự luật sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các khoản nợ của Nga, các dự án năng lượng, đầu sỏ chính trị và các ngân hàng quốc gia.
Người bảo trợ cho dự luật, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, mô tả đây là một “lệnh trừng phạt từ địa ngục” đối với Moscow.
Một đạo luật quan trọng khác đang gây chú ý là Đạo luật Deter, được giới thiệu vào tháng 1 bởi Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio. Dự luật sẽ yêu cầu trừng phạt tự động nếu một thế lực nước ngoài bị nghi ngờ can thiệp vào một cuộc bầu cử ở Mỹ.
Theo giới quan sát, một kịch bản có khả năng xảy ra là chi tiết của cả hai dự luật trên có thể được hợp nhất để tạo ra một đạo luật cuối cùng.
Ngoài ra, một số ý kiến trong Quốc hội còn kỳ vọng đảng Dân chủ sẽ giới thiệu lại một số dự luật quan trọng ở ủy ban Đối ngoại Hạ viện cũng nhằm vào các cáo buộc Nga can thiệp bầu cử.
Khi cuộc bỏ phiếu diễn ra hôm 6/11, bộ Ngoại giao đã thông báo rằng Nga sẽ phải nhận thêm các lệnh trừng phạt bổ sung theo Đạo luật vũ khí hóa học và sinh học năm 1991 trong cáo buộc Moscow đứng đằng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal bằng chất độc thần kinh Novichok.
Trước đó, một lệnh trừng phạt khác của Mỹ từng được áp dụng vào tháng 8. Moscow sau đó đã có 90 ngày để chứng minh bản thân không sử dụng vũ khí hóa học và cho phép các nhà điều tra tiến vào đất nước. Tuy nhiên, những yêu cầu này đã bị phía Nga bác bỏ, dẫn đến lệnh trừng phạt thứ hai.
Bất chấp việc Nga đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc liên quan đến can thiệp bầu cử ở Mỹ hay vụ việc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh, những động thái đơn phương sắp tới từ phía đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ có thể sẽ là những áp lực to lớn mà bản thân Tổng thống Vladimir Putin sẽ gặp khó trong việc giải quyết.