Sử sách ghi lại, Phú Sát Hoàng Hậu hay còn gọi là Hiếu Hiền Thuần Hoàng Hậu về sau có xuất thân hết sức hiển hách, nàng mang dòng họ Phú Sát ở Sa Tế thuộc Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ.
Vì có gia thế danh môn, từ năm 16 tuổi, nàng đã được nhà vua Ung Chính tuyển chọn và trở thành người vợ chỉ định hôn phối với Tứ Hoàng Tử Hoằng Lịch - vua Càn Long của Đại Thanh hoàng triều.
Vốn là người hiền lành, thục đức, tính tình vô cùng đoan trang, giản dị và hơn hết trong suốt những năm tiếp nhận vị trí mẫu nghi thiên hạ, bà luôn làm tròn trách nhiệm của mình.
Không chỉ tài năng trong việc quán xuyến hậu cung, bà còn là người phụ nữ cư xử hòa nhã, tốt bụng với các phi tần khác trong cung.
Bởi thế, dù nổi tiếng đa tình, mỹ nhân vô số nhưng Càn Long luôn dành cho nàng một tình yêu đặc biệt, một vị trí tôn trọng trong trái tim nhà vua.
Tuy nhiên, đáng tiếc là Hoàng hậu này lại không có "phúc dày" để được hưởng ân sủng lâu dài của Hoàng đế Đại Thanh.
Bà sinh cho vua 2 vị hoàng tử nhưng cả hai đều yểu mệnh ngay từ lúc còn nhỏ. Vì tâm bệnh nặng nề nên vị Hoàng hậu hiền lương không còn đủ sức khỏe để tiếp tục tại thế.
Bà qua đời khi chỉ mới 37 tuổi. Sự ra đi của hoàng hậu đã khiến cho Càn Long thương tiếc khôn nguôi.
Ngoài việc đặt thụy hiệu cho bà, nhà vua còn tổ chức lễ truy điệu trở thành giai thoại trong lịch sử vương triều Đại Thanh.
Ngoài Phú Sát Hoàng Hậu, vua Càn Long cũng dành sự quan tâm “đặc biệt” cho Cao Quý Phi.
Nàng được xem là vị phi tần đáng ghét nhất hậu cung khi cậy quyền ân sủng cùng chức vị mà tạo nên nhiều sóng gió giữa các vị mỹ nhân.
Trên phim ảnh diễn tả, Quý phi không coi ai ra gì do xuất thân cao quý đến vua Càn Long cũng e dè. Trong tim nhà vua, bà nhận được ít sự sủng ái so với nhiều phi tần khác.
Tuy nhiên, trong lịch sử triều đại Nhà Thanh ghi nhận, Cao Quý Phi được xem là một trong những vị phi tần được vua Càn Long sủng ái hết mực.
Với xuất thân từ dòng dõi Mãn Châu Tương Hoàng Kỳ, tầng lớp Bao y danh giá, bà được chỉ định trở thành trắc phúc tấn của tứ hoàng tử Hoằng Lịch và sau khi lên ngôi, Càn Long sắc phong bà trở thành Cao Quý Phi.
Ngoài ra, lịch sử Trung Quốc ghi nhận, ngoài Phú Sát Hoàng Hậu, Cao Quý Phi về sau, Càn Long cũng dành tình cảm yêu thương, chăm sóc cho Lệnh Phi hay còn được gọi là Ngụy Giai thị, xuất thân Chính Hoàng kỳ Bao y, là tầng lớp phục vụ hoàng thất Mãn Châu.
Khi đến tuổi trưởng thành, nhờ thuộc Nội vụ phủ, Ngụy thị theo lẽ thường mà được chọn vào cung trong đợt Nội vụ phủ tuyển tú hằng năm. Do nhan sắc kiều diễm, cùng với tài cầm kỳ thi họa hơn người nên bà trở thành phi tần thăng tiến nhanh nhất trong hậu cung của Càn Long.
Không rõ thời gian bà trở thành tần phi chính thức của Càn Long Đế, chỉ biết tư liệu về bà ghi sớm nhất vào thời Càn Long đã là Quý nhân. Năm Càn Long thứ 10 (1745), ngày 23 tháng 1 (âm lịch), Càn Long Đế ra chỉ dụ tấn phong Quý nhân Ngụy thị được phong Tần.
Năm Càn Long thứ 21 (1756), Càn Long Đế quyết định đại phong hậu cung, gia thưởng thêm Lệnh tần lên phi. Năm thứ Càn Long 24 (1759), Càn Long ra chỉ dụ Lệnh phi Ngụy thị được thăng làm Lệnh Quý phi.
Năm Càn Long thứ 30 (1765), Càn Long Đế vấn an Sùng Khánh Hoàng thái hậu, rồi phụng ý chỉ của Hoàng thái hậu, chỉ dụ tấn phong Lệnh Quý phi làm Hoàng quý phi.
Kế hậu thất sủng, Lệnh Phi ở vị thế Hoàng Quý phi - là phi tần có tước vị cao nhất, đứng đầu hậu cung hơn 10 năm trời. Bà đồng thời trở thành Hoàng Quý phi tại vị cuối cùng dưới thời Càn Long.
Mặc dù khi còn sống, danh phận cao nhất của bà chỉ là Hoàng Quý phi, nhưng vì là mẹ ruột của Tân Hoàng đế, tức Gia Khánh Đế nên khi qua đời đã được truy phong là Hoàng hậu.
Năm Càn Long thứ 40, Hoàng Quý phi Ngụy thị qua đời, hưởng thọ 47 tuổi. Càn Long vì thương tiếc nên đã ngừng thiết triều 5 ngày để tang và ban cho bà thụy hiệu Lệnh ý Hoàng quý phi. Ngoài ra, ngài còn viết một bài thơ mang tên "Lệnh ý Hoàng quý phi vãn thi" để tưởng nhớ bà.
Không chỉ vậy, bà là người thứ 5 và cũng là người cuối cùng được hợp táng với Càn Long tại địa cung. Quan tài của bà được đặt ngay bên phải đế quan của Càn Long. Điều này cũng cho thấy vị hoàng đế này yêu sâu đậm Lệnh Phi dù không thể ban cho bà địa vị cao nhất hậu cung.
LAM ANH (t/h)