Hậu đổi chủ, PTIC tăng vốn lên 500 tỷ, tập trung đầu tư tài chính

Nguyễn Thu Huyền

Nguyễn Thu Huyền

Thứ 5, 17/02/2022 11:34

Sau khi vợ chồng Chủ tịch HĐQT thoái vốn với lý do tài chính cá nhân, PTIC công bố đổi tên, chuyển trụ sở và trình bày nhiều kế hoạch kinh doanh tham vọng.

Sáng 17/2 tại Hà Nội, CTCP Đầu tư Xây dựng Bưu điện (Mã CK: PTC) đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, với nhiều nội dung quan trọng.

Tại Đại hội, HĐQT PTIC cho biết ban lãnh đạo doanh nghiệp nhìn thấy nhiều cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng phát triển tốt như điện gió, bất động sản đầu tư... Tuy nhiên vốn điều lệ thấp dẫn đến nguồn vốn hạn chế, giảm cơ hội cạnh tranh.

Trên cơ sở đó, HĐQT PTIC đã thông qua kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ từ 180 tỷ đồng lên 501 tỷ đồng, qua hình thức chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 80% và phát hành cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 1:1 với giá 10.000 đồng/CP.

Nguồn vốn bổ sung dự kiến được sử dụng để mua thêm 36% cổ phần tại CTCP Điện gió Hướng Linh 8 nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 65%, một phần tiếp tục đầu tư tài chính có chọn lọc nhằm mang lại lợi ích cho cổ đông.

Điện gió là mảng đầu tư chủ lực của PTIC. Trong năm ngoái, PTIC đã hoàn tất nâng sở hữu tại CTCP Điện gió Hướng Linh 7 từ 20% lên 32,81%, và đầu tư 29% vào CTCP Điện gió Hướng Linh 8.

Trong đó, Hướng Linh 8 là chủ đầu tư dự án điện gió cùng tên tại Quảng Trị, với công suất 25MW, vốn đầu tư 888 tỷ đồng, được hưởng ưu đãi giá FIT toàn phần. Năm 2022, Hướng Linh 8 đặt kế hoạch doanh thu 172 tỷ đồng, lãi sau thuế 80 tỷ đồng. Về phần mình, Hướng Linh 7 là chủ dự án điện gió cùng tên cũng tại Quảng Trị, với công suất 30MW, vốn đầu tư dự kiến 1.012 tỷ đồng. Dự án đã COD một phần trước ngày 1/11/2021.

Năm 2022, PTIC đặt mục tiêu doanh thu 127,5 tỷ đồng, lãi trước thuế 96,5 tỷ đồng, tỷ lệ trả cổ tức năm 2022 từ 15-20% trên vốn điều lệ bình quân mới. Công ty cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm để đầu tư vào các công ty có tiềm năng và các mã chứng khoán có khả năng sinh lợi nhuận.

Kế hoạch kinh doanh tham vọng của PTIC diễn ra trong bối cảnh vợ chồng Chủ tịch HĐQT Phạm Thị Thu Hà vừa qua đã thoái hơn 13 triệu cổ phần, tương đương 70% vốn và cũng gần như toàn bộ cổ phần tại PTC, với lý do tài chính cá nhân. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng đã hoàn tất bán 1,7 triệu cổ phiếu quỹ vào nửa đầu tháng 1/2022.

Sau các giao dịch trên, chủ sở hữu mới của PTIC chưa lộ diện, song tại ĐHĐCĐ lần này, PTIC đã công bố nhiều nội dung đáng chú ý.

Theo báo cáo của PTIC, trong 3 năm qua, công ty đã dừng hoàn toàn hoạt động xây lắp, chuyển hẳn sang mô hình công ty đầu tư, đến nay đã thu hồi hết công nợ trong quá khứ; tạm ứng công trình, công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng 100%. Ban lãnh đạo PTIC cũng đã tinh giảm bộ máy, bổ sung nhân lực phù hợp với hoạt động mới của doanh nghiệp.

Quá trình tái cấu trúc mạnh mẽ đã mang tới nhiều kết quả tích cực cho PTIC. Giai đoạn 2019-2021, EPS của doanh nghiệp duy trì trên 3.500 đồng, với lãi sau thuế thực hiện luôn vượt xa kế hoạch.

Cổ phiếu PTC trên sàn HoSE chốt phiên sáng 17/2 tăng trần lên 64.700 đồng/CP, tăng gấp 5 lần trong 3 tháng qua, tương đương giá trị vốn hoá 1.164 tỷ đồng.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.