Ngày 5/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức buổi tọa đàm ra mắt sách "Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger". Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23/11.
Theo đó, cuốn sách "Hàm Nghi - Hoàng đế lưu vong, nghệ sĩ ở Alger" do bà Amandine Dabat (hậu duệ đời thứ năm của vua Hàm Nghi) biên soạn là một công trình nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của vua Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước và là một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Alger.
Cuốn sách này khám phá khía cạnh nghệ thuật ít được biết đến của vị hoàng đế, một trong những nghệ sĩ để lại dấu ấn đặc biệt trong nền mỹ thuật hiện đại Việt Nam.
Trong khuôn khổ tọa đàm, các hậu duệ của vua Hàm Nghi đã trao tặng cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thuộc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế nhiều kỷ vật quý giá của vua Hàm Nghi gồm: Khay gỗ khảm xà cừ; bộ sách Ngự chế canh chức đồ; Đan đồ huyện chí; Tăng đính thi kinh thể chí diễn nghĩa; đôi đũa Cung đình bằng ngà hải mã, được Thái hậu Từ Dũ giao cho bà Phan Thị Hòa sử dụng trong bữa ăn của vua Hàm Nghi và đôi tiềm bằng sứ, vật dụng của gia đình vua Hàm Nghi.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, đây được xem như là một nhân duyên thiên định để kết nối TS. Amandine Dabat tìm hiểu về tổ tiên của mình và cô đã dành hơn chục năm để làm luận văn tiến sĩ nghiên cứu về vị vua có số phận bi tráng trong lịch sử Việt Nam.
"Buổi tọa đàm ra mắt giới thiệu cuốn sách về vua Hàm Nghi cho độc giả Huế hôm nay nằm trong một hành trình đặc biệt với một sứ mệnh đặc biệt. TS. Amandine Dabat đã hỗ trợ chúng tôi trong việc thu thập các tư liệu ảnh, tranh vẽ và hiến tặng nhiều kỷ vật quan trọng làm phong phú thêm bộ sưu tập di sản về vua Hàm Nghi tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế", Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế chia sẻ.
Buổi tọa đàm là một trong những nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật của di sản cố đô Huế. Đây cũng là dịp để giới thiệu văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế, tạo cơ hội giao lưu, học hỏi cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về lịch sử và những giá trị nghệ thuật của Việt Nam, để từ đó lan tỏa thêm những tình yêu về lịch sử và văn hóa dân tộc.
Những kỷ vật hiến tặng là minh chứng sống động cho một giai đoạn đầy thăng trầm trong lịch sử Việt Nam. Việc hồi hương cổ vật nhận được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế và của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế.
Được biết, trong thời gian qua, đã có nhiều tổ chức, cá nhân trao tặng hiện vật cho Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, trong đó có 19 cổ vật hồi hương từ các quốc gia như: Pháp, Đức, Tây Ban Nha.