Một bệnh nhi viêm màng não đang được điều trị.
Tại hội thảo khoa học “Cập nhật chẩn đoán và điều trị bệnh viêm não màng não ở trẻ em” được tổ chức ngày 23-24.4, tại Bệnh viện Nhi Trung ương, PGS.TS Trần Minh Điển- Phó Giám đốc BV Nhi TƯ cho hay mỗi năm, BV tiếp nhận 300- 500 ca viêm màng não.
"Hiện tại chúng tôi đang điều trị cho 30 bệnh nhi mắc viêm não và viêm màng não với nhiều mức độ và lứa tuổi khác nhau, di chứng nặng nề. Hầu hết các trẻ này đều được chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng bệnh đã nặng và biến chứng thần kinh. Có những cháu mức độ tri giác còn tỉnh táo nhưng có những cháu không còn tỉnh táo nữa và bắt đầu có những di chứng về tinh thần, có những cháu hạn chế về vận động, thậm chí là tê liệt"- BS Điển nói.
Điển hình là bé Hà M.N, 3 tháng tuổi ở An Dương- Hải Phòng được chuyển đến BV Nhi TW từ ngày 4/3, sau 2 ngày điều trị tại BV Sản Nhi Hải Phòng nhưng sốt cao liên tục không giảm.
Tại BV Nhi TW, các bác sỹ chẩn đoán em bị viêm màng não mủ đã biến chứng thần kinh. Sau hơn 1 tháng điều trị, đến nay tình trạng của bé Ngọc đã tốt hơn. Tuy nhiên, bé vẫn tiếp tục được theo dõi.
Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Ngô Văn Đức ở Thanh Hóa, 12 tuổi nhập BV Nhi TW trong tình trạng mất ý thức do bị viêm màng não. Sau 3 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã bắt đầu hồi phục ý thức, tuy nhiên, vẫn chưa thể vận động được. Hai gia đình bệnh nhi đều cho biết, cả 2 bé đều chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh.
Theo PGS Điển, trong một số bệnh viêm màng não do vi khuẩn như phế cầu, Haemophilus influenza... hoàn toàn có thể phòng được bằng các loại vắc xin. Riêng bệnh viêm não Nhật Bản B đã có vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, độ phủ khá tốt, tỉ lệ mắc giảm nhiều.
Ở giai đoạn những năm 1980- 1990, tỉ lệ có thể lên đến vài nghìn bệnh nhi trong một mùa dịch, nhưng hiện nay, BV chỉ còn tiếp nhận khoảng 50- 70 trường hợp trong một năm.
"Hầu hết các bệnh nhi mắc viêm màng não do vi khuẩn thì hầu hết các cháu đều chưa được tiêm phòng, hoặc tiêm phòng chưa đầy đủ. Đối với nhóm viêm não do virus cũng vậy, với viêm não nhật bản B, sau mỗi 3 năm lại tiêm nhắc lại để đảm bảo có kháng thể tốt nhất"- BS Điển cảnh báo.
Nói về cách phục hồi di chứng của bệnh viêm màng não, BS Điển cho biết giai đoạn đầu sau điều trị các bác sĩ và điều dưỡng sẽ hướng dẫn cách phục hồi chức năng về tinh thần và về vận động cho các cháu. Tuy nhiên, quan trọng nhất là các bệnh nhi vẫn phải hồi phục tại cộng đồng, bố mẹ, người thân phải có kiến thức về phục hồi di chứng cho các cháu.
Trang DUng (t/h)