Chưa thấy đề cập đến trách nhiệm của người đứng đầu
Trong những năm qua, hay sau mỗi vụ cháy lớn, UBND Tp. Hà Nội lại ban hành các chỉ thị, kế hoạch về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với công tác PCCC. Trong đó nhiều văn bản thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các địa phương để xảy ra cháy nổ, gây hậu quả nghiêm trọng.
Đơn cử, Kế hoạch 131 ngày 21/4/2023 nêu rõ, Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND thành phố nếu để xảy ra buông lỏng trong công tác quản lý nhà nước về PCCC trên địa bàn quản lý.
Hay, Chỉ thị số 25 - CT/TU ngày 20/ 9/2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn Hà Nội trong tình hình mới. Trong đó nêu rõ Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản trong phạm vi lãnh đạo, quản lý của mình.
Thế nhưng trên thực tế, sau những vụ cháy gây thiệt hại rất lớn như cháy chung cư mini Khương Hạ (56 người chết) hay vụ cháy nhà trọ Trung Kính (14 người chết)… mới chỉ có 1 số cán bộ địa phương bị khởi tố. Trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch UBND cấp quận, phường vẫn chưa thấy được đề cập.
Trả lời Người Đưa Tin về vấn đề trên, ĐBQH Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, phải thừa nhận là Thủ tướng Chính phủ, thậm chí là các cấp thành phố đã có nhiều văn bản, chỉ đạo, nhưng trên thực tế chúng ta thấy sự chuyển đổi trong công tác đảm bảo PCCC của người dân còn quá ít, quá chậm.
“Tất nhiên, đây thuộc về vấn đề ý thức và cũng phải thẳng thắn rằng người dân cũng gặp những khó khăn trong quá trình sửa sang, mua sắm thiết bị. Chúng ta phải có một độ trễ nhất định, nhưng trễ để xảy ra cháy nổ dẫn đến chết người thì không thể chấp nhận được”, ông Trí nhấn mạnh và nhất trí quan điểm là vai trò của thủ trưởng đơn vị, cụ thể là chủ tịch quận, huyện hay xã, phường,…vô cùng quan trọng.
“Cấp trên phải nhắc nhở cấp dưới, phải vào cuộc ngay để làm. Để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì cũng có những biện pháp phải xử lý tương ứng với hậu quả. Tôi nhất trí như vậy, cần nghiêm khắc xử lý người đứng đầu”, đại biểu Trí nêu quan điểm.
Nhìn các sự cố xảy ra những hậu quả nghiêm trọng thì chúng ta thấy rằng, những chỗ xảy ra sự cố chưa thực hiện nghiêm về PCCC. Do đó, theo ông Trí, các cấp uỷ chính quyền cần sự vào cuộc nghiêm túc, quyết liệt hơn nữa. Đặc biệt ưu tiên tập trung những điểm dễ xảy ra sự cố nghiêm trọng như nhà trọ, chung cư mini, hộ kinh doanh kết hợp nhà ở…
Cần đưa vào Luật để quy định rõ ràng hơn
Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết thêm, những vấn đề liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy đã được bàn, thảo luận rất nhiều, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như mong muốn.
Nói về trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra cháy nổ trên địa bàn, Đại biểu tỉnh Đồng Tháp đánh giá cao tinh thần này và cho rằng cần đưa thêm chi tiết này vào Luật để quy định rõ hơn về trách nhiệm đối với cán bộ quản lý các cấp để việc xử lý công minh và khách quan hơn.
Ông Hòa kiến nghị cần phải xây dựng các chương trình phổ biến, tuyên truyền về việc ứng phó khi hỏa hoạn xảy ra, đầu tiên là trong nhà trường, sau đó là ngoài đời sống nhân dân.
Đặc biệt, những nơi có nhiều cơ sở dịch vụ lưu trú, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cần phải có quy định rạch ròi, cụ thể, rõ ràng. Nếu không đáp ứng được những điều kiện trong quy định phòng cháy, chữa cháy sẽ không được phép sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, trong thời gian tới, cần phải có những quy định cụ thể hơn nữa trong công tác phòng cháy, chữa cháy vì đây không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà cũng là trách nhiệm của toàn dân.
Kim Thoa - Đặng Thuỷ
Ngày 17/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ra Công điện số 59/CĐ-TTg về vụ cháy nhà dân tại phường Định Công, phường Hoàng Mai, thành phố Hà Nội và phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Trong Công điện nêu rõ:
“Xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao hoạt động khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn phòng cháy, chữa cháy và để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ”.