Dấu ấn Phan Sào Nam ở VTC online
Trong vụ án đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền quy mô nghìn tỷ khiến cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa bị tạm giam, mắt xích quan trọng Phan Sào Nam được dư luận chú ý.
Trước khi bị bắt, Phan Sào Nam (sinh năm 1979) là một cái tên quen thuộc trong giới đầu tư công nghệ của Việt Nam, thậm chí còn được coi là một tài năng trẻ trong lĩnh vực này.
Vị trí để lại nhiều dấu ấn của ông Nam nhất là vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến (VTC online) những năm 2008 – 2016. Công ty này có trụ sở đặt tại TP. Vinh (Nghệ An) và văn phòng tại Hà Nội, đồng thời có hai công ty con trực thuộc.
Ông Nam chính là một trong những thành viên sáng lập VTC online vào năm 2008 đồng thời ngồi chiếc ghế quyền lực nhất tại một trong những doanh nghiệp kinh doanh nội dung số hàng đầu của Việt Nam thời kỳ đó.
Nhiều đồng nghiệp của vị CEO trẻ này kể lại, Phan Sào Nam khi đó có biệt danh là "hoàng tử bóng đêm" vì những cuộc họp thâu đêm, hay những email được gửi vào lúc rạng sáng.
Trong phạm vi kinh doanh nội dung số, công ty này dưới vai trò lãnh đạo của ông Nam đã nhanh chóng trở thành một tên tuổi lớn trong lĩnh vực giải trí số (trò chơi trực tuyến) khi đó.
Lợi nhuận của VTC Online giai đoạn trước 2012 cũng ghi nhận đà tăng ổn định, đạt mức xấp xỉ 40 tỷ đồng. Chính công ty này phát hành những game nổi tiếng như FifaOnline2 (năm 2009), game bắn súng Warface (2013), tự sản xuất và xuất khẩu game Squad và G3 (năm 2012)...
Ngoài ra còn phát động cuộc thi Olimpic tiếng Anh trên internet, thành lập Trung tâm đào tạo công nghệ và nội dung số VTC Academy, ra mắt nghĩa trang liệt sĩ trực tuyến…
Giữa năm 2012, Phan Sào Nam trở nên nổi tiếng khi là người "dẫn mối" cho khoản đầu tư 10 triệu USD từ DWS Việt Nam vào VTC Online, thông qua Công ty quản lý quỹ Duxton có trụ sở tại Singapore và công ty này trở thành cổ đông chiến lược của VTC online từ đó.
Cho tới cuối năm 2016, báo cáo tài chính của VTC online vẫn ghi nhận Phan Sào Nam là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Tuy nhiên đến giữa năm 2017 thì các văn bản giấy tờ của đơn vị này chỉ còn ghi nhận ông Nam là thành viên HĐQT, cổ đông góp vốn với tỷ lệ cổ phần 4,3%.
Kinh doanh cầm chừng, VTC thoái vốn bất thành
Những năm cuối cùng trong “nhiệm kỳ” của "hoàng tử công nghệ" Phan Sào Nam, VTC Online đã bắt đầu gặp trục trặc vì chính mảng kinh doanh cốt lõi của mình là hoạt động kinh doanh game. Năm 2014 công ty này ghi nhận khoản lỗ ròng tới 102 tỷ đồng, ngốn hết phần lợi nhuận tích lũy và để lại gánh nặng cho những năm sau đó.
Mặc dù công ty có lãi trở lại từ năm 2015, nhưng cũng chỉ ghi nhận con số lợi nhuận khá khiêm tốn. Doanh thu đạt 811 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 5,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, mặc dù doanh thu bán hàng của VTC online vẫn đạt hơn 1.800 tỷ đồng song lãi thuần lại âm tới 13 tỷ đồng. Nhờ một số khoản thu khác bù lại mà lợi nhuận sau thuế còn được con số khiêm tốn 3,9 tỷ đồng (giảm 29% so với 2015).
Tuy nhiên do hậu quả các năm trước để lại, thời điểm 31/12/2016, doanh nghiệp vẫn còn gánh khoản lỗ lũy kế hơn 29 tỷ đồng. Nợ ngắn hạn của công ty (126,9 tỷ đồng) đã vượt quá tài sản ngắn hạn (90 tỷ đồng) đến gần 37 tỷ đồng.
Kinh doanh èo uột khiến nhiều nhân sự của VTC online lần lượt rời bỏ “mảnh đất hứa”. Cuối năm 2016 số nhân sự của công ty chỉ còn 85 người trong khi con số hồi đầu năm là 185 người.
Cuối năm 2017, VTC thông báo bán đấu giá toàn bộ cổ phần tại “đứa con cưng” VTC Online với mức định giá chỉ bằng 1/5 so với trước đó 5 năm khi DWS Việt Nam rót vốn. Số cổ phần rao bán là hơn 1 triệu cổ phần, chiếm khoảng 42% vốn điều lệ của VTC online. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào ngày 2/1/2018, tuy nhiên sau đó nó đã bị hủy bỏ do chỉ có một nhà đầu tư đăng ký tham gia.
Theo bản cáo bạch chào bán cổ phần, đến tháng 7/2017, ông Nam vẫn là Ủy viên Hội đồng quản trị của VTC Online với 4,3% cổ phần sở hữu. Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, những thông tin về ông này đã bị thay đổi trên website của công ty.
Ngày 11/3/2018, Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố, bắt tạm giam cựu trung tướng – nguyên Cục trưởng C50 bộ Công an Nguyễn Thanh Hóa vì có liên quan đến đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền xuyên quốc gia do cơ quan này triệt phá.
Quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định đường dây đánh bạc này bắt đầu hoạt động từ năm 2014. Chỉ một thời gian ngắn, đường dây này đã "vươn vòi" ra tận 13 tỉnh, thành trên cả nước với 25 đại lý. Theo ước tính, đường dây có hơn 20 triệu tài khoản tham gia.
Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố khoảng 75 bị can, trong đó có hai “ông trùm” cầm đầu đường dây là Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương; bước đầu làm rõ số tiền các đối tượng thu lợi bất chính từ hành vi đánh bạc là 2.777 tỷ đồng; tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản ngân hàng 381 tỷ đồng tiền mặt và sổ tiết kiệm, 20 căn hộ trị giá gần 190 tỷ đồng và 13 xe ô tô các loại.
Điểm đáng chú ý là qua đấu tranh khai thác, đối tượng Nguyễn Văn Dương khai nhận được hưởng lợi bất chính 40% lợi nhuận từ đường dây này (Phan Sào Nam hưởng 60%), sau đó chia lại 20% cho nguyên Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.