Khi internet len vào tục “ngủ thảo”
Hôm chúng tôi đến làng Ma Oai (thuộc xã Phước Thắng, huyện Bắc Ái, tỉnh Ninh Thuận), cộng đồng người Raglai đang xúng xính trong trang phục, vòng nữ trang truyền thống để đi đám cưới của Pi Năng Thị Hương và Thái Văn Lợi. Các cụ già uy tín nhất trong làng được bố trí ngồi trước bàn thờ tổ tiên bàn bạc với gia đình nhà trai về tục lệ lễ cưới. Bởi phía đàng trai là người Thái quê ở tận Nghệ An. Già làng Pi Năng Trách là người đứng đầu làng, cũng là chủ hôn cho đôi bạn trẻ tâm sự: "Vì một phút không kìm chế được, hai đứa "ăn cơm trước kẻng". Đứa con gái mới tròn 17 đã mang bầu 6 tháng. Còn đứa trai cũng chỉ ngấp nghé 18 thôi. Đùng một cái chúng nó bảo thương nhau rồi "ngủ thật" luôn. Cha mẹ hai bên không biết làm thế nào đành ngồi lại với nhau chấp nhận làm sui gia".
Sau những đêm "ngủ thảo", nhiều thiếu nữ Raglai bỏ trường theo chồng chăm con.
Thực tế, "ngủ thảo" thành "ngủ thật" lan tràn trong cộng đồng người Raglai tồn tại nhiều năm qua. Dưới sự tác động của cuộc sống hiện đại, các cô gái Raglai một khi đã ưng cái bụng chàng trai nào sẵn sàng bỏ qua các quy tắc cấm kị của dân tộc để "ngủ thật" với người mình yêu. Tục "ngủ thảo" giống như một phong trào đang nở rộ của các sơn nữ dưới chân núi Tà Năng. Chính nó làm thay đổi và làm mất dần giá trị truyền thống tốt đẹp vốn mang tính nhân văn sâu sắc. Lợi dụng sự biến tướng ấy, những anh công nhân, những thanh niên ở nhiều địa phương khác nhau mang trong mình sắc tộc khác nhau tìm cách lợi dụng "ngủ thảo" để "ngủ thật" với mục đích nếm của lạ. Tỷ lệ những cô gái Raglai sau những đêm "ngủ thật" lấy được chồng người Kinh có cuộc sống khấm khá hơn chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần còn lại đa số bị mang tiếng cả đời khi có những đứa con không cha.
Tục "ngủ thảo" của các chàng trai cô gái Raglai được truyền tụng trên những con đường dẫn vào buôn làng. Theo người Raglai ở làng Ma Oai, những đêm "ngủ thảo" này kéo dài đến tận sáng hôm sau mà cha mẹ cô gái không quan tâm, cấm đoán gì. Nhưng "ngủ thảo” nay đã khác xưa quá nhiều. Nguyên nhân cũng bị ảnh hưởng từ phim ảnh, internet... đã từng bước chen lấn vào chuyện tình cảm vốn nguyên sơ, đẹp đẽ của người Raglai thời nay. Sau những đêm "ngủ thảo" vượt rào là những kết cục buồn. Ông Mạo Ngọc Than, nguyên Phó chủ tịch huyện Ninh Sơn chia sẻ: "Cán bộ địa phương khó mà thống kê được có bao nhiêu cô gái Raglai mang thai trước khi cưới hỏi. Đã có nhiều trường hợp sau những đêm "ngủ thảo" với chàng trai chỉ mới quen biết và phải nhanh chóng đi giải quyết hậu quả. Nguyên nhân do giới trẻ bây giờ ra ngoài xã hội hấp thụ tư tưởng "thoáng" hơn chăng nên nhiều cô gái mới bước vào độ tuổi 15-16 không cầm được lòng vội vàng hiến dâng cái quý giá nhất của đời mình cho bạn trai, để rồi hối hận thì đã muộn. Thậm chí có nhiều chàng trai lợi dụng sự nhẹ dạ, thật thà của các cô gái để ăn "trái cấm" rồi ra đi không lời từ biệt".
Già làng Pi Năng Trách bật mí thêm về những hệ lụy của tục "ngủ thảo". Đó là vào năm 2006, các bản làng Raglai đang chìm trong giấc ngủ, bỗng nhiên nghe ở làng Hà Lán Hạ (xã Phước Thắng, huyện Bắc Ái) nghe tiếng la thất thanh từ nhà của chị Katơr Thị Ngách (35 tuổi, ngụ tại làng Ma Oai). Người dân chạy ra đường thấy ngọn lửa bốc cháy từ mái nhà chị Ngách. Bà con không ai bảo ai vội vàng dập tắt đám lửa. May mắn thay các thành viên nhà chị Ngách không ai bị bỏng. Sau khi dập xong đám cháy mọi người mới an ủi và hỏi thăm chị. Chị Ngách nghẹn ngào thổ lộ: "Tôi bị Pi Năng Phóc theo đuổi từ lâu, nhưng tôi không có tình ý gì với Phóc cả. Còn Phóc cứ đòi tôi cho "ngủ thảo". Tôi không đồng ý, Phóc lên cơn giận đi uống rượu đến say, khi đi qua nhà tôi đã châm diêm đốt nhà".
Nét đẹp của tục "ngủ thảo"chỉ còn lại trong kí ức của người già.
Tiếng than của những bà mẹ không chồng
Trường hợp của chị Katơr Thị Ngách như vậy vẫn được xem là may mắn hơn nhiều cô gái Raglai khác. Bởi thực tế có nhiều người vì những phút trót dại phải ngậm đắng nuốt cay, chấp nhận mọi sự sỉ nhục của người thân, láng giềng. Điển hình như trường hợp của T.Y.T.K. (18 tuổi, ngụ thôn Do, xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn). Năm K. 16 tuổi, cô là một cô gái xinh đẹp được nhiều trai làng để ý và ngỏ lời yêu thương. Nhưng K. bỏ ngoài tai tất cả những lời đường mật đó và đem lòng thương thầm nhớ trộm anh chàng T., ngụ ở Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa lên làm gỗ ở gần trung tâm xã Ma Nới. Những ngày đầu tiên K. chủ động làm quen với T. và mời T. về nhà "ngủ thảo". Ban đầu T. và K. chỉ đi dạo và nói chuyện qua loa đến khuya thì T. về chỗ làm ngủ. Nhưng chưa đầy một tháng K. và T. đã vượt qua giới hạn cho phép. Ngày K. biết mình có thai thì T. đã về quê từ lâu. Giờ đây đứa con K. sinh ra đã chập chững biết đi, còn T. kể từ ngày đó không thấy xuất hiện trước mặt K. nữa.
Tương tự trường hợp của K. là chị Chamale S. (20 tuổi, ngụ làng Ma Oai, xã Phước Thắng, huyện Bắc Ái). S. nhìn đứa con lên ba giọng trầm ngâm: "S. cũng như bao cô gái Raglai khác, đến tuổi trưởng thành thì muốn tìm được một người bạn đời lý tưởng để "ngủ thảo" dưới mái nhà sàn. Sau những cuộc vui chơi ở quán xá, lời tán tỉnh của Pi Năng Đ., S. yêu Đ. từ lúc nào không hay. Đ. nhận ra S. đã "say" mình nên đã "ngủ thật" từ những đêm đầu tiên về nhà Đ. "ngủ thảo". Khi S. biết mình mang thai đã thổ lộ với Đ. Nào ngờ Đ. gạt phăng và còn chửi bới S. thậm tệ trước mặt mọi người. S. không còn lựa chọn nào khác đành nuốt nước mắt vào trong ở vậy nuôi con trong sự tủi nhục và nhạo báng của thiên hạ.
"Có thể nói, nơi chịu hậu quả nặng nề nhất của tục "ngủ thảo" bị biến tướng là làng Ma Oai. Bởi cái nôi của tục "ngủ thảo" được hình thành ở đây đầu tiên. Nhiều cô gái, chàng trai đã lợi dụng tính nhân văn và sự nghiêm túc của tục "ngủ thảo" để mua vui. Nhiều người còn ngang nhiên lợi dụng tục “ngủ thảo” để kiếm lợi. Tục “ngủ thảo” không còn diễn ra vào ban đêm nữa thay vào đó là mọi lúc mọi nơi, mọi hoàn cảnh. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nạn tảo hôn, sinh con trước tuổi, nghèo đói cứ đeo bám mãi cuộc sống của đồng bào Raglai", già làng Pi Năng Trách phân trần. Theo tục lệ của người Raglai một khi phụ nữ đã mang thai thì không được quyền phá bỏ. Vì vậy, nhiều đứa trẻ được sinh ra sau những đêm "vượt rào" không có bố là điều dễ hiểu.
Những cô gái chàng trai Raglai trước khi lập gia đình ai cũng phải trải qua vài lần "ngủ thảo". Các cô gái Raglai vẫn thường tự nói với nhau rằng lấy chồng phải "chọn 10 lấy 1" là thế. Hậu quả toàn những cô gái độ tuổi còn non nớt, nhẹ dạ nghe theo lời đường mật phải chịu hoàn toàn hậu quả về sau. Có nhiều cô gái chịu không nổi sự dèm pha từ dòng họ, bản làng phải bỏ xứ đi nơi khác. Có người cam chịu nhẫn nhục đã ở vậy nuôi con cho đến ngày khuất núi. Phải thừa nhận rằng, tục "ngủ thảo" của người Raglai đã ít dần đi rồi mai một hẳn. Nhất là từ ngày những tư tưởng tiến bộ ở dưới xuôi tràn về đã làm cho tục "ngủ thảo" vốn nguyên sơ bị méo mó dẫn đến những hệ quả đau lòng. Tục “ngủ thảo” chỉ còn là phong tục đẹp, khi được những người già ở độ tuổi 50, 60 ôn lại bên những mâm cỗ và nghi lễ của bản làng.
Nhiều học sinh phải bỏ học vì trót "ngủ thảo" Bà Pi Năng Thị Tâm, cán bộ phụ nữ xã Ma Nới (huyện Ninh Sơn) chia sẻ: "Chỉ tính riêng khoảng 10 năm trở lại đây, trong cộng đồng người Raglai có hàng chục cô gái sau khi "ngủ thảo" đã ở vậy nuôi con một mình. Lứa tuổi phổ biến nhất là 14-15. Chính những hệ lụy của tục “ngủ thảo” nhiều học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường phải về nhà lấy vợ, lấy chồng sinh con đẻ cái. Thậm chí có những thiếu nữ không chịu nổi sự soi mói của mọi người đã làm những chuyện dại dột để lại nỗi đau cho người thân, bạn bè". |
Quyên Triệu - Hạ Du