Hậu quả khôn lường và lý do khó tin khiến Trump sa thải Giám đốc FBI

Hậu quả khôn lường và lý do khó tin khiến Trump sa thải Giám đốc FBI

Trương Mạnh Kiên

Trương Mạnh Kiên

Thứ 6, 12/05/2017 18:09

Tổng thống Trump đã quyết định sa thải James Comey sau bữa ăn tối thân mật, vì lý do ông không muốn thề trung thành với nhà lãnh đạo Mỹ (?!)

Chỉ 7 ngày sau khi Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ, cựu giám đốc FBI James Comey đã được triệu tập tới Nhà Trắng tham dự một bữa tối riêng với tân Tổng tư lệnh nước Mỹ.

Theo Comey, cuộc đàm thoại đêm đó là một dấu hiệu báo trước cho quyết định sa thải trong tuần này của ông, theo New York Times.

Tiêu điểm - Hậu quả khôn lường và lý do khó tin khiến Trump sa thải Giám đốc FBI

Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp giám đốc FBI James Comey trong một bữa tối thân mật sau khi ông nhậm chức.

Trong bữa ăn, Tổng thống và ông Comey đã nói chuyện xung quanh cuộc bầu cử vừa diễn ra. Sau đó ông Trump quay sang hỏi Comey rằng, liệu người đứng đầu FBI có thể thề trung thành với ông hay không.

Comey đã từ chối đưa ra lời thề. Thay vào đó, giám đốc FBI khẳng định sẽ luôn “trung thực” với Tổng thống Trump. Điều này được cho là khiến ông chủ Nhà Trắng cảm thấy phật lòng.

Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn hôm hôm 11/5, Tổng thống Trump mô tả cuộc trò chuyện với ông Comey là khác hoàn toàn và ông không hề yêu cầu một lời hứa trung thành từ Giám đốc FBI.

Ông Trump nói với NBC, chính ông Comey đã yêu cầu được tiếp tục công việc của mình. Tổng thống cũng hỏi giám đốc FBI, ông có nằm trong đối tượng điều tra trong cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ hay không. Comey đã trấn an rằng, ông không thuộc diện điều tra.

Theo New York Times, trong suốt sự nghiệp của mình, ông Trump luôn coi yếu tố trung thành từ những cộng sự của mình là một ưu tiên hàng đầu. Do đó ông thường sa thải nhân viên mà ông cho là không đáng tin cậy.

Các đồng nghiệp của ông Comey cho biết cựu Giám đốc FBI khi đó đã phân vân trong việc nhận lời mời tham dự bữa tối vì không muốn quá thân mật với Tổng thống Trump, đặc biệt là giữa lúc cuộc điều tra về cáo buộc về Nga đang diễn ra. Nhưng cuối cùng Comey vẫn lựa chọn có mặt vì tâm niệm không nên từ chối cuộc gặp với vị Tổng thống mới.

Trong bữa ăn, ông Comey đã cố gắng giải thích về công việc của mình trong vai trò giám đốc FBI và nhấn mạnh với Tổng thống Trump rằng một FBI và bộ Tư Pháp độc lập sẽ phục vụ tốt nhất cho đất nước.

Mặc dù vậy, Tổng thống Trump khẳng định với đài NBC, dù bất cứ đề xuất như thế nào, ông vẫn sẽ sa thải ông Comey. "Thực tế, khi tôi quyết định làm vậy, tôi đã tự nói với mình những gì liên quan giữa Trump với Nga đều là bịa đặt", Tổng thống Mỹ nói.

Theo cây bút Tim Weiner của Reuters, dù bất cứ lý do như thế nào Tổng thống Donald Trump đã tính toán sai lầm khi sa thải giám đốc FBI James Comey và động thái này có thể khiến chính bản thân ông chủ Nhà Trắng gặp nguy.

Nếu quyết định của nhà lãnh đạo Mỹ mang mục đích cá nhân nhằm cản trở cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016, hành động này có thể bị coi là cản trở công lý được thực thi và bị quy kết tội danh.

Tiêu điểm - Hậu quả khôn lường và lý do khó tin khiến Trump sa thải Giám đốc FBI (Hình 2).

 Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain không hài lòng trước quyết định sa thải James Comey của Tổng thống Trump.

Giới quan sát đang so sánh vụ việc hiện tại với bê bối Watergate trong quá khứ. Những nỗ lực có chủ ý của cựu Tổng thống Richard Nixon nhằm cản trở cuộc điều tra của FBI về Nhà Trắng đã trở thành một trong những lý do khiến Ủy ban Tư pháp Hạ viện đề nghị luận tội ông năm 1974. Nixon đã không còn cách nào khác và phải từ chức chỉ vài tuần sau đó.

Trong trường hợp hiện tại, nếu còn tiếp tục ban bố những quyết định không phù hợp như vậy, ông Trump sẽ khó nhận được sự ủng hộ của cử tri trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ sau.

Và trước mắt ông có thể sớm trở thành đối tượng của một cuộc điều tra bởi Quốc hội, nơi cả những người cùng đảng Cộng hòa cũng không muốn bênh vực ông.

Theo Tim Weiner các cuộc điều tra nhắm vào Nga sẽ không dừng lại dù Comey bị sa thải. Trong khi đó FBI rõ ràng đang cảm thấy bị chọc giận sau động thái bất ngờ của Tổng thống Trump.

Dựa trên những quy định của pháp luật, ông chủ Nhà Trắng được cho là sẽ khó đình chỉ được cuộc điều tra, bởi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions – người chỉ huy trực tiếp của FBI cũng đã rút lui khỏi cuộc điều tra từ trước đó.

Thêm một tin xấu đối với Trump đó là cả những thành viên đảng Cộng hòa tại Quốc hội cũng đang cảm thấy không hài lòng trước quyết định của ông.

Sự ủng hộ từ những thành viên cùng đảng là tuyến phòng thủ cuối cùng giúp ông Trump chống lại việc thành lập một ủy ban điều tra độc lập – điều có thể là thảm họa về chính trị đối với ông chủ Nhà Trắng.

Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện John McCain đã bảo vệ Comey khi mô tả giám đốc FBI là người làm việc uy tín, trong khi nói quyết định sa thải là “chưa từng có trong lịch sử”.

Trên thực tế, không có Tổng thống nào sa thải một giám đốc FBI đang trong một cuộc điều tra Nhà Trắng, bao gồm cả Nixon.

Đồng quan điểm, người đứng đầu Ủy ban Tình báo Thượng viện Richard Burr cho rằng, quyết định của ông Trump sẽ khiến cuộc điều tra trở nên khó khăn hơn.

Theo Reuters, nếu Quốc hội Mỹ thiết lập một ủy ban điều tra xung quanh vụ việc Comey bị sa thải, hai thượng nghị sĩ này sẽ là một trong những người trực tiếp chống lại Trump.

Cùng với đó, FBI sẽ cung cấp các dữ kiện cho các nhà điều tra quốc hội và báo chí sẽ tiếp tục đào sâu hơn.

Đọc thêm>>> [infographic] Chân dung những nhân sự bị TT Trump quyết 'trảm'

Quốc Vinh

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.