Vụ rò rỉ khí amoniac (NH3) ở số 217B/7A, đường An Phú Tây, xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP.HCM ngày hôm qua (10/10) gây ra những hậu quả khủng khiếp.
Những người dân chứng kiến sự việc cho biết, chỉ ít phút sau đó, khí NH3 có mùi hôi nồng nặc bay từ trong khuôn viên công ty sang chiết gas ra ngoài khiến nhiều người bị khó thở. Đáng nói, 2 người bị thương nặng, có biểu hiện chảy máu từ miệng, bỏng ở mắt, 2 người khác bị thương nhẹ hơn.
Anh Nguyễn Tấn Tài, nhà ngay bên cạnh trạm chiết gas, cho biết mèo chó, gà, heo trong nhà anh đã chết sạch. Có ít nhất 4 con chó, một bầy heo 4 - 5 con và đàn gà hàng chục con bị chết.
"Cả căn nhà đều có mùi hôi nồng nặc, cay cay ập vào mũi. Nhìn mấy con chó chết thảm, vợ tôi ôm chúng khóc hết nước mắt. Ngoài đám vật nuôi, cây cối trong vườn cũng héo úa, rũ rượi", anh Tài nói.
Một nhân chứng tên Thành cho biết trên tờ Vnexpress: "Tôi thấy hàng chục người gần công ty Vĩnh Lộc bịt miệng bỏ chạy tán loạn, mùi hóa chất hôi thối nồng nặc xộc thẳng vô mũi. Lúc này tôi mới biết rò rỉ khí từ trạm sang chiết chứ không phải nổ khí gas. Nhiều người không thở được, ngồi gục xuống đường, nước mắt nước mũi ròng ròng".
Do tính chất nguy hiểm của vụ việc, Cảnh sát PCCC huyện Bình Chánh điều một xe xử lý hóa chất cùng 4 xe nước đến hiện trường. Họ phối hợp cùng chính quyền địa phương đưa 200 dân di tản.
Hơn 1.000 học sinh trường tiểu học An Phú Tây 2 - cách hiện trường 500m cũng được sơ tán khẩn. Ngoài những em được xe cảnh sát chở đi, số còn lại được thầy cô hướng dẫn tìm lối thoát.
Theo PGS. Trần Hồng Côn, khoa Hóa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội chia sẻ trên tờ Zing, amoniac (NH3) là một trong những loại khí độc rất nguy hiểm. Ở nhiệt độ phòng, ammoniac là khí không màu, có mùi hăng khai và nhẹ hơn không khí, dễ dàng hòa tan trong nước.
“Khí amoniac thường bị nén dưới dạng lỏng khi ra tiếp xúc với không khí sẽ chuyển thành hơi. Ở dạng hơi nồng độ của nó sẽ rất cao. Vì vậy, những tai nạn về amoniac rất nguy hiểm bởi tốc độ lan rộng của hơi nhanh và ngưỡng gây độc từ tỉnh táo tới hôn mê rất hẹp. Một người vừa nhận thấy có biểu hiện cay mắt đã có thể chuyển sang trạng thái hôn mê khi tiếp xúc ở nồng độ cao”, PGS. Côn cho biết.
Như vậy, mức độ nguy hiểm của khí amoniac đối với cơ thể phụ thuộc vào đường tiếp xúc cũng như liều lượng và thời gian. Ở nồng độ cao, khí này có thể ngay lập tức gây phỏng da, mắt, mũi, họng, đường hô hấp, thậm chí dẫn đến mù, tổn thương phổi và tử vong. Hít phải amoniac nồng độ thấp hơn sẽ gây ho, kích ứng mũi, họng, nuốt vào cơ thể gây bỏng miệng, họng và dạ dày.
Khi xâm nhập vào người, NH3 tác dụng với nước trong cơ thể tạo thành amoni hydroxit. Hóa chất này có tính ăn mòn và làm tổn thương tế bào.
Các mô tổn thương lại bị thoát dịch sẽ làm biến đổi amoniac thành amoni hydroxit tiếp tục gây phỏng da, mắt, đường hô hấp, tiêu hóa. Chất này còn phá hủy các nhung mao và niêm mạc đường hô hấp là những cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Các tổn thương ở đường hô hấp có thể dẫn tới bệnh phổi mạn tính.
Những vụ ngộ độc khí không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà trên thế giới từng có những thảm họa ám ảnh. Hơn 1.700 người sống gần hồ Nyos ở Cameroon bỗng ra đi sau một đêm. Đó là thảm họa ngộ độc khí diễn ra vào ngày 22/8/1986.
Theo TTXVN, sự việc được phát hiện ra khi một người đàn ông đi xe đạp từ làng Wum ở Cameroon tới làng Nyos, trông thấy một con linh dương nằm chết bên vệ đường. Sau khi buộc con linh dương lên xe đạp, người đàn ông đi tiếp và phát hiện thêm xác hai con chuột, một con chó và hai con vật khác.
Anh đi đến khu lều phía trước để hỏi thăm, tự hỏi liệu có phải chúng chết do bị sét đánh. Bước vào trong lều, người đàn ông hốt hoảng phát hiện người chết nằm khắp nơi.
Anh tìm kiếm xung quanh nhưng không thấy ai sống sót, vội vàng đạp xe trở về Wum và báo sự việc lên cơ quan chức năng.
Nạn nhân thiệt mạng lên đến 1.746 người, hơn 3.000 gia súc cùng với rất nhiều động vật hoang dã, chim chóc và côn trùng cũng chết một cách bí ẩn sau một đêm.
Xâu chuỗi các manh mối, các nhà khoa học đã lý giải được thảm họa trên do hiện tượng tích tụ khí CO2 trong lòng hồ Nyos. Khi khí CO2 từ lòng hồ thoát ra ngoài đã tạo nên vụ ngộ độc khí khủng khiếp.
Sau này, các nhà khoa học phát hiện ra rằng hồ Nyos là một trong những hồ tĩnh lặng nhất thế giới. Những quả đồi cao bao quanh hồ chắn gió khiến nhiệt độ nước trong hồ có sự đồng đều từ bề mặt xuống dưới đáy.
Vì Nyos là nơi có khí hậu nhiệt đới nắng nóng quanh năm, nhiệt độ nước không thay đổi nhiều từ mùa này sang mùa khác. Hơn nữa, do hồ quá sâu nên ngay cả khi nhiệt độ nước phía trên thay đổi thì nước lạnh cũng không thể chìm xuống đáy. Sự tĩnh lặng của nước hồ Nyos chính là nguyên nhân khiến nó trở nên vô cùng nguy hiểm.
Một thảm họa khác cũng ám ảnh nhân loại không kém xảy ra cách đây hơn 3 thập kỷ. Đó là vụ rò rỉ khí độc chết người tại nhà máy thuốc trừ sâu UCIL thuộc công ty Đa quốc gia Mỹ Union Carbide (UCC) đặt tại ngoại ô Bhopal (Ấn Độ) khiến hàng trăm nghìn người chết vào đêm 2/12/1984.
Hàng thập kỷ đã qua sau thảm họa, rất nhiều người lao động nghèo và thế hệ con cháu của họ vẫn bị Bhopal đeo bám, ám ảnh. Rất nhiều người mắc chứng thiếu máu, dậy thì muộn và bệnh ngoài da.
Tệ hơn cả, cứ 5 hộ gia đình sinh sống gần khu vực nhà máy bị rò rỉ thì có tới 4 hộ có trẻ mắc dị tật bẩm sinh.
Thành Huế (tổng hợp)