Tổng thống Trump đã dành phần lớn thời gian trong hai ngày cuối tuần chỉ để phản ứng với phán quyết của một thẩm phán liên bang ở Mỹ khi chặn lại sắc lệnh cấm nhập cảnh gây tranh cãi của ông.
Phản ứng đầu tiên là một tuyên bố từ Nhà Trắng với việc gọi phán quyết có phần "thái quá" khi can thiệp vào quyết định của chính phủ. Sau đó, nhiều dòng bình luận trên trang cá nhân của ông Trump liên tục được đăng tải với những lời lẽ công kích đến vị thẩm phán nói trên.
"Điều gì sẽ xảy ra khi một thẩm phán cũng có thể ngăn chặn một lệnh cấm đi lại từ bộ An ninh nội địa và bất cứ ai, ngay cả những kẻ xấu cũng có thể đi vào nước Mỹ?", ông Trump viết trên Twitter hôm thứ Bảy.
Đến ngày Chủ nhật, thêm một dòng bình luận khác nói rằng ông "không thể tin một thẩm phán lại có thể đưa cả đất nước rơi vào tình trạng nguy hiểm", đồng thời cảnh báo nếu điều gì bất trắc xảy ra thì "lỗi lầm thuộc về vị thẩm phán đó và cả hệ thống tư pháp".
Những dòng tweets của ông Trump chĩa mũi nhọn vào quyền lực của ngành tư pháp khiến nhiều người đặt ra câu hỏi liệu Tổng thống Mỹ có bất chấp tất cả bỏ qua phán quyết của tòa án, tự ý khôi phục lệnh cấm nhập cư hay không?
Với chiến dịch dân túy của mình cùng với việc luôn tỏ thái độ hoài nghi đối với giới tinh hoa chính trị truyền thống, nhiều người nghĩ rằng ông Trump rất có thể sẽ chống lại cả nền tư pháp nước Mỹ, dù tòa án vẫn cho phép chính phủ kháng cáo lên tòa phúc thẩm và tòa án tối cao.
"Họ đang manh mún cho một cuộc chiến. Đó là những gì đặc trưng của chủ nghĩa dân túy", Daniel P. Franklin, Giáo sư tại Đại học bang Georgia cho biết.
Franklin nhấn mạnh hiện tại chưa có dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump có thực sự sẽ bỏ qua phán quyết của tòa án hay không. Nhưng những lời công kích hiếm thấy của một tổng thống Mỹ trong sự bất đồng giữa tòa án và chính phủ đang rất dễ mở đầu cho một cuộc khủng hoảng hiến pháp trên toàn nước Mỹ.
Trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp tổng thống Mỹ không làm theo phán quyết của tòa án liên bang mà tiêu biểu là cựu Tổng thống Andrew Jackson hay ngay cả Abraham Lincoln.
Sau khi Thẩm phán Tòa án tối cao John Marshall bác bỏ một đạo luật ở Georgia cho phép thu hồi các vùng đất Mỹ bản địa, do vi phạm hiệp ước liên bang, Tổng thống Andrew Jackson đã không chấp nhận hoặc ít nhất đã từ chối tuân thủ trong thời gian đầu. Khi đó ông đã nói rằng: "John Marshall đã đưa ra quyết định của mình thì hãy để ông ấy tự thi hành nó".
Giáo sư Franklin cho rằng, nếu ông Trump cũng đi theo cách làm của những người tiền nhiệm, tam quyền phân lập của nước Mỹ sẽ mất cân bằng và thẩm phán tối cao sẽ không khác gì một nhánh quyền lực của chính phủ.
Nước Mỹ phân chia quyền lực ra theo hình thức tam quyền phân lập bao gồm lập pháp (Quốc hội), hành pháp (Chính phủ) và tư pháp (Hệ thống tòa án Mỹ), nhằm tạo thế cân bằng kiểm soát lẫn nhau để ngăn chặn việc một nhánh lạm dụng quyền lực.
Theo Giáo sư Franklin, động thái của nền tư pháp trong việc chặn đứng sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump là đúng theo quy định của Hiến pháp, nếu chống lại, ông Trump có thể bị khép vào tội "khinh miệt tòa án" đồng thời việc làm của ông sẽ bị đưa lên điều trần tại Hạ viện.
"Khinh miệt tòa án được coi là một tội hình sự được quy định trong Hiến pháp, đồng nghĩa với việc ông Trump sẽ bị luận tội," Franklin nói. "Tuy nhiên Hạ viện có thể nhìn nhận vấn đề này theo một góc độ khác".
Joel Nichols, Giáo sư luật tại Đại học St. Thomas cho hay, điều quan trọng nhất không phải là bản thân ông Trump có tuân thủ phán quyết hay không mà là cách tòa án sẽ phản ứng như thế nào cùng với đó là nội các của ông Trump có chịu đồng ý làm theo phán quyết.
"Tôi nghĩ rằng một số thẩm phán liên bang sẽ sẵn sàng đưa ra một cáo buộc khinh miệt tòa án để chống lại Trump", Nichols nói. "Họ chỉ cần ra một phán quyết cụ thể dựa trên pháp luật và các quy định của Mỹ, và sau đó chính phủ sẽ bị buộc tội vì bất tuân theo lệnh của tòa án".
Tuy nhiên dù bản thân ông Trump chịu nhún nhường trước quyết định của tòa án, câu hỏi về việc các cơ quan khác của chính phủ, các quan chức liên quan tới sắc lệnh của ông Trump có chống lại nền tư pháp nước Mỹ hay không vẫn còn bỏ ngỏ.
"Bộ trưởng Quốc phòng và người đứng đầu An ninh quốc gia của ông Trump rất có thể sẽ đi theo con đường này, bởi các tướng lĩnh quân sự thường là những người có tính kỷ luật và lòng trung thành, họ sẵn sàng bỏ qua phán quyết của tòa án vì những điều có lợi cho ông chủ của họ", tờ Washington Post nhận định.
Quốc Vinh