Các quốc gia Trung và Đông Âu gồm Cộng hòa Séc, Áo, Hungary và Slovakia đang phàn nàn về gánh nặng thuế mà Đức áp đặt lên khí đốt tái xuất khẩu từ nước này sang quốc gia họ.
Họ cảnh báo rằng việc Đức đánh thuế khí đốt khiến loại nhiên liệu này trở nên đắt đỏ hơn đang làm suy yếu nỗ lực nỗ lực của Liên minh châu Âu (EU) trong việc chấm dứt phụ thuộc vào nguồn cung của Nga.
Đức – với tư cách trung tâm lớn về cơ sở hạ tầng năng lượng, tái xuất khẩu vật tư mua từ ngoài khối sang các nước thành viên EU khác – đã đưa ra mức phí này vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng năng lượng châu Âu vào năm 2022 sau khi Nga hạn chế dòng chảy khí đốt và Đức phải chi hàng tỷ Euro để lấp đầy các cơ sở lưu trữ của mình.
Khoản thuế đã được tăng lên nhiều lần kể từ đó, và hiện ở mức 1,86 Euro/MWh, bằng khoảng 1/10 giá khí đốt tiêu chuẩn hiện tại của châu Âu. Nó càng quan trọng với Đức trong bối cảnh quốc gia Tây Âu đang phải tìm cách lấp đầy “lỗ hổng” ngân sách trị giá 10 tỷ Euro.
“Bộ tứ EU” cho biết khoản thuế này – được trả bởi các thương nhân hoặc các công ty tiện ích trong chuỗi cung ứng và nhằm giúp trang trải chi phí tái nạp kho dự trữ khí đốt – đặt ra những thách thức đáng kể cho thị trường khí đốt châu Âu và có ý nghĩa rộng hơn đối với an ninh năng lượng, khả năng cạnh tranh kinh tế và sự gắn kết pháp lý trong EU.
Khoản thuế này, được gia hạn đến tháng 3/2027, trở thành tâm điểm chú ý khi Ủy ban châu Âu (EC) ra dấu hiệu muốn chấm dứt thỏa thuận với Nga về dòng khí đốt đi qua Ukraine vào cuối năm nay. Điều này đặt 4 quốc gia Trung và Đông Âu vào tình thế khó khăn vì tuyến đường qua Ukraine vẫn chịu trách nhiệm vận chuyển khoảng 14 tỷ m3 khí đốt Nga sang EU.
“Chi phí vận chuyển gia tăng ảnh hưởng không tương xứng đến khu vực Trung và Đông Âu, khiến các quốc gia thành viên trong khu vực này gặp khó khăn hơn trong việc tiếp cận nhập khẩu khí đốt từ Tây Âu”, Bloomberg dẫn tài liệu dự kiến được trình bày tại cuộc họp của các Bộ trưởng Năng lượng EU vào ngày 4/3.
“Điều này có thể buộc một số quốc gia thành viên phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu khí đốt từ Nga. Nó có khả năng làm tăng sự phụ thuộc về địa chính trị của họ và làm suy yếu mọi nỗ lực nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng”, tài liệu mà Bloomberg tiếp cận được cho biết.
“Điều này, cùng với việc có thể chấm dứt vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine vào cuối năm nay, sẽ làm giảm đáng kể an ninh nguồn cung của toàn khu vực và khiến khu vực này trở nên nhạy cảm hơn trước những biến động giá cả”, tài liệu cho biết thêm.
“Chúng ta nên tránh những bước đi làm tổn hại đến công việc đã hoàn thành và củng cố sức mạnh của Nga”, Bộ trưởng Công nghiệp Séc Jozef Síkela cho biết về biện pháp này và nói thêm rằng “việc tăng phí vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ Đức và các nước khác có thể gây ra tác động này”.
EC dự kiến sẽ đề xuất mở rộng các biện pháp phối hợp giảm nhu cầu khí đốt vào ngày 27/2, nguồn tin của Bloomberg cho biết. Các nhà ngoại giao từ các quốc gia thành viên sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận chính trị về đề xuất này vào ngày 1/3 để các Bộ trưởng Năng lượng có thể phê duyệt vào ngày 4/3.
Tháng trước, EC được cho là đã yêu cầu cơ quan quản lý năng lượng của khối đánh giá tác động của khoản thuế này, được gọi là Gasspeicherumlage (phụ phí lưu trữ khí đốt) ở Berlin. Theo bà Aura Sabadus, chuyên gia thị trường khí đốt tại công ty tình báo hàng hóa ICIS, khoản thuế này đã huy động được 987 triệu Euro cho Đức trong khoảng thời gian từ tháng 6/2022 đến tháng 1/2024.
“Các nước Trung và Đông Âu đang đặt hy vọng đưa khí đốt từ Tây Âu qua Đức” để giúp đa dạng hóa nguồn khí đốt từ Nga, bà Sabadus nói. Nhưng “tất cả những cuộc thảo luận về việc đa dạng hóa nguồn cung khí đốt khỏi Nga về cơ bản là vô nghĩa nếu thuế này vẫn được áp dụng” bởi vì hiện nay việc tìm nguồn khí đốt từ nơi khác là “rất tốn kém”.
Các quan chức EU cho biết họ đang đánh giá mức thuế của Đức trong bối cảnh lo ngại rằng nó có thể khiến các nước khác cũng “bắt chước” theo. Ví dụ, Italy đang dự tính áp dụng biện pháp tương tự vào đầu năm nay.
Minh Đức (Theo Bloomberg, Politico EU)