Theo công văn số 3857 /UBND ngày 12/7/2012 của chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, đối với dự án này, việc lựa chọn nhà đầu tư tiếp tục triển khai dự án có hai phương thức: đấu giá quyền sử dụng đất và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất.
Dự án Rusalka hậu vụ án hoang hóa cỏ dại.
> Ảnh: Đau xót cho Rusalka trong hoang vắng cỏ dại
Việc đấu giá quyền sử dụng đất không áp dụng trong trường hợp xử lý tài sản dự án Rusalka và lựa chọn nhà đầu tư mới tiếp tục triển khai dự án vì các lý do: Ranh giới dự án Rusalka được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt gồm 3 khu A, B, C. Khu A có diện tích 2,0411 ha: Khu này công ty RIT trước đây đã bồi thường giải phóng mặt bằng, đã thi công hạ cao độ đất núi tới cao độ thiết kế (đã có đầu tư trên đất), UBND tỉnh đã điều chỉnh quy hoạch để sử dụng đất làm đường giao thông, bãi đậu xe trong khu vực. Khu B có diện tích là 28,6475 ha: công ty RIT trước đây đã đền bù giải phóng mặt bằng đối với một phần diện tích xây dựng văn phòng, nhà kho; phần còn lại cơ bản vẫn do các hộ gia đình quản lý sử dụng, chưa bồi thường giải phóng mặt bằng (chưa có đất sạch). Khu C có diện tích là 13,1764 ha, nằm ven biển, trong đó bao gồm 7 ha công ty RIT lấn biển, tạo quỹ đất (thực tế do công ty RIT đã lấn biển 9,3 ha nên tổng diện tích thực tế là 15,5 ha). Trên đất là khối tài sản công ty RIT đã đầu tư hơn 131 tỷ đồng (theo định giá của Bộ Tài chính năm 2006), đang chờ xử lý. Theo điểm g, Khoản 5, Điều 2 Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ thì đất dự án Rusalka không thuộc diện đất sạch, không đấu giá quyền sử dụng đất.
Việc lựa chọn nhà đầu tư thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể có khiếu kiện kéo dài vì một số lý do: Công ty RIT đã giải phóng mặt bằng ở khu A, khu C và một phần khu B, đã đầu tư khối lượng lớn trên phần đất đã được giải phóng mặt bằng và trên diện tích đất lấn biển. Khó xác định được các tiêu chí để định giá giá trị thị trường của tài sản đã đầu tư hình thành trên đất.
UBND tỉnh Khánh Hòa báo cáo Thủ tướng: Quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã xác định tài sản bị kê biên và được dỡ bỏ kê biên là tài sản của ông Nguyễn Đức Chi, ông Nguyễn Đức Chi không có nghĩa vụ bồi thường liên quan đến tài sản dự án Rusalka. Văn bản số 06/TA-HS của TANDTC ngày 27/10/2011 khẳng định, hành vi mà ông Nguyễn Đức Chi bị xét xử “không liên quan đến việc xin cấp giấy phép đầu tư vào dự án Rusalka”, điều này cho thấy văn bản của cơ quan cảnh sát điều tra – Bộ Công số 286/C15(P10) ngày 21/9/2006 không phù hợp quy định pháp luật, căn cứ vào văn bản này Bộ KHĐT ban hành Quyết định số 581/QĐ-BKH ngày 24/10/2006 chấm dứt hoạt động của dự án Rusalka và thu hồi Giấy phép đầu tư đã cấp cho công ty RIT trước đây là không đúng. Ông Nguyễn Đức Chi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ KHĐT và UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu giải quyết tài sản dự án Rusalka, đảm bảo lợi ích hợp pháp của chủ đầu tư dự án.
UBND tỉnh Khánh Hòa nhận thấy đề xuất của Bộ KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung “Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của các bên góp vốn, cũng như để tránh khối tài sản ngày càng xuống cấp, gây lãng phí, kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép thành lập doanh nghiệp mới, dự án mới để tiếp tục đầu tư trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án cũ” là giải pháp duy nhất khả thi để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “sớm tiếp tục đầu tư dự án, không để thiệt hại, lãng phí kéo dài” . Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, sau đó, đã “ đồng ý với kiến nghị của Bộ KH&ĐT tại văn bản số 227/BKH-ĐTNN ngày 13/9/2010. Giao UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì…xử lý dứt điểm tài sản của dự án Rusalka theo quy định của pháp luật về đầu tư; xem xét, quyết định việc tiếp tục đầu tư theo đúng quy định của pháp luật; báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ”.
Thực hiện nội dung chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ, Sở KH&ĐT Khánh Hòa đã hướng dẫn nhà đầu tư đăng ký thành lập công ty Focus Travel Nha Trang trên cơ sở khối tài sản còn lại của dự án Rusalka. Điều lệ thành lập công ty Focus Travel Nha Trang có quy định nghĩa vụ kế thừa trách nhiệm về công nợ của công ty RIT tại dự án Rusalka. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Focus Travel Nha Trang triển khai dự án mới có tên là Dự án Khu nghỉ mát Champarama (Champarama Resort & Spa), với phạm vi dự án, quy mô và các hạng mục đầu tư như của dự án Rusalka trước đây.
Nhà đầu tư mới sau khi được cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án Khu nghỉ mát Champarama sẽ thực hiện nghĩa vụ kế thừa và thanh toán công nợ với các tổ chức, cá nhân liên quan có quan hệ kinh tế, dân dự, lao động với công ty RIT trước đây tại dự án Rusalka.
Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, việc xác định nhà đầu tư mới là công ty Focus Travel Nha Trang được thành lập trên khối tài sản còn lại của dự án Rusalka để tiếp tục triển khai dự án và kế thừa nghĩa vụ giải quyết công nợ với các tổ chức, cá nhân liên quan là phù hợp với thực tế của dự án và phù hợp với quy định của pháp luật về trình tự, thẩm quyền giải quyết các quan hệ kinh tế, dân sự theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Với các lý do trên, UBND tỉnh Khánh Hòa kiến nghị Thủ tướng đồng ý chấp thuận Công ty Cổ phần Du lịch Trọng điểm Nha Trang (Focus Travel Nha Trang) là nhà đầu tư mới tiếp tục triển khai dự án đầu tư Khu nghỉ mát Champarama (tên gọi mới của dự án Rusalka) - công ty kế thừa nghĩa vụ thanh toán công nợ của công ty RIT đối với các nhà thầu và các bên liên quan có công nợ tại dự án Rusalka và đồng ý để UBND tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hướng dẫn Công ty Cổ phần Du lịch Trọng điểm Nha Trang hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để tiếp tục dự án đầu tư.
Ông Võ Tấn Thái - giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa: "Các vấn đề phức tạp mà hậu vụ án để lại, tạo nên tổn thất không nhỏ cho chủ đầu tư và các nhà thầu; gây nghi ngại trong giới đầu tư và bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là những người dân bị ảnh hưởng trong vùng dự án; môi trường đầu tư của tỉnh Khánh Hòa cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thực tế đặt ra đòi hỏi cấp bách là cần giải quyết dứt điểm các tồn tại để đảm bảo lợi ích chính đáng cho nhà đầu tư và tất cả các bên liên quan, tránh để tổn thất về tài tiếp tục sản kéo dài gây lãng phí không đáng có". |
Nguyễn Trần