Muôn kiểu kêu gọi tài trợ cho khủng bố
Sau vụ tấn công ở trung tâm thương mại Westgate ở Nairobi, Kenya, dư luận thế giới để ý đến 40 đối tượng người Mỹ đã đến Somalia để gia nhập hàng ngũ của Al Shabab trong nhiều năm qua. Bên cạnh đó, báo giới cũng tập trung vào thông tin nhóm khủng bố Hồi giáo này nhận được hỗ trợ tài chính từ nước Mỹ. Những người Mỹ đã kêu gọi tài trợ cho các nhóm khủng bố, trong đó Al Shabab nhận được hàng trăm nghìn đô la Mỹ nấp bóng giao dịch kinh doanh để duy trì và phát triển các chiến binh tại Somalia.
Từ vụ khủng bố 11/9, chính phủ Mỹ đã phát hiện một khoản "đầu tư" vào Al Qeada lên đến 500.000 USD, ngay lập tức giới chức nước này đã tung ra các biện pháp cứng rắn để khóa mọi con đường nhằm đổ tiền vào các tổ chức khủng bố.
Hình ảnh do Giám đốc trung tâm báo chí Kenya cung cấp vào ngày 26/9 cho thấy bãi xe bên ngoài trung tâm Westgate bị tàn phá sau 4 ngày quân khủng bố chống trả quân đội.
Một trong các nỗ lực đáng kể của các cơ quan an ninh Mỹ là "chỉ mặt đặt tên" những tổ chức khủng bố trên thế giới. Vào thời điểm xảy ra vụ 11/9, chính quyền liên bang đã xác định được 26 tổ chức khủng bố nước ngoài. Đến thời điểm hiện tại, số lượng đã lên tới 51, trong đó có tên của Al Shabab - được đưa vào danh sách từ tháng 3/2008.
Kết quả của danh sách "chỉ điểm" này xác định những công dân Mỹ nào cung cấp cho nhóm Al Shabab kinh phí, chương trình đào tạo, chuyên gia, tài liệu, phương tiện liên lạc, vũ khí, chất cháy nổ hay tham gia vào tổ chức là phạm pháp. Dựa trên quy tắc này, hàng loạt vụ việc đã bị đưa ra ánh sáng.
Ở Rochester, bang Minnesota, hai người phụ nữ Mỹ gốc Somalia bị phát hiện đã kêu gọi tài trợ cho nhóm Hồi giáo cực đoan Al Shabab. Đó là Hawo Hassan, 64 tuổi và Amina Farah Ali, 35 tuổi, hai người này đã tổ chức những cuộc hội đàm bằng video để gây quỹ ủng hộ Al Shabab.
Hàng trăm người đã được "rủ rê" vào cuộc hội đàm trực tuyến đó và hai người phụ này lần lượt thuyết phục những người tham gia ủng hộ cho nhóm. Trong cuộc hội đàm ngày 26/10/2008, hai người này đã nhận được số tiền 21.000 USD cho nhóm Al Shabab từ 21 người khác.
Những cuộc hội đàm bằng video cũng là hình thức kêu gọi tài chính đặc trưng của nhóm Al Shabab. Trong cuộc hội đàm, một nhà lãnh đạo nữ của Al Shabab hô hào người nghe gửi tiền cho họ như một hình thức tham gia thánh chiến "bằng con đường tài chính". Những người đứng đầu Al Shabab nói với các thành viên tham gia hội đàm rằng cuộc thánh chiến cần có tiền để diễn ra và sự giúp đỡ của họ là cần thiết.
Hình ảnh do Giám đốc trung tâm báo chí Kenya cung cấp vào ngày 26/9 cho thấy bãi xe bên ngoài trung tâm Westgate bị tàn phá sau 4 ngày quân khủng bố chống trả quân đội.
Khủng bố "núp bóng" người nghèo
Hai người phụ nữ Mỹ gốc Somalia trên còn gây quỹ bằng cách đi gõ cửa từng ngôi nhà ở Minnesota để quyên góp, dưới danh nghĩa là gây quỹ cho trẻ em mồ côi ở Somalia. Trong một cuộc điện thoại của Ali với người quản lý tài chính của Al Shabab được tình báo Mỹ ghi lại được có đoạn hội thoại: "Tôi nói với họ rằng tôi quyên tiền cho người nghèo. Không ai nghĩ được rằng tôi lại gửi tiền cho anh".
Công tố viên cho rằng, cuộc điện thoại này đã quá đủ để khẳng định động cơ của hai phụ nữ này gây quỹ để ủng hộ Al Shabab, một nhóm Hồi giáo đã được chính quyền Liên bàn liệt vào tổ chức khủng bố. Hai phụ nữ này lập tức bị kết án và nhận án tù cho hành vi của mình.
Tương tự như thế, Ahmed Husein Mahamud, một thanh niên 27 tuổi đã kêu gọi tài chính từ cộng đồng Somalia tại Minnesota bằng cách nói dối rằng số tiền quyên góp được sẽ được chuyển đến một bộ tộc tại Somalia hoặc để giúp đỡ những đứa trẻ mồ côi. Nhưng thay vào đó, anh ta đã chuyển số tiền này đến một chiến binh của nhóm khủng bố để hỗ trợ mua vũ khí. Ahmed và những đồng phạm của anh ta đã chuyển thành công số tiền 1.500 USD cho Al Shabab. Mahamud đã bị buộc tội vào năm ngoái.
Vào năm 2007, Aden Hashi Ayrow, thủ lĩnh của Al Shabab đã liên hệ với Basaaly Saeed Moalin, một người lái xe thuê ở San Diego để yêu cầu anh này "đổ tiền" cho nhóm. Vào tháng 1/2008, Ayrow trao đổi lại với Moalin rằng tổ chức cần biết số tiền anh có thể gửi về hàng tháng, cho dù số tiền đó chỉ là 100 USD vì một khoản tiền nhỏ cũng có thể làm nên một thay đổi lớn ở Somalia, nơi được xem là nghèo nhất thế giới. Để giữ chân một binh sĩ ở Al Shabab, tổ chức này chỉ phải trả 1 USD/ ngày.
Dưới yêu cầu của lãnh đạo nhóm Al Shabab, Moalin tổ chức những thành viên khác trong cộng đồng Somalia-Mỹ để "tiếp sức" cho nhóm Hồi giáo hiếu chiến này. Moalin đã tuyển dụng 3 thành viên của cộng đồng và ê-kíp này đã gửi cho Al Shabab tổng cộng 8.500 USD từ năm 2007 đến năm 2008. Cả bốn người này sau đó đã bị buộc tội ủng hộ khủng bố.
Bắt giữ đối tượng kêu gọi ủng hộ Al Shabab
Nima Ali Yusuf, một phụ nữ 25 tuổi ở San Diego đã bị tuyên án vào tháng 12/2011 vì đã gửi 1.450 USD để giúp đỡ tổ chức Al Shabab. Người này đã liên hệ điện thoại cho một vài chiến binh Al Shabab ở Somalia.
Kể từ khi Al Shabab bị chỉ đích danh là tổ chức khủng bố, Bộ Tư pháp Mỹ đã thành lập chiến dịch Rhino để chiến đáu với những mạng lưới ủng hộ Al Shabab trên toàn nước Mỹ. Cơ quan an ninh Mỹ đã bắt giữ 12 đối tượng kêu gọi ủng hộ cho nhóm Al Shabab.
Điều này dường như đã có tác dụng răn đe thực sự. Thông tin về những vụ việc này đã được công khai trong cộng đồng người Mỹ gốc Somali, những thông báo gây quỹ cho Al Shabab giảm xuống đáng kể (hoặc có thể tinh vi khó phát hiện hơn). Và lần cuối cùng một người Mỹ gốc Somalia bị buộc tội gây quỹ cho Al Shabab là năm 2011.
BOX Al-Shabab là ai?
Al-Shabab có nghĩa là "Tuổi trẻ" trong tiếng Ả Rập. Được thành lập vào năm 2006, nhóm này hiện có từ 7.000 đến 9.000 chiến binh. Họ từng kiểm soát phần lớn miền Nam Somalia và cả thủ đô Mogadishu. Ở những nơi họ kiểm soát, họ đã áp dụng luật Hồi giáo Sharia hà khắc bao gồm ném đá cho đến chết phụ nữ ngoại tình và chặt tay kẻ cắp. Họ từng ngăn cản các nhóm cứu trợ phương Tây hoạt động trong nạn đói năm 2011.
Xuân Hoàng (Theo CNN)
Bài phân tích trên báo CNN của nhà báo Peter Bergen (chuyên gia phân tích an ninh quốc gia của đài CNN, đồng thời là giám đốc Tổ chức New America và là tác giả của quyển sách: "Manhunt: Mười năm tìm kiếm Bin Laden") và David Sterman (tốt nghiệp ngành An ninh tại trường đại học Georgetown, Mỹ).