Ám ảnh Trịnh Xuân Thanh
Kể từ khi được cổ phần hóa, tổng công ty Sông Hồng ngập trong thua lỗ, ngoại trừ các năm 2011, 2014 lãi vài trăm triệu đồng trong khi tổng vốn Nhà nước đầu tư là 270 tỷ đồng. Năm 2015-2016 lỗ sau thuế lần lượt là 85 tỷ đồng và 187 tỷ đồng – kết quả kinh doanh tệ nhất từ trước đến nay, cuốn bay vốn điều lệ.
Bên cạnh đó, tài sản ngắn hạn (1.373 tỷ đồng) thấp hơn nợ ngắn hạn (1.577 tỷ đồng), đe dọa khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Tình hình tại Tổng công ty mà bộ Xây dựng đang sở hữu 73,2% vốn bi đát đến mức bộ Tài chính vừa qua phải phát đi cảnh báo về hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp này.
Công ty kiểm toán CPA Việt Nam còn phải liệt kê một dãy dài các ý kiến ngoại trừ. Đây cũng là lý do tại sao bộ Tài chính cảnh báo về thực trạng của SHG và cho rằng có nguy cơ mất vốn Nhà nước tại đây.
Cũng cần nói thêm, tổng công ty Sông Hồng là một trong những “đứa con” đầu tiên của bộ Xây dựng, được thành lập vào tháng 8/1958 với tên gọi công ty Kiến trúc Việt Trì. Tháng 8/2006, doanh nghiệp này được chuyển đổi sang mô hình công ty mẹ - con và lấy tên là tổng công ty Sông Hồng như hiện nay.
Cuối năm 2009, Sông Hồng tiến hành cổ phần hóa và được phép giao dịch trên sàn UpCOM từ tháng 4/2015 với mã chứng khoán SHG. Tuy nhiên, thị giá cổ phiếu SHG nhanh chóng rơi xuống dưới mệnh giá và hiện được giao dịch ngang với một... ly trà đá (khoảng 3.000 đồng), phản ánh quan điểm của thị trường đối với doanh nghiệp 60 năm tuổi này.
Ốc “vác cọc cho rêu”
Ngày 4/4/2011, tổng công ty Sông Hồng cam kết bảo lãnh khoản vay ngân hàng SHB chi nhánh Hà Nội cho công ty con là công ty Cổ phần Thép Sông Hồng số tiền 100 tỷ đồng, trong trường hợp công ty này không có khả năng trả nợ.
Công ty này chính là đối tượng trong vụ án nghiêm trọng do báo cáo tài chính sai sự thật, dùng tài sản thế chấp ở nhiều ngân hàng để vay hơn 700 tỷ đồng, trong đó có 500 tỷ không có khả năng thanh toán.
Các đối tượng gồm Tổng giám đốc Phạm Việt Cường và Phó Tổng giám đốc Nguyễn Ngọc Chân còn tự ý duyệt bán hàng, không thu tiền, không có bảo lãnh của ngân hàng, gây thất thoát trên 60 tỷ đồng. Theo Bản án số 03/2017/KDTM-ST ngày 19/6/2017 của TAND quận Tây Hồ, TP.Hà Nội, Tổng công ty Sông Hồng phải có nghĩa vụ trả nợ thay cho công ty Cổ phần Thép Sông Hồng số tiền 261,88 tỷ đồng bao gồm tiền nợ gốc, nợ lãi trong hạn và nợ lãi quá hạn.