Sự việc bà Nguyễn Thị Kim Tuyến mạt sát người học là “con lợn”, “óc lợn”, đấu khẩu “mày-tao” trong giờ học tiếng Anh tại trung tâm Anh ngữ MST English đã đẩy đến một giới hạn cực đỉnh của sự phỉ báng, vô văn hóa trong cách hành xử giữa con người với con người.
Và đến nay, sự việc đã rạch ròi đúng sai. Tuy nhiên, còn nhiều dư âm sau sự việc khiến chúng ta phải suy ngẫm.
Nếu con người sống với nhau mất đi sự tử tế thì cái xấu, cái ác sẽ ngự trị, hẳn thế nên bao nhiêu từ lỗ mãng người ta vẫn thích nói về nhau mỗi khi có “biến”, mà chẳng thể thay vào đó là những từ an yên, dịu ngọt, sẻ bùi.
Hẳn, chỉ khi lòng tự trọng bị lạc lối, con người ta mới đánh mất bản ngã của chính mình. Lòng tự trọng là thước đo nhân cách con người. Một người không có lòng tự trọng sẽ trở nên thấp hèn, tự mãn và đơn độc. Và khi nào lòng tự trọng trở về đúng quỹ đạo, thì nó sẽ hướng con người ta đến những điều tốt đẹp, sự bao dung, lòng nhân ái, vị tha…
Nếu thế hệ chúng ta, những người đi trước hành xử với nhau bằng bạo lực, đòn thù, xảo trá, hơn thua, thì liệu “sản phẩm” tương lai của chúng ta sẽ là gì? Các con, các cháu… sẽ là những tấm gương phản chiếu sáng tỏ nhất về lối sống, cách hành xử của cha mẹ, anh chị, thầy cô và cả ông bà chúng.
Hỉ-nộ, vẫn luôn thường trực trong mỗi con người, đã đến lúc chúng ta phải nhìn lại, nghĩ sâu, làm thật để những ngày sau và những tương lai sau nữa trân trọng hơn ở những điều tốt đẹp trong cuộc sống này, để con người chỉ đối đãi với nhau bằng tình yêu thương, sự tử tế và bao dung.
Trong cuộc sống cần đặt ra những nguyên tắc, quy chuẩn buộc chúng ta không thể phạm. Tuy nhiên, quy tắc chỉ đạt được hiệu quả dựa trên sự hài lòng, rạch ròi đúng sai, phải trái công bằng. Và hơn hết, chúng ta nên học lại cách sống, cách đối nhân xử thế trước khi truyền dạy người khác một cái gì đó, dù là rất nhỏ.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả