Tại Hội nghị "Đồng hành cùng doanh nghiệp" diễn ra ngày 17/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh rằng, "phải xây dựng một thể chế chính sách bình đẳng giữa công và tư nhân, phù hợp với thông lệ quốc tế. Thể chế và chính sách về kinh tế cần tháo gỡ liên tục, tạo môi trường đầu tư minh bạch dễ dàng áp dụng…". Điều đó cho thấy những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ để cụ thể hóa Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII.
Để hiểu rõ hơn kinh tế tư nhân Việt Nam thực sự đang thiếu và cần điều gì, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng viện Kinh tế Việt Nam để có những phân tích cụ thể.
PV: Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh vai trò kinh tế tư nhân. Ông đánh giá sao về trọng tâm được Chính phủ nhấn mạnh này?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Ngay từ đầu, Chính phủ nhiệm kỳ mới đã quan tâm đặc biệt đến kinh tế tư nhân. Tôi cho rằng điều này nằm trong mạch chung của đất nước, đến lúc này coi doanh nghiệp tư nhân không phải là một thành phần bình thường, quan trọng mà phải đánh giá rất cao, là động lực cho kinh tế Việt Nam. Tôi nghĩ rằng, khi cho họ là động lực vì thấy họ yếu quá nên việc nhận diện một thành phần yếu thành động lực là đã có một thái độ khác. Điều đó rất quý. Nhưng chúng ta phải thẳng thắn đặt câu hỏi tại sao lực lượng vốn là động lực, bản chất là động lực mà bây giờ mới công nhận. Bây giờ phải gỡ ra sao để họ trở thành động lực thật. Đây là bài toán Chính phủ đặt ra rất nghiêm túc.
PV: Vậy theo ông, mấu chốt vấn đề ở đây là gì?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Mấu chốt vấn đề nằm ở khái niệm kiến tạo. Hiện nay, theo tôi, Chính phủ là cái trụ cột để tạo ra môi trường kiến tạo đấy. Chính phủ đã làm là rất đúng cách nhưng làm thế nào để hiệu quả, thật nhanh bởi vì thực tế phục vụ cho doanh nghiệp tư nhân đang vướng nhiều thứ, vướng từ trong đầu vướng ra, các thiên kiến từ xưa đến nay đã tồn tại.
Chúng ta đặt vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, vậy hỗ trợ thế nào, ưu đãi hay không ưu đãi họ? Tôi nói thật, doanh nghiệp tư nhân họ đầy lòng tự trọng. Họ có khi không cần ưu đãi, hỗ trợ theo kiểu phân biệt. Họ cần sự bình đẳng, cần công bằng, môi trường thông thoáng. Ta thì cứ lo ưu đãi cho họ. Như một vị từng nói “ưu đãi làm cho họ không muốn lớn”. Tôi cho rằng ở điểm này chúng ta cần lật qua, lật lại vấn đề để có một thái độ đúng với kinh tế tư nhân.
Theo tôi, quan trọng nhất không phải cho thêm họ cái gì mà quan trọng nhất là cho họ thở không khí trong lành của cạnh tranh tự do, bình đẳng. Đó là mấu chốt của vấn đề.
PV: Như ông nói thì rõ ràng không chỉ là tháo gỡ khó khăn mà là phải tạo một môi trường tốt, minh bạch cho họ cạnh tranh, tự lớn. Vậy ông có đề xuất cụ thể gì về việc phát triển kinh tế tư nhân?
PGS.TS Trần Đình Thiên: Khái niệm minh bạch rất quan trọng. Tôi lấy ví dụ, để doanh nghiệp tư nhân phát triển thì phải cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước. Nếu để doanh nghiệp Nhà nước với tất cả “hành lý” từ trước đến nay, ưu đãi cho nó, sập xệ như vậy hút nguồn lực đất nước thì doanh nghiệp tư nhân chỉ còn cách “ăn theo” doanh nghiệp Nhà nước.
Bây giờ làm sao để khu vực kinh tế tư nhân vươn lên, phát triển bình đẳng với các khu vực khác. Họ có bình đẳng thì liên kết mới tốt được. Còn hiện nay, tôi thấy họ rời rạc. Chúng ta có số lượng doanh nghiệp tư nhân nhiều nhưng khái niệm lực lượng đó không rõ. Doanh nghiệp nào biết doanh nghiệp đấy. Họ manh mún, rã rời, nhỏ bé quá không kết lại được thành lực lượng, sức mạnh.
Mấu chốt bây giờ của khu vực tư nhân không phải là tăng về số lượng, không chỉ hiệu quả doanh nghiệp mà phải kết thành lực lượng, liên kết với nhau.
Môi trường kinh doanh phải tạo ra cạnh tranh lành mạnh. Cạnh tranh tốt kết thành lực lượng. Phân biệt đối xử thì không thể có lực lượng được. Thứ hai là phải có trụ cột để liên kết với nhau, cứ li ti như cám thì không thể kết nối được. Muốn nhanh thì phải kết nối, muốn kết nối phải có trụ cột. Trụ cột là các tập đoàn, các công ty lớn đứng ra kết nối doanh nghiệp thành các chuỗi. Chính vì thế, tôi cho rằng ở mức độ nào đó không chỉ là quan tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn phải quan tâm đến các tập đoàn, công ty lớn để liên kết các công ty nhỏ tạo thành lực lượng.
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Kỳ vọng doanh nghiệp tư nhân lớn mạnh vươn ra thế giới Bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Giám đốc công ty TNHH Vĩnh Tiến chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin: “Cá nhân tôi từng khởi nghiệp sản xuất trà, rượu vang… chỉ với số vốn ít ỏi nên tôi hiểu nhiều vấn đề khó khăn của doanh nghiệp tư nhân. Vốn họ cũng cần nhưng trước hết họ cần Nhà nước tạo sân chơi thực sự bình đẳng trong kinh doanh. Đó là điều doanh nghiệp tư nhân chúng tôi mong mỏi lớn nhất. Năm nay, đại biểu đến từ các doanh nghiệp tư nhân lên đến 1.500 đại biểu cho thấy việc Thủ tướng, Chính phủ đã thực sự coi trọng lực lượng này. Đặc biệt theo chủ trương, chính sách mới của Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XII, coi kinh tế tư nhân là động lực của nền kinh tế. Đây là sự động viên lớn đối với doanh nghiệp tư nhân. Những phát biểu của Thủ tướng, việc Thủ tướng ký Chỉ thị số 20 ngay tại Hội nghị cho thấy Thủ tướng Chính phủ đang nỗ lực, thể hiện quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp. Tôi mong rằng, thời gian tới, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thêm nhiều điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân không chỉ phát triển lớn mạnh trong nước mà còn vươn ra thế giới”. |
Đỗ Thơm (thực hiện)