Mấy ngày gần đây, tôi có đọc được bài chia sẻ thắc mắc của một học sinh lớp 4 với tựa đề “Bà ngoại đi được xe máy, sao cô giáo bảo sai?”. Ngay sau khi đăng tải, câu chuyện đã thu hút được đông đảo sự quan tâm của dư luận. Nhiều người cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại phương pháp giáo dục theo khuôn mẫu.
Tôi là một nhà tâm lý học, cũng là một giáo viên, tôi nghĩ rằng, văn mẫu có những giá trị riêng biệt của nó và chúng ta không thể phủ nhận được.
Còn nhớ, trước đây những năm học phổ thông, văn mẫu đã giúp tôi có thêm tư liệu cho những bài viết, giúp tôi mở rộng khả năng hiểu biết.
Ngày nay, các em học sinh vẫn xem những quyển văn mẫu là “người bạn” của mình. Tuy nhiên, việc lạm dụng văn mẫu sẽ khiến cho trẻ không còn nhiều cảm xúc tự nhiên bên ngoài.
Dù thế, đứng dưới góc độ một người gắn bó với nghiệp viết lách thì tôi vẫn trân trọng những bài văn mẫu vì đó là những bài văn được viết bằng trái tim và một ngòi bút có tâm với những bài văn.
Tuy nhiên, mọi thứ nhiều quá cũng không tốt, cần cho trẻ cơ hội để học tập mới từ môi trường về bên ngoài, cảm nghiệm từ những dòng văn hồn nhiên của trẻ con.
Sử dụng văn mẫu để tham khảo, sử dụng văn mẫu để mình có thêm kiến thức thì điều đó vô cùng đáng quý và đáng trân trọng, cho học sinh thêm cơ hội đọc những dòng văn khác nhau, những cây viết khác nhau, biết đâu từ những bài văn mẫu các em có thêm tư liệu để viết nên những bài văn sinh động và sâu sắc hơn.
Sử dụng văn mẫu, nhưng không sao chép, không áp đặt, không học thuộc để chép vào, thì điều đó vô cùng đáng trân trọng, vì mọi sự học hỏi từ thế hệ đi trước, mọi sự tìm hiểu đều sẽ vun đắp thêm cho tâm hồn các em học sinh những điều tươi mới.
Sử dụng, đọc những bài văn có chọn lọc, ngẫm nghĩ, chậm rãi để thấy những giá trị sau mỗi bài văn, những điều đó vô cùng đáng quý!
Lê Thảo