Kính gửi những nhà hảo tâm, những mạnh thường quân, những tổ chức từ thiện đang ngày đêm cống hiến công sức, tiền bạc của mình cho những người kém may mắn.
Trước tiên, cảm ơn các anh, các chị đã duy trì tốt truyền thống tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách mà dân tộc ta đã xây dựng bao lâu nay. Đúng là trong một xã hội vô cảm, những tấm lòng như anh chị là đáng quý vô cùng.
Thoạt đầu, tôi cũng là người có một “trái tim khá ấm”, muốn giúp đỡ tất cả những người kém may mắn hơn mình, muốn chia sẻ với họ những khó khăn, giúp đỡ họ bất cứ lúc nào khi có thể.
Và tôi đã làm theo đúng những gì trái tim mách bảo. Sẵn sàng bớt chút tiền ăn sáng, gửi người ăn xin 5.000, 10.000 đồng, sẵn sàng mua kẹo cho những ông bà cụ già hay lũ trẻ lang thang với giá gấp ba, gấp bốn lần giá thị trường. Tôi sẵn sàng tham gia rất nhiều nhóm tình nguyện lên những vùng sâu vùng xa, những nơi bị bão lũ để tận tay trao cho họ tấm lòng của bà con miền xuôi. Nhưng có lẽ, càng chia sẻ nhiều, càng tiếp xúc nhiều, tôi càng thấy hướng giúp đỡ của mình là sai.
Các anh, các chị có thể quy chiếu từ câu chuyện nhỏ: Bố thí cho người ăn xin hay mua giúp phong kẹo cho người già, trẻ em lang thang, cơ nhỡ… mà suy ra câu chuyện lớn – chuyện từ thiện ở một địa phương nào đó. Đương nhiên, những người với tấm lòng Bồ tát, khi bố thí cho kẻ khác thì người ấy luôn mong muốn đối phương sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Nhưng sự thật là càng bố thí nhiều, những số phận bất hạnh lại càng mọc lên nhiều như nấm với đủ các biến thể của khổ đau. Người thì muốn thoát nghèo, lên thành phố làm ăn nhưng bị “bùng” tiền, người bị tai nạn lao động, nhiễm trùng lở loét đến vài năm vẫn chưa khỏi (mà vẫn không ảnh hướng đến tính mạng), người lại giả câm giả điếc, giả tâm thần nhớ nhớ quên quên... Rồi kéo theo đó là công nghệ “chăn ăn mày” để kiếm tiền của những kẻ biết cách lợi dụng lòng tốt của người khác.
Quy chiếu sang câu chuyện lớn, rất nhiều hộ gia đình cứ muốn được nghèo, hộ nghèo thì quyết mãi nghèo, "nghèo bền vững" để được hưởng trợ cấp của nhà nước. Đó là chuyện không hề mới cũng chẳng có gì lạ. Chắc anh chị cũng biết.
Tôi từng đến một trường tiểu học ở vùng miền núi phía Bắc. Sau khi khảo sát địa điểm, nhóm tình nguyện của chúng tôi đề xuất với ban giám hiệu của trường cho chúng tôi được gia cố thêm công trình phụ, bếp ăn, một số lớp học với sự đầu tư 100% từ công sức đến tiền của. Nhưng lạ kì, họ từ chối. Lòng vòng một lúc thì họ muốn nhận tiền và tự làm. Đem chuyện đó kể với một số người dân quanh vùng, người ta cũng thật thà mà bảo rằng nếu xây trường khang trang lên thì khó xin được trợ cấp của nhà nước cũng như của những mạnh thường quân khác?!
Từ đó, tôi “giã từ” sự nghiệp “hảo tâm” của mình.
Tôi chỉ kể một câu chuyện nhỏ như thế và gửi đến các anh chị. Tất nhiên, đó là chuyện từ thiện nói chung còn việc cứu trợ người dân trước thiên tai như đợt bão lụt vừa qua là chuyện cần làm. Họ không thể tự đứng lên khi bị nhấn chìm dưới dòng nước. Sự hỗ trợ kịp thời lúc này là điều tất yếu. Nhưng việc lợi dụng tổn thất để nhận được sự giúp đỡ của không ít người (không thực sự cần) trên thực tế đã khiến cho niềm tin của các nhà hảo tâm dần phai nhạt.
Tôi viết bức thư này đương nhiên không phải cổ xúy cho căn bệnh vô cảm. Mà cái tôi muốn truyền đạt đến đó chính là các anh, các chị hãy xem xét lại cách thức “giúp đỡ” của mình, đừng để họ phải sống dưới những bóng sung nhiều quả.
Hãy để họ tự đứng lên và đi lại bằng đôi chân của mình. Có thế, họ mới có thể chạy và chạm tay vào cuộc sống tự chủ và dư dả về kinh tế. Còn mãi "bưng" họ trên lưng mình thì rồi đôi chân của họ cũng dần liệt và họ chẳng bao giờ tự đứng lên được nữa đâu!
Mạnh Thường
* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả