1. Đó là giai đoạn cuối thập niên 1950, đầu những năm 1960, thời kỳ mà các thành viên ban nhạc danh tiếng nước Anh giống như những ông hoàng. "Beatlemania" (hội chứng cuồng The Beatles" lan rộng khắp nơi. Người Tây Ban Nha cũng si mê The Beatles, các cầu thủ Real cũng không phải ngoại lệ. Họ cùng đội những bộc tóc giả kiểu John Lennon để chụp ảnh bìa cho tờ Marca. Và đó là khởi đầu của một câu chuyện, của một cái tên, khi người TBN bắt đầu gọi Real là đội bóng "Yé-yé" (theo điệp khúc "Yeah, yeah, yeah").
"Yé-yé Real Madrid" là một thế hệ đặc biệt trong lịch sử đội bóng Hoàng gia TBN. Đội bóng ấy được dẫn dắt bởi một người TBN, ông Miguel Munoz, người được bổ nhiệm năm 1959 và bắt đầu xây dựng đội bóng TBN thuần khiết. Francisco Gento còn sót lại từ thế hệ Di Stefano (5 lần vô địch châu Âu liên tiếp), được chọn làm đội trưởng để chỉ huy các cầu thủ trẻ Jose Araquistain, Pachin, Pedro de Felipe, Manuel Sanchis, Pirri, Ignacio Zoco, Fernando Serena, Amancio Amaro, Ramon Grosso, Manuel Velazquez…, tất thảy đều là người TBN.
Khác với thế hệ đại thành công trước đó, "Yé-yé" không có những ngôi sao ngoại như Hector Rial, Di Stefano, Raymond Kopa… Đó cũng là xu thế chung của bóng đá TBN thời bấy giờ, chẳng hạn Athletic Bilbao kiên quyết chỉ dùng cầu thủ người xứ Basque. Một điểm khác biệt so với thế hệ cũ là tóc các cầu thủ dài hơn (do học theo phong cách The Beatles) nên đôi khi được gọi là những gã hippie.
Về mặt tài năng, "Yé-yé" chẳng hề thua kém thế hệ trước. Họ giành 9 chức vô địch La Liga, trong đó có 5 chức vô địch liên tiếp từ 1961 tới 1965. Đỉnh cao là chiếc Cúp C1 năm 1966 giành được sau chiến thắng ngược dòng trước Partizan Belgrade. 11 cầu thủ Real đá chính ở Heysel ngày ấy đều mang quốc tịch TBN.
2. Thời gian trôi đi, có những thứ đã thay đổi và có những giá trị vẫn tồn tại. Bilbao vẫn chỉ tuyển người xứ Basque, Barca vẫn ưa dùng cầu thủ xứ Catalunya. Nhưng ở Real, những giá trị truyền thống đã tàn phai. Real đã đổi thay sau những năm tháng đặt dưới quyền điều hành của những vị Chủ tịch như Lorenzo Sanz, Ramon Calderon hay Florentino Perez. Perez là người chịu trách nhiệm lớn nhất khi chính sách "galacticos" của ông với bản chất trọng sao ngoại đã khiến cầu thủ nội mất dần chỗ đứng và lò Castilla trở thành đồ bỏ đi. Trong nhiệm kỳ đầu tiên ở Bernabeu, Perez chỉ mua duy nhất một cầu thủ TBN là Sergio Ramos.
Khi những thử nghiệm mới thất bại, người ta thường quay về với những giá trị truyền thống. Đó là chọn lựa của Flo Perez, người đã hứa sẽ Tây Ban Nha hóa (Espanolizacion) đội hình khi trở lại Bernabeu năm 2009. Sau khi cuộc "Espanolizacion" nửa vời và mang nặng hình thức kết thúc, ông trùm xây dựng đã quan tâm thực sự nghiêm túc tới vấn đề này.
Mùa Hè 2013, Real đã chi hơn 30 triệu euro đón các ngôi sao trẻ Tây Ban Nha là Carvajal, Isco, đã đẩy Jese Rodriguez lên đội 1 và "hoàng tử bé" Morata sẽ được trọng dụng để sớm trở thành "Raul mới". Vị chủ tịch 66 tuổi cũng quyết tâm chiêu mộ Illarramendi, một bản sao của Alonso. Ở một khía cạnh khác, ông sẵn sàng (tạm thời) từ bỏ những mục tiêu lớn như Gareth Bale.
3. Có thể là Perez hi sinh "galacticos", đứa con tinh thần của mình để chiều theo ý các hội viên (socio) hoài cổ, đặc biệt là những cổ động viên trung thành sót lại từ thời Di Stefano vốn có ảnh hưởng rất lớn trong giới Madridista. Nhưng cũng có thể là ông trùm xây dựng ấy đã nhận ra điều gì là tốt nhất cho đội bóng.
Perez là công dân Madrid chính hiệu và từ thời thơ ấu đã theo cha tới sân Bernabeu xem thế hệ "Yé-yé" trình diễn. Vậy thì hãy vứt "galacticos" đi, và bắt đầu hồi sinh "Yé-yé".
Theo Thể thao Văn hóa