Thảm họa từ thói quen xấu
Túi nilon đã trở nên quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày của mọi người dân. Tuy nhiên, ảnh hưởng của túi nilon tới môi trường và sức khỏe con người là rất lớn. Mặc dù, chúng ta đã có nhiều biện pháp để hạn chế, nhưng việc sử dụng túi nilon vẫn tràn lan. Theo thống kê của Bộ Tài nguyên - Môi trường, trung bình mỗi ngày, Việt Nam xả khoảng 2.500 tấn rác nhựa ra môi trường, mỗi gia đình sử dụng không dưới 10 túi nilon các loại. Chỉ tính riêng Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, mỗi ngày, người dân thải khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon.
Một cuộc khảo sát mới đây đối với các hộ kinh doanh ở chợ Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) cho thấy, bình quân mỗi hộ tiêu thụ khoảng 200-300 túi nilon các loại để gói hàng cho khách, chưa kể các loại băng keo dán đóng gói hàng hóa. Việc sử dụng túi nilon vô tội vạ là hiểm họa lớn đối với môi trường và sức khỏe con người. Sau khi sử dụng, rác nilon phải mất từ 500 năm đến 1.000 năm mới tự phân hủy; nếu chôn lấp, túi nilon gây ảnh hưởng môi trường nước và nếu đốt chúng sẽ tạo khí thải có chất độc gây bệnh. Hơn nữa, việc sử dụng túi nilon để chứa thực phẩm cũng rất nguy hiểm, làm cho thực phẩm bị nhiễm các kim loại từ nilon. Đó là chưa kể những loại nilon chất lượng kém, được tái chế từ rác thải y tế, là nguồn lây nhiễm các loại bệnh cho người sử dụng...
Rác thải chưa được phân loại, đổ bừa bãi tại xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất...
Những chương trình thân thiện
Nhằm hạn chế việc lạm dụng túi nilon, từ năm 2009 đến nay, Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đã triển khai thực hiện thường niên chương trình "Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường", với nhiều chủ đề: "Hà Nội - Ngày chủ nhật không túi nilon", "Hãy sử dụng túi thân thiện với môi trường"… Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động như: Đạp xe vì môi trường, đi bộ vì môi trường, đổi giấy các loại lấy túi thân thiện với môi trường, phát túi tái sử dụng miễn phí tại hệ thống các siêu thị, chợ, trung tâm thương mại... để khuyến khích người dân hạn chế sử dụng túi nilon, bảo vệ môi trường, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. UBND TP Hà Nội cũng đã có kế hoạch triển khai chương trình "Hạn chế sử dụng túi nilon vì môi trường" năm 2013 nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của túi nilon đối với môi trường, tạo thói quen sử dụng túi thân thiện với môi trường. Theo đó, từ nay đến cuối năm, Hà Nội sẽ tập trung tuyên truyền trực tiếp tới học sinh tiểu học và sinh viên của các trường: Tiểu học Nam Thành Công, Tiểu học Hoàng Diệu, Tiểu học Dịch Vọng A, Đại học Ngoại thương, Đại học Kinh tế quốc dân và Đại học Giao thông - Vận tải.
Thông qua các hoạt động giao lưu, các học sinh, sinh viên được giới thiệu và tiếp cận các sản phẩm túi thân thiện với môi trường, thay thế cho túi nilon khó phân hủy. Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội (Sở Tài nguyên - Môi trường) được giao thực hiện, đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng qua các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí nhằm tuyên truyền, phổ biến tới đông đảo nhân dân về tác hại của túi nilon với môi trường.
Từ ngày 10-9 đến 14-11-2013, trên địa bàn thành phố diễn ra hàng loạt hoạt động như: Treo băng rôn, biểu ngữ, dán poster tuyên truyền tại các khu vực đông dân cư; phát trên 10.000 túi vải bằng sợi tổng hợp thân thiện với môi trường tại các trường tiểu học, đại học… Quỹ Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vận động chị em sử dụng túi thân thiện với môi trường, đổi giấy vụn lấy túi thân thiện môi trường, gấp túi giấy thay thế túi nilon, phân loại rác thải tại nguồn...
Cộng đồng trách nhiệm
Chương trình hạn chế sử dụng túi nilon và sản phẩm không thân thiện môi trường là việc làm cần thiết. Song để chương trình đạt hiệu quả, cần có chiến lược, chính sách và giải pháp đồng bộ, cụ thể. Trước mắt, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người hiểu rõ tác hại của việc sử dụng túi nilon, từ đó thay đổi thói quen, cũng cần phải khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ các loại túi tự hủy, túi thân thiện môi trường với những ưu thế hơn hẳn túi nilon... Nếu chúng ta chỉ kêu gọi hạn chế sử dụng túi nilon mà không chú trọng sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường thì chủ trương khó đi vào cuộc sống và không đạt kết quả bền vững.
Theo Hà Nội mới