Khi bạn bấm nút “Like” những dòng chia sẻ của bạn bè trên Facebook, bạn có thực sự thích điều đó mà ấn “Like”?
Chứng kiến cuộc sống của những người bạn trên Facebook tuyệt vời và tràn ngập niềm vui có thể khiến bạn buồn và cô đơn hơn. Một nghiên cứu gần đây của Trường đại học Michigan chỉ ra rằng, càng lượn lờ trên Facebook nhiều, bạn càng cảm thấy cuộc sống của mình buồn chán và tẻ nhạt hơn.
Để đánh giá cung bậc cảm xúc của cư dân Facebook, nhóm nghiên cứu đã khảo sát trên một nhóm thanh niên sử dụng Facebook ở Michigan và ghi chép cảm xúc của họ 5 lần một ngày trong vòng 2 tuần.
Mỗi ghi chép này được thu thập thông qua bảng điều tra trực tuyến về mỗi trạng thái cảm xúc của họ sau khi lướt Facebook. Ngoài việc tổng hợp thông tin về thời gian sử dụng Facebook, những ghi chép này còn phản ảnh mức độ lo lắng, cô đơn cũng như mức độ hài lòng với cuộc sống một cách tổng thể của những người tham gia.
Nhóm nghiên cứu cũng yêu cầu đối tượng tham gia phát biểu mức độ hài lòng của họ lúc bắt đầu và kết thúc nghiên cứu. Kết quả cho thấy, trong thời gian hai tuần, mức độ hài lòng với cuộc sống của hầu hết những người này đều giảm sút. Ngược lại, nghiên cứu chỉ ra rằng, giao tiếp trực tiếp mặt đối mặt lại khiến các đối tượng cảm thấy thoải mái và vui vẻ hơn theo thời gian.
Tính đến thời điểm hiện tại, khoảng 1 tỷ người sử dụng Facebook và hơn một nửa trong số họ đăng nhập và Facebook mỗi ngày. Ethan Kross -chuyên gia khoa tâm lý xã hội học trường Đại học Michigan cho rằng: “Nhìn bề nổi, Facebook cung cấp nguồn tài nguyên vô giá để đáp ứng nhu cầu của con người về kết nối xã hội. Tuy nhiên, thay vì làm cho con người hạnh phúc hơn, những tương tác với Facebook có thể tạo ra tác dụng ngược đối với giới trẻ”.
Vậy đâu là nguyên nhân khiến những người tham gia Facebook có cảm xúc tiêu cực như vậy? Một giả thuyết cho rằng mọi người đang ngầm so sánh cuộc sống thực của bản thân với cuộc sống ảo của bạn bè mình và cảm thấy dường như cuộc sống của người khác lúc nào cũng tuyệt vời hơn, tươi đẹp hơn.
Mặc dù phạm vi nghiên cứu với 82 người còn khá nhỏ, những nghiên cứu khác về tác động của việc sử dụng Facebook với “sức khỏe tinh thần”. Facebook đã trở thành một chủ đề hấp dẫn với các nhà nghiên cứu bởi vai trò và sự hiện diện thường trực của trong đời sống của rất nhiều người. Các nhà tâm lý học, xã hội học và các viện nghiên cứu đang lên kế hoạch nghiên cứu tác động của mạng xã hội này với não người, cảm xúc và giá trị bản thân.
Một số nhà nghiên cứu đã khai thác trực tiếp thông tin từ kho dữ liệu của các mạng xã hội (Facebook có đội ngũ các nhà khoa học về dữ liệu có liên kết chặt chẽ với các trường đại học) trong khi một số nhà nghiên cứu khác tiến hành nghiên cứu một cách độc lập.
Vào đầu năm 2012, một nghiên cứu của Đại học Thung lũng Utah đã chỉ ra rằng, con người thường cảm thấy buồn sau khi truy cập Facebook. Các nhà nghiên cứu đã tiếp xúc 425 sinh viên và tìm thấy mối tương đồng giữa thời lượng sử dụng Facebook và cảm xúc tiêu cực của họ đối với cuộc sống của chính mình.
Càng dành nhiều quỹ thời gian lang thang trên Facebook, họ càng cảm thấy cuộc sống của bạn bè mình tốt hơn, hạnh phúc hơn. Vào tháng 1, một nghiên cứu của Đức chỉ ra rằng 1/3 số người tham gia vào nghiên cứu cảm thấy tồi tệ hơn sau khi dành nhiều thời gian cho Facebook. Nhìn vào bằng chứng cho sự thành công của bạn bè, những em bé dễ thương, những kỳ nghỉ tuyệt vời là nguồn gốc cho sự ghen tị, cô đơn và thậm chí tức giận.
Bạn có đang cảm thấy chán nản, bế tắc với chính cuộc sống của mình? Hãy tự hỏi xem mình đã dành bao nhiêu thời gian trong quỹ thời gian ít ỏi 24 tiếng 1 ngày của mình cho Facebook? Ta có thể làm chủ cuộc đời mình nhưng không thể chặn bước đi của thời gian.
Vậy thì còn chần chừ gì nữa mà không tắt máy tính, rời mắt khỏi màn hình smartphone mà đứng dậy, dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, bạn bè và những sở thích cá nhân? Chắc chắn khi đó bạn sẽ không cần phải ghen tị với cuộc sống ảo của một ai đó trên Facebook mà hưởng thụ cuộc sống thực đầy màu sắc của chính mình.
Thu Hằng